Multimedia Đọc Báo in

Một thế hệ thanh niên thời đánh Mỹ

09:27, 26/07/2020

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm. Những trăn trở suốt đời và cũng là lời di nguyện cuối cùng của Bác Hồ kính yêu đã trở thành sự thật: Non sông đã thu về một mối, cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khoảng thời gian đó đã đủ để mỗi chúng ta cảm nhận, thấm thía sức mạnh thần kỳ của con người Việt Nam về một giai đoạn lịch sử hào hùng đã qua, gắn với thế hệ thanh niên thời đánh Mỹ.

Đất nước hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày, thế hệ thanh niên ngày ấy nếu còn sống để trở về thì cũng đã lên chức ông, chức bà, con cháu đầy nhà. Vậy mà họ vẫn mãi mãi tuổi thanh xuân. Những dòng thơ, những trang nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… đã chạm đến trái tim độc giả thế hệ sau. Các anh chị (cho phép chúng tôi được gọi như thế) đã hiến dâng trọn đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc. Sự hiến dâng ở đây được hiểu theo một lẽ thiêng liêng nhất, cao đẹp nhất mà không có một ngôn từ, một cảm xúc nào có thể diễn tả được. Tình yêu Tổ quốc của các anh chị đã hòa vào máu thịt của nhân dân. Họ đã chết nhưng linh hồn bất tử, thế hệ hôm nay và mai sau luôn nhắc nhớ về họ với một tấm lòng tri ân, biết ơn và kính trọng sâu sắc nhất. Sự biết ơn đó không chỉ thể hiện bằng lời mà bằng những hành động thiết thực, cụ thể để tiếp nối sức mạnh mạch nguồn dân tộc.

Hai cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc, tôi đã đọc và lặng lẽ suy tư về nó biết bao lần. Những cuốn sách đã giúp thế hệ trẻ như chúng tôi chưa từng biết đến chiến tranh, chưa nếm mùi khói súng, chưa phải trải qua sự khổ đau, ly biệt… hiểu được thời thanh niên của cha anh mình đã sống, chiến đấu và hy sinh vì lý tưởng như thế nào. Những trang viết đã tác động mạnh vào suy nghĩ của thế hệ trẻ, khiến họ suy nghĩ, thấm thía, tự soi bản thân xem mình đã làm được những gì để xứng đáng, tự hào với các anh các chị đi trước, những gì chúng ta còn trăn trở như chị Đặng Thùy Trâm cũng đã từng trăn trở…

 Trong cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi", anh Nguyễn Văn Thạc đã viết cho chúng tôi hôm nay và thế hệ mai sau: "Ai đấy khi nắm tay người bạn thân yêu của mình, khi cánh buồm xanh đi về, cánh cửa trời rộng mở, chớ quên dưới chân mình là cát sỏi, là hòn đất đượm mồ hôi, thấm máu của bao thế hệ mà cuộc sống của họ đã xa xôi…". Đọc những dòng chữ ấy, chúng tôi thấm thía rằng: Dân tộc ta qua bao thế hệ, phải trải qua biết bao hy sinh mất mát mới giành lại được độc lập tự do, mới có được cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay.

Tôi chợt liên tưởng đến những dòng thơ: “Ta đi trên sông/Nghe thuyền nói biết ơn dòng nước/Trưa hè nắng gắt/Nghe con đường biết nói ơn cây/ Nghe đồng cát biết ơn bóng mây/Thấy nắng xuân nhớ mùa chim én/Nghe trái đất biết ơn khí quyển/Cho trời xanh năm tháng cứ xanh thêm/Quê hương này khói lửa mấy mươi năm/Phút yên tĩnh đầu tiên ai đành quên máu đổ/Có hoa phượng nào thắm đỏ/Mà không mang sắc lửa hy sinh…” (Bài thơ "Một tâm hồn bất tử" của tác giả Phan Ngọc Chính).

Một sự ví von nhẹ nhàng nhưng thật là sâu sắc. Tác giả nói về công ơn của Đảng. Đảng ở đây là ai, là hiện thân của chính những người con trung kiên – những đảng viên cộng sản đem lại sự sống, hạnh phúc và bình yên cho mỗi người cũng giống như sự sinh tồn trên trái đất phải nhờ vào bầu khí quyển trong lành, không có gì so sánh nổi công lao của Đảng, của Bác Hồ đã vạch lối chỉ đường, đem lại hòa bình cho quê hương, đất nước cuộc sống hòa bình và ấm no cho người dân.

Cuộc chiến đã lùi xa. Thế hệ trẻ hôm nay lớn lên, mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ đang ra sức cống hiến sức trẻ của mình cho sự nghiệp dựng xây đất nước, làm giàu cho chính mình, cho quê hương bằng mồ hôi, công sức, trí tuệ tuổi trẻ. Khi mỗi người hiểu được giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do quý giá như thế nào, tự khắc họ sẽ biết phải trân trọng gìn giữ cuộc sống bình yên quý giá hôm nay, càng hiểu hơn giá trị mỗi phút giây ta sống. Xin được mượn những dòng thơ của tác giả Phan Ngọc Chính viết về liệt sỹ Đặng Thùy Trâm để nói hộ lòng mình: “Cảm ơn người đã sống, đã hy sinh/Cho tôi hôm nay hiểu hơn thế nào là yêu thương hạnh phúc/Trang nhật ký như những lời đánh thức/Mỗi giây phút đời người đáng sống biết bao nhiêu”.

Nguyễn Thị Vân Lam

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.