Nhà bia nghĩa tình bên mái đền cổ
Bên cạnh mái đền cổ Chu Hưng ở xã Ấm Hạ (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), có một nhà bia mới được xây dựng dưới gốc cây si cổ thụ. Đó là nhà bia ghi dấu mốc quan trọng về địa điểm huấn luyện của Đội vũ trang đầu tiên của quân đội Lào: Đội vũ trang Lát-xạ-vông. Nhà bia là một di tích lịch sử quan trọng khắc ghi tình nghĩa hai nước Việt - Lào.
Trong kháng chiến chống Pháp, vùng đất Chu Hưng là trung tâm của Chiến khu X, là đại bản doanh của Hội Văn nghệ kháng chiến Việt Nam. Tọa lạc trên một gò đất bằng phẳng, giữa bốn bề xanh ngát của rừng cọ, cây chò, tre nứa, ngôi đền cổ Chu Hưng được biết đến là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, là nơi thờ Côn Nhạc đại vương, vị tướng thời Hùng Vương, người có công đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Ngôi đền gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, từng là nơi Mặt trận Việt Minh lấy làm địa điểm tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, tuyên bố thành lập Hội Nông dân cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc. Đặc biệt, ngôi đền còn là địa điểm huấn luyện đầu tiên tạo điều kiện cho sự ra đời của Đội vũ trang đầu tiên Lát-xạ-vông của Lào, tiền thân của cách mạng Lào.
Đền Chu Hưng, nơi địa điểm huấn luyện đầu tiên của Đội vũ trang Lát-xạ-vông Lào. |
Để gìn giữ những tư liệu lịch sử về Đội vũ trang đầu tiên của nước bạn Lào, đồng thời nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hai nước, vào ngày 6-9-2019, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với huyện Hạ Hòa khởi công xây dựng di tích Nhà bia lịch sử - Địa điểm huấn luyện đội vũ trang đầu tiên của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Công trình đến nay đã hoàn thiện.
Nhà bia được thiết kế theo quy mô một tầng, kiến trúc gồm một tòa bốn mái có hệ thống đao cong, hệ khung vi, hoành, rui bằng gỗ lim, chân cột kê đá xanh, mái ngói mũi hài. Phía trước và hai bên có bậc đá xanh lên, xung quanh là tường bao bằng đá. Chính giữa có tấm bia lớn ghi lại sự kiện ngày 16-4-1949, Đội vũ trang đầu tiên của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã lấy địa điểm sân đền Chu Hưng là nơi huấn luyện với sự có mặt của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn và đồng chí Lê Trọng Tấn. Đỉnh trên cùng của tấm bia là quốc kỳ của hai nước đặt đan xen thể hiện tình hữu nghị hai nước Việt - Lào bền chặt.
Tấm bia ghi lại sự kiện lịch sử của Đội vũ trang Lào. |
Nhà bia nơi ngôi đền cổ Chu Hưng đã ghi lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử cách mạng của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, là nơi khắc ghi nghĩa tình hữu nghị của hai đất nước, hai dân tộc Lào – Việt. Đội vũ trang Lát-xạ-vông do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn lãnh đạo, được nhân dân các bộ tộc Lào nuôi dưỡng, đùm bọc; quân tình nguyện Việt Nam đoàn kết phối hợp chiến đấu với tinh thần quốc tế cao cả, quân đội Lào đã trưởng thành vượt bậc, dũng cảm chiến đấu chiến thắng cả thù trong giặc ngoài, giành độc lập cho dân tộc. Khi hai nước được giải phóng, vào những dịp kỷ niệm lớn, những lần thăm hữu nghị Việt Nam, các đoàn cán bộ cấp cao của Lào đã tổ chức những chuyến trở về Chu Hưng, thăm lại nơi huấn luyện của Đội vũ trang Lát-xạ-vông. Có thể nói, nơi đây sẽ mãi là địa chỉ “đỏ” về tình nghĩa hai nước Việt - Lào.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc