Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945 - 23-9-2020)

Giữ vững lời thề "Độc lập hay là chết!"

08:39, 24/09/2020

Chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực dân Pháp đã nổ súng gây hấn ở Nam Bộ (23-9-1945). Nhân dân Nam Bộ đã bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sớm nhất với ý chí “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ!”.

Mục đích lần này của Pháp đó là chủ trương nhằm vào các chiến dịch tiến công quân sự ở miền Nam, kết hợp thỏa thuận ngoại giao ở miền Bắc để “chiếm đóng Nam Kỳ ngay, sau khi làm được như vậy rồi từ đó chiếm lại phần đất còn lại” của Việt Nam. Rõ ràng, thực dân Pháp là kẻ có dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, là kẻ bội ước, phá bỏ Hiệp định Sơ bộ (6-3) và Tạm ước (14-9), châm ngòi lửa chiến tranh ở miền Nam và mở rộng chiến tranh ra toàn bộ đất nước ta. Nhân dân ta luôn yêu chuộng hòa bình; Đảng và Chính phủ ta đã nhân nhượng nhưng “chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết cướp nước ta một lần nữa”. Vì độc lập, tự do và hòa bình, quân và dân ta một lần nữa cầm vũ khí đứng lên đấu tranh.

Chiều ngày 23-9-1945, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ ra Tuyên cáo Quốc dân, kêu gọi nhân dân Nam Bộ đứng lên kháng chiến. Trong bản hiệu triệu lịch sử này, lời thề của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong ngày Quốc khánh 2-9-1945 đã được nhắc lại: “Độc lập hay là chết!”. Bản hiệu triệu kêu gọi: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng. Hỡi anh chị em binh sĩ, quân dân tự vệ, hãy nắm chắc vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu”. Trong không khí căm thù sôi sục, các chiến sĩ tự vệ và đồng bào Sài Gòn với mọi vũ khí có trong tay, gậy tầm vông, súng khai hậu... lập tức chiếm các vị trí chiến đấu, kiên quyết đánh trả bọn xâm lược.

Nhân dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến.  Ảnh tư liệu
Nhân dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến. Ảnh tư liệu

Ngày 24-9-1945, hầu khắp thành phố Sài Gòn, mọi sinh hoạt, chợ búa giao thông, trường học đều ngưng hẳn. Công nhân nghỉ việc. Nhà máy bị phá. Mọi vật dụng như bàn ghế, xe kéo đều tung ra đường. Cây bị cưa, cột đèn bị đập ngã. Thành phố xây dựng vật cản, chiến lũy ở các ngã ba, ngã tư.

Chỉ mấy ngày đầu nổ súng, đã có 138 xí nghiệp, công sở lớn, 22 kho tàng, 17 đầu máy xe lửa, 30 tàu lớn, 51 tàu nhỏ, 200 xe hơi, 4 chợ, một số cầu đường trong thành phố và quanh Sài Gòn bị phá hủy. Nội thành Sài Gòn tổ chức thành 16 khu vực kháng chiến, 3 mặt trận “tiền tuyến vòng ngoài” nhằm tiếp tục trong đánh ngoài vây, ngăn chặn bước tiến của quân Pháp ra khỏi thành phố. Các mặt trận tiền tuyến không chỉ chốt chặt mà còn thực hiện thọc sâu phối hợp lực lượng nội thành tiến công nhiều mục tiêu bên trong thành phố, với mục tiêu kìm chế, vây hãm địch trong thời gian tương đối dài, tạo điều kiện cho cơ quan lãnh đạo, các cơ sở kháng chiến di chuyển về nông thôn và các tỉnh, có thêm thời gian để chuẩn bị kháng chiến. Cũng từ các chiến tuyến, các cuộc phá vây của quân Pháp đánh ra bị bẻ gãy, trong khi các mũi len lỏi từ ven đô thọc vào gắn với nội đô, liên tiếp gây tổn thất nặng nề cho quân địch. Sài Gòn - Gia Định đã tạo ra hình ảnh toàn dân đánh giặc trong một thành phố lớn, nơi kẻ địch lấy làm đầu não của chúng.

Những ngày cuối tháng 9, chiến sự ác liệt diễn ra khắp thành phố, địch bị bao vây bằng những phòng tuyến, những mặt trận của ta, nhiều trận quyết chiến đã xảy ra ở trung tâm thành phố, dọc đường Verdun, quanh ga xe lửa, chợ Bến Thành, cầu Ông Lãnh, khu bến tàu, cầu Muối, chợ Bàn Cờ, Sở cứu hỏa..., không thể kể hết những trận đánh lẻ tẻ khắp thành phố trong những ngày đầu. Giặc Pháp đã bị thiệt hại nặng cả về người và vật chất. Mặc dù dựa vào quân Anh và Nhật, Pháp vẫn không ra khỏi được thành phố, không phá được vòng vây ngày càng chặt quanh Sài Gòn.

Cùng với sự chiến đấu ngoan cường của các lực lượng vũ trang cách mạng, chấp hành mệnh lệnh của Ủy ban nhân dân Nam Bộ và Lời hiệu triệu của Tổng Công đoàn Nam Bộ, các tầng lớp nhân dân Sài Gòn thực hiện triệt để bao vây, triệt để vườn không nhà trống, bất hợp tác với địch... Sài Gòn trở thành một thành phố chết: không điện, thiếu nước, thiếu lương thực, thực phẩm, không có hoạt động sản xuất, mua bán... gây ra nỗi kinh hoàng đối với quân xâm lược.

Cuộc chiến đấu của quân dân Nam Bộ vì độc lập, tự do của Tổ quốc làm nức lòng quân, dân cả nước. Ngay sau khi nhận được điện báo, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu lộ nhất trí cao với quyết tâm kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ, đồng thời kêu gọi quân dân cả nước hỗ trợ, chi viện cho cuộc kháng chiến. Nhiều đoàn quân Nam tiến đã được cử vào sát cánh cùng quân và dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ chống quân xâm lược Pháp. Một sự kiện lớn đáng chú ý là ngày 23-9-1945, những chiếc thuyền đầu tiên đưa gần 1.000 chiến sĩ cách mạng bị Pháp giam giữ ở Côn Đảo đã cập bến tại Đại Ngãi, Sóc Trăng. Những cán bộ dày dạn đấu tranh được tăng cường cho đội ngũ lãnh đạo kháng chiến, trong đó có các đồng chí: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh...

Với lực lượng vũ trang còn non yếu, quân và dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã không thể ngăn được sức tiến công của quân Pháp - một đội quân nhà nghề được trang bị đầy đủ, lại được quân Anh giúp sức. Sau một thời gian chiến đấu, quân xâm lược chiếm đóng được hầu hết các thành phố, thị xã, đường giao thông quan trọng ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và bắt đầu càn quét, bình định vùng nông thôn rộng lớn.

Nhân dân Nam Bộ cắm chông, tạo vật cản ngăn chặn quân Pháp. Ảnh tư liệu
Nhân dân Nam Bộ cắm chông, tạo vật cản ngăn chặn quân Pháp. Ảnh tư liệu

Mặc dù, cuộc chiến đấu đã không ngăn được âm mưu tái chiếm của giặc Pháp nhưng chính trong những ngày gay go, ác liệt này, các lực lượng vũ trang Nam Bộ đã góp phần đảo lộn chiến lược và kế hoạch tác chiến của Pháp và bước đầu làm thất bại chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”; xác định được phương hướng xây dựng, thống nhất củng cố và phát triển để trở thành một bộ phận Quân đội nhân dân có đủ sức chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược; một hệ thống căn cứ kháng chiến đã hình thành ở Nam Bộ. Đây cũng là thời gian để Trung ương Đảng xây dựng đường lối cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh trong giai đoạn chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi về sau.

Nhìn lại cuộc đấu tranh chống Pháp những ngày đầu ở Nam Bộ, có thể thấy đây là một cuộc đấu tranh toàn dân, toàn quốc trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao… Nét nổi bật trong cuộc đấu tranh này là sự có mặt của những cá nhân, lực lượng vốn không được coi là thân Việt Minh, “thân cộng”. Điều này cho thấy, ý chí thống nhất dân tộc của nhân dân Việt Nam là một sợi dây vô hình, có sức mạnh vô song. Nó vượt lên cả những khác biệt về tư tưởng, chính trị để gắn bó toàn dân tộc vào một khối, vì lợi ích chung của đất nước. Ý chí đó càng khẳng định thêm quyết tâm thống nhất đất nước trong câu nói ngày 1-6-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Ngày Nam Bộ kháng chiến cách đây 75 năm đã đi vào lịch sử nhưng khí thế, tinh thần của cuộc kháng chiến ấy vẫn lan tỏa mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Gắn kinh nghiệm của những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến vào tình hình mới hiện nay, cần chú trọng khơi dậy, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và năng lực sáng tạo của quần chúng. Đây không chỉ là sự kế thừa những bài học lịch sử quý báu mà còn là “chìa khóa” quan trọng để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhằm “Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.