Multimedia Đọc Báo in

Vai trò của Nhà đày Buôn Ma Thuột trong Cách mạng Tháng Tám

14:24, 02/09/2020

Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột - “cái nôi” của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk mãi mãi là dấu son trong lịch sử cách mạng, là nơi tỏa sáng những tấm gương kiên trung, bất khuất, quật cường của các chiến sĩ cách mạng...

Chế độ khắc nghiệt chốn lao tù không lung lạc nổi ý chí sắt đá của những người cộng sản, mà ngược lại, các chiến sĩ cộng sản đã thực sự biến nhà tù thành trận tuyến đấu tranh, thành trường học cách mạng của mình. Cuối năm 1940, một số tù nhân trong Nhà đày Buôn Ma Thuột đã lập ra tổ chức bí mật gọi là “Lực lượng trung kiên”. Tổ chức “Lực lượng trung kiên” có vai trò tập hợp lực lượng và thống nhất hành động, hình thành mặt trận tù nhân mang tính chất quần chúng, thu hút hầu hết tù nhân tham gia. Mặc dù không gọi là chi bộ nhưng tổ chức này có tính chất và vai trò như một chi bộ cộng sản.

Tổ chức “Lực lượng trung kiên” xác định rõ nhiệm vụ như: Tổ chức và lãnh đạo các cuộc đấu tranh trong tù để bảo vệ quyền lợi của tù chính trị; lãnh đạo, giáo dục đảng viên, cán bộ giữ vững tinh thần đấu tranh trong tù; tổ chức bắt mối liên lạc với Đảng ở bên ngoài; chuẩn bị điều kiện và phương tiện cho một số đồng chí trốn thoát khỏi nhà đày, ra ngoài hoạt động; gây cơ sở bên ngoài nhà đày, nhất là thị xã Buôn Ma Thuột và các đồn điền vùng phụ cận... Số thành viên của tổ chức này có lúc phát triển cao nhất lên đến 70 người.

Cán bộ, đoàn viên thanh niên lực lượng vũ trang tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột.  Ảnh: Quỳnh Anh
Cán bộ, đoàn viên thanh niên lực lượng vũ trang tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: Quỳnh Anh

Các tù nhân luôn tranh thủ mọi cơ hội để tuyên truyền, vận động, giác ngộ, xây dựng cơ sở cách mạng trong và ngoài nhà tù. Cuối năm 1944, những chiến sĩ cộng sản đã vận động, xây dựng được những cơ sở cách mạng trong hàng ngũ lính khố xanh, giác ngộ tinh thần cách mạng cho họ. Những đơn vị lính khố xanh người Êđê, M’nông, từ chỗ là công cụ bạo lực của thực dân Pháp đã dần giác ngộ tinh thần yêu nước, đoàn kết Kinh - Thượng; để rồi trong Cách mạng Tháng Tám, chính lực lượng này ngả về phía cách mạng, theo tiếng gọi chính nghĩa, tiếng gọi của độc lập dân tộc, tiếng gọi của Đảng, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình.

Ngày 9-3-1945, Nhật nổ súng đánh Pháp cùng một lúc trên toàn cõi Đông Dương, chưa đầy một tháng sau, Pháp quỳ gối đầu hàng Nhật. Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo tù nhân trong Nhà đày Buôn Ma Thuột quyết định thông qua cơ sở cách mạng đã xây dựng được ở thị xã, các đồn điền và một số buôn làng phát động cuộc đấu tranh chống lại Nhật và tay sai của chúng; phối hợp cuộc đấu tranh của quần chúng ở bên ngoài với cuộc đấu tranh chính trị phạm trong nhà lao để giải phóng tù chính trị. Mặt khác, xây dựng, tổ chức và bồi dưỡng cán bộ; phổ biến chủ trương và xây dựng cơ sở của Mặt trận Việt Minh tại đồn điền Ca Đa; trong các công sở; ở các buôn làng xung quang khu nhà tù, khu lao động xã Lạc Giao... Do đó, cơ sở của Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc phát triển rộng rãi.

Từ những hạt nhân đầu tiên trong những ngày đầu thành lập Chi bộ Nhà đày Buôn Ma Thuột, đến năm 1975, Đảng bộ tỉnh có 216 tổ chức cơ sở đảng với hơn 2.400 đảng viên. Trải qua quá trình chia tách để thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Nông (năm 2004), tính đến ngày 30-6-2020, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk có 701 tổ chức cơ sở đảng với hơn 80 nghìn đảng viên.

Sau khi Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Đảng được ban hành thì hành động đầu tiên của các đồng chí trong tù là thủ tiêu các giấy tờ, sổ sách, đổi sổ tù cộng sản thành tù chống Pháp và lấy cớ đó đấu tranh đòi bọn cai ngục phải thả ra... Trước áp lực đấu tranh của các chiến sĩ trong tù và phong trào quần chúng bên ngoài, các chiến sĩ cách mạng ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã được giải phóng. Các chiến sĩ cộng sản vừa thoát khỏi nhà tù đã chia thành từng nhóm tiến hành tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, xác định phát xít Nhật là kẻ thù trực tiếp của nhân dân ta, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim chỉ là tay sai của chúng, không thể ảo tưởng vào chiêu bài “độc lập” giả hiệu của chính phủ này, do đó phải đứng lên đánh Nhật, lật đổ chính quyền bù nhìn. Có thể nói, đây là cuộc vận động tập hợp lực lượng công, nông, trí thức, binh lính Đắk Lắk dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản, mở đầu thời kỳ phát triển nhảy vọt về lượng và chất của phong trào cách mạng trong tỉnh, làm tiền đề đưa cách mạng của tỉnh Đắk Lắk phát triển thành một cao trào.

             Tái hiện cảnh sinh hoạt chính trị của các chiến sĩ  ở Nhà đày  Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thế Hùng
Tái hiện cảnh sinh hoạt chính trị của các chiến sĩ ở Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thế Hùng

Từ hai đảng viên nòng cốt, đến tháng 7-1945, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk có 3 chi bộ ở đồn điền Ca Đa, xã Lạc Sa và trong công chức thị xã. Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk ra đời đã trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại địa phương.

Ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Ngày 14-8-1945, Nhật hoàng công bố lệnh đầu hàng Liên Xô và các nước đồng minh không điều kiện. Lúc này, tình thế cách mạng trực tiếp ở các tỉnh đã xuất hiện. Khí thế khởi nghĩa sôi sục ở nông thôn và thị xã. Trước tình hình đó, Tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk chủ trương tiến hành ngay cuộc khởi nghĩa ở chính quyền Ca Đa và hai đồn điền cà phê ở cây số 17, cây số 7, trước mắt là giành chính quyền tại thị xã Buôn Ma Thuột. Tối 17-8-1945, Tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk quyết định mở màn khởi nghĩa tại đồn điền Ca Đa, đây là cuộc khởi nghĩa từng phần giành thắng lợi đầu tiên ở Đắk Lắk. Tại một số đồn điền khác như đồn điền ở km 7, 17, 24, 29, các cơ sở Việt Minh lãnh đạo công nhân và nông dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, ra mắt Ủy ban Việt Minh. Đó là những cơ sở đầu tiên trong tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân lao động. Trong ngày 19-8-1945, được công nhân đồn điền Ca Đa hỗ trợ, chính quyền cách mạng được thành lập ở nhiều đồn điền và buôn, ấp từ km 49 đến km 3 trên đường số 21 và dọc Tỉnh lộ số 8 từ Buôn Ma Thuột đi Mê Wal. Đồn điền Ca Đa được chọn làm nơi đặt cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh.

Tối ngày 23-8-1945, truyền đơn của Việt Minh xuất hiện ở thị xã kêu gọi quần chúng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. 15 giờ ngày 24-8-1945, cuộc mít tinh giành chính quyền được tổ chức trọng thể tại sân vận động thị xã. Cuộc mít tinh trở thành cuộc biểu tình tuần hành của quần chúng. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân các dân tộc ở Đắk Lắk thành công rực rỡ.

Có thể khẳng định, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua các đảng viên cộng sản trong Nhà đày Buôn Ma Thuột là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Đắk Lắk.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.