Chuyện vua Minh Mạng tìm người tài và sách xưa
Năm 1821, vua Minh Mạng có chuyến ngự giá Bắc tuần để nhận tuyên phong của nhà Thanh. Noi theo tiên đế Gia Long, nhà vua đi đến đâu cũng xem xét dân tình, răn quan lại địa phương, thi ân cho dân nhiều nơi.
Trong quá trình ở tại Bắc Thành, nhà vua đã ban dụ xuống để tìm sách vở đời xưa và tìm người tài ở khu Bắc Thành và vùng Thanh Nghệ. Bởi lẽ theo vua Minh Mạng nghĩ, Bắc Thành là đất văn hiến, tất còn nhiều sách của đời trước.
Vua vốn coi trọng hiền tài, vì vậy khi mới lên ngôi cũng đã ban chiếu xuống để tìm người tài giỏi giúp việc. Tuy vậy, theo lời vua Minh Mạng là chưa thấy ai hưởng ứng. Lần này khi Bắc tuần, vua có ý tiếp tục tìm kiếm những người hiền tài để tránh bỏ sót. Bắc Thành và hai hạt Thanh Nghệ vốn nổi tiếng là vùng đất có nhiều danh sĩ, lại là nơi đặt vương triều của nhiều triều đại, vì vậy người tài năng không ít. Sách sử “Đại Nam thực lục” của triều Nguyễn ghi lại rằng: “Nay trẫm dừng chân ở Bắc Thành đã gần hàng tháng mà vẫn yên lặng không nghe gì. Hay là vì các nha môn trong ngoài, nhân trước thấy chiếu nói cử người hiền lương phương chính mà không dám đương danh hiệu ấy chăng? Phàm dùng người cũng như dùng vật, nên thu lượm rộng rãi, sao lại cứ đòi cho trọn vẹn đầy đủ? Vậy đặc chuẩn cho cả 11 hạt Bắc Thành và 2 hạt Thanh Nghệ, có người nào học rộng văn hay, am thuộc điển tích, cho chí kẻ có một tài một nghệ khả dĩ giúp ích cho thực dụng, thì cho được đến hành tại hoặc các nha môn, hoặc nhân tiện đến các thành trấn thì cho lấy tên tâu ngay. Trẫm sẽ sai người xét thực, tuỳ tài chọn dùng, không để phụ cái lòng mong cha mẹ vẻ vang tiếng tăm lừng lẫy và để xứng với cái ý kén tìm nhân tài của trẫm”. (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, tr. 170).
Vua Minh Mạng. Ảnh: Internet |
Ngoài vấn đề tìm hiền tài để giúp nước làm trọng, thì thư tịch cũng được vua quan tâm. Thư tịch không chỉ giúp cho việc mở mang tri thức, giúp cho sĩ tử học tập, mà là sách vở giúp ích cho đời. Vua Minh Mạng vốn dĩ là người coi trọng sách vở nên khi ở Bắc Thành đã ban dụ xuống để tìm sách xưa: “Khi trẫm được rảnh việc một chút, lại tìm tòi sách vở. Phàm từ xưa đến nay, những dấu vết phế hưng của các đời, những việc đổi thay của chế độ, cả đến nhân vật tốt xấu, phong thổ khác nhau giống nhau, vẫn muốn góp nhặt chuyện cũ để tham khảo. Trước kia có hỏi tìm sách cũ, cũng đã có người dâng lên, nhưng còn thiếu sót nhiều. Nay nhân có việc Bắc tuần, xem rộng địa dư, nghĩ rằng Bắc Thành là đất văn hiến, tất có thể tìm tòi được. Vậy tất cả những văn tự còn sót lại của đời trước hoặc những sách vặt của các tư gia, cho cả đến những sách kín của nước ngoài, phàm là ghi chép sự thực, có thể giúp ích cho đời, thì không câu nệ văn chương quê mùa, lời lẽ kiêng dấu, đều do sở tại chuyển dâng, trẫm sẽ thu xem và hậu thưởng”. (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, tr.170).
Vua Minh Mạng cảm phục tài năng thơ phú của tiền nhân, lại có tâm sưu tầm sách cổ thư tịch nên vua đã lưu tâm lệnh cho nhân dân sưu tập thơ văn liên quan đến Lê Thánh Tông. Vua dụ cho Nội các rằng: “Nước Việt ta mở nước bằng văn hiến, các bậc vua hiền đời đều có, duy Lê Thánh Tông thì không phải đời nào cũng có. Những phép hay chính tốt chép cả ở trong sử sách, lại còn khi rảnh việc thì lấy văn nghệ làm vui, trước tác rất nhiều, tiếng hay phong nhã vẫn còn văng vẳng bên tai mọi người. Trẫm nhớ đến cổ nhân rất lấy làm kính mến. Tuy đời đã xa, lời nói đã mất, văn chương tuy đã tản mát, nhưng ở trong rừng nho chăm học tất vẫn có người trân trọng giữ gìn. Nay trẫm muốn tìm cho khắc in để lại lâu dài muôn đời bất hủ. Vậy ra lệnh cho quan Lễ bộ, tư hỏi Bắc Thành và các trấn Thanh, Nghệ, Ninh Bình phàm những nhà quan lại sĩ dân, ai còn giữ được những tập thơ văn ngự chế về đời Hồng Đức (1460 - 1497) đều đưa đến cho quan sao chép, thu góp lại để khắc in truyền khắp trong nước, để nêu cái tốt đẹp của tiền nhân, lưu một việc hay trong rừng văn nghệ”. (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 3, tr.131).
Trong sách “Minh Mạng chính yếu” có viết: “Vua sai quan ở Bắc Thành kiểm điểm sách vở nguyên trữ ở Văn Miếu trong thành, như Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn". Bên cạnh đó, vua còn xuống chiếu tìm sách cũ. Chiếu viết: "Trẫm để ý điển xưa, noi theo chí trước, ngửa nghĩ rằng nhờ công đức các đời mở đắp mới có ngày nay, càng muốn làm cho rõ rệt dấu xưa, giao cho sử quán soạn thuật…Vậy chuẩn cho quan dân trong ngoài, phàm nhà nào cất được những bản biên chép điển cũ của triều trước, thì không kể tường hay lược, đem nguyên bản tiến nộp, hoặc đưa cho nhà nước sao chép, đều có khen thưởng”.
Cầu hiền tài, trọng sách xưa vốn là những việc liên quan đến quốc gia đại sự. Nhận rõ được tầm quan trọng ấy, vua Minh Mạng đã hết sức quan tâm đến những việc này, không những tuyển chọn người tài qua thi cử mà còn tuyển chọn qua sự giới thiệu. Việc coi trọng sách xưa không phải chỉ là quý sách, mà cao hơn nữa đó là coi trọng nền văn hiến ngàn năm của nước nhà.
Nguyễn Huy Khuyến
Ý kiến bạn đọc