Ngôi trường giữa rừng căn cứ
30 năm công tác trong ngành giáo dục, tôi nhiều lần được dự lễ kỷ niệm ngày 20-11 (trước đây là Ngày Hiến chương Quốc tế các nhà giáo, sau đổi thành Ngày Nhà giáo Việt Nam). Mỗi lần dự là một lần xúc động, nhưng đáng nhớ nhất là ngày 20-11-1973, cách nay đã 47 năm.
Hồi đó, tôi là Trưởng Ban Giáo dục H9 (mật danh của huyện căn cứ cách mạng Krông Bông). Anh Ama Tuyên là đồng sự bảo tôi: Đi thăm buôn Khanh một chuyến, trường này được lắm!
Lúc bấy giờ, giáo dục H9 có nhiều điểm trường. Vùng người Kinh có Vụ Bổn, Quảng Cư, Thăng Lễ, Phước Trạch, Khuê Điền 1, Khuê Điền 2… Vùng dân tộc thiểu số có buôn Ngô, buôn Chàm, Năng Tâng, Năng Tí, buôn Lum… Tôi còn trẻ nên bước chân nát đá khắp buôn làng, vừa làm phong trào, vừa để dân nuôi bằng sắn (khoai mì) và bắp là chính. Dân ăn gì mình ăn nấy.
Các điểm trường vùng người Kinh có thể có đến lớp 3, lớp 4; trong một lớp có nhiều trình độ khác nhau. Vùng dân tộc thiểu số chỉ có đến lớp 2, từ lớp 3 trở lên tập trung về buôn Khanh thành Trường nội trú trung tâm của H9 (không kể trường nội trú của tỉnh đóng tại buôn Chàm có các lớp cấp II do anh Hoàng Đức Hiển làm Hiệu trưởng).
Trường buôn Khanh nằm giữa rừng le kín đáo, do Ama Ngôi phụ trách, giáo viên có Amí Tuyên, Y Nguôn… Hơn năm mươi giáo viên, học sinh vừa học tập vừa lao động tự nuôi sống mình: trồng sắn, bắp, đậu, kiếm rau rừng, săn bắn hoặc bẫy thú rừng để cải thiện bữa ăn.
Lớp học lợp tranh, trống trải. Bảng là những phiến gỗ ghép còn cong vênh; dùng lá khoai môn trộn với nhọ nồi chà xát cho đen. Phấn viết là sắn được cắt ra từng thỏi phơi khô; vào chân núi Chư Yang Sin lấy đá đỏ làm phấn màu. Bàn học là những thanh tre được ken mây chắc chắn. Ghế ngồi là cây lồ ô pha đôi, ghép lại đặt trên các chạc cây. Đêm đến thắp sáng bằng lửa đốt từ nhựa cây dầu chai, khói đen cả lỗ mũi vẫn vang tiếng học bài, tiếng hát. Ngày 20-11-1973 ấy, trường mổ con heo để mừng ngày lễ, Ama Ngôi nói với tôi: “Mừng ngày lễ cũng là mừng anh cán bộ miền Bắc đã về với buôn làng”. Khi xưng hô, bao giờ Ama Ngôi cũng gọi tôi là “anh cán bộ miền Bắc”, tôi hiểu rằng tình cảm không dành riêng cho tôi mà cả hậu phương tin cậy.
Ươm mầm. Ảnh: Hữu Hùng |
Sau bữa ăn đến phần liên hoan văn nghệ. Lửa trại đốt lên sáng cả khoảng rừng. Tôi xúc động, nghẹn ngào, ngắm nhìn các em trong đêm lửa trại mà rưng rưng.
Nằm trên võng, bên lửa dầu chai, tôi gắng hoàn thành bài thơ “Đêm buôn Khanh”, bài thơ tả thực hoàn toàn vì niềm thương cảm. Mở đầu bài thơ, tôi lấy lại lời bài hát phổ biến trong các trường thuộc H9 do anh Nguyễn Đức Hiển phổ thơ của tôi. Anh Hiển là người Nam Định, cưới vợ một tuần thì vào Nam. Anh được gọi là Hiển B để phân biệt với Hiển A là Hoàng Đức Hiển ở Hải Phòng.
Sau Hiệp định Paris 27-1-1973, vùng giải phóng rộng mở, địch không dám càn sâu nên các trường học không sợ bị lộ mà hiên ngang treo cờ giải phóng: “Em yêu trường của em/ Giữa núi rừng Đắk Lắk/ Suối ngân lên tiếng hát/ Cờ giải phóng tung bay”. Lá cờ của Mặt trận giải phóng nửa đỏ, nửa xanh có ngôi sao vàng năm cánh ở giữa là niềm tự hào của chúng tôi lúc bấy giờ.
Bài thơ “Đêm buôn Khanh” đã giới thiệu khung cảnh chung có phần hùng tráng, nhưng nhìn vào thực tại thật xót lòng. Đó là hình ảnh các em từ mười lăm đến mười tám vô tư múa hát, với cánh tay gầy, đen; chân đi đất, áo rách, quần buộc túm sợi dây trông rất thương. Đó là ánh mắt trong veo của những Y Tim, Y Cố, H’Yêng, H’Yun… tuy gian khổ nhưng vẫn ánh lên khát vọng tươi đẹp. Hiện thực ùa vào thơ, không biết lấy của tôi bao nhiêu nước mắt. Gian khổ nhiều càng tôi luyện các em lạc quan, tin tưởng. Tiếng hát yêu đời của các em vì niềm tin vào thắng lợi của quê hương, đất nước thật hoành tráng vang vọng núi rừng. Những câu kết bài thơ: “Dù ngày mai, ngày mai/Giữa đèn màu thành phố/ Vẫn nhớ về ánh lửa/ Đêm buôn Khanh chập chờn!” thể hiện niềm tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và lời nhắn gửi các thế hệ học sinh không được quên quá khứ. Lời nhắn gửi ấy cũng là để nói với mình.
Viết những dòng hồi ức về kỷ niệm giáo dục thời ở rừng lại nhớ nhiều gương mặt một thời. Ama Tuyên, Nguyễn Quang Cản cùng ở Ban Giáo dục H9 đã mất. Hồ Thược, Đậu Văn Thú, Ama Lem không còn… thì vẫn còn đây nhân chứng một thời: Hà Ngọc Đào, Nguyễn Trúc, Hà Tiến Dũng, Vũ Đình Tiến, Nguyễn Hữu Uyển, Bùi Văn Đồng, Nguyễn Quang… Nhớ đến Ama Pheng, Ama Hoa, Ama Ngôi, Amí Tuyên, Amí Yun, Amí Blí… Nhiều lắm, 127 người theo số thống kê chưa đầy đủ đội ngũ cán bộ, giáo viên thời ở rừng.
Viết lại kỷ niệm ngày 20-11-1973 mà cứ rưng rưng: Đồng đội ơi! Bạn bè ơi! Học sinh thương yêu của một thời ơi! Nhớ lắm!
Tháng 11-2020
Hữu Chỉnh
Ý kiến bạn đọc