Multimedia Đọc Báo in

Nhà đày Buôn Ma Thuột - Cái nôi của Đảng bộ tỉnh

08:57, 23/11/2020

Nhà đày Buôn Ma Thuột - nơi Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh ra đời cách đây 80 năm giờ là một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ và là địa điểm "Du lịch di sản, lịch sử" thu hút du khách mỗi khi đến Đắk Lắk.

Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh

Nhà đày Buôn Ma Thuột được thực dân Pháp xây dựng năm 1930 với mục đích đày biệt xứ và giam giữ những người yêu nước, đảng viên cộng sản bị bắt, bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ với âm mưu thâm độc: lợi dụng địa hình rừng núi hẻo lánh để cách ly những người tù cộng sản khỏi phong trào cách mạng của quần chúng đang lên; giam giữ, đày ải, trấn áp tinh thần và giết dần tù nhân cộng sản.

Nhưng chúng không ngờ rằng các chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù thành trận tuyến đấu tranh, thành trường học cách mạng của mình. Cuối năm 1940, một số tù nhân trong Nhà đày Buôn Ma Thuột đã lập ra tổ chức bí mật gọi là “Lực lượng trung kiên”. Mặc dù không gọi là chi bộ nhưng tổ chức này có tính chất và vai trò như một chi bộ cộng sản với khoảng 10 người, trong đó có các đồng chí đảng viên cộng sản như: Trần Hữu Dực, Nguyễn Chí Thanh, Trần Tống… Người đứng đầu tổ chức là đồng chí Trần Hữu Dực.

Những hình ảnh sinh động trong Nhà đày trở thành bài học giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Những hình ảnh sinh động trong Nhà đày trở thành bài học giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Cũng từ hạt nhân Chi bộ Đảng đầu tiên đó đã gieo mầm, tạo những "hạt giống đỏ" cho Đảng bộ tỉnh; nhiều nhân sĩ, trí thức, công chức là người dân tộc thiểu số làm việc cho chính quyền thực dân đã được những người cộng sản giáo dục, cảm hóa thành những cán bộ cách mạng theo Đảng, theo Bác Hồ, có uy tín lớn đối với nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Tiêu biểu như các đồng chí: Y Blốk Êban, Y Bih Alêô, Y Yôn (Minh Sơn)...

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, các chiến sĩ cộng sản nòng cốt đã kế thừa, phát triển hình thức đấu tranh của các thời kỳ trước trên một quy mô rộng lớn và quyết liệt hơn. Đến tháng 7-1945, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã có 3 chi bộ được hình thành ở Đồn điền CADA, xã Lạc Sa và trong công chức thị xã Buôn Ma Thuột. Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk ra đời đã trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại địa phương.

Sự thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk là mốc son lịch sử quan trọng đánh dấu bước chuyển mình trong phong trào đấu tranh cách mạng và là nhân tố quyết định thắng lợi cuộc vận động quần chúng nhân dân đứng lên giải phóng dân tộc, góp phần đưa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công ở Đắk Lắk.

Điểm “Du lịch di sản, lịch sử”

Trung bình mỗi năm có khoảng hơn 20.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột; trong đó có đông đảo học sinh, sinh viên, thân nhân tù chính trị, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang.

Nhà đày Buôn Ma Thuột - nơi khắc đậm dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Với những giá trị, ý nghĩa lịch sử to lớn đó, tháng 12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định xếp hạng Nhà đày Buôn Ma Thuột là Di tích quốc gia đặc biệt. Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã ban hành Quyết định số 1502/QĐ-TU lấy ngày 23-11-1940 làm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích quốc gia đặc biệt này, tỉnh đã quan tâm, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo Nhà đày. Chỉ riêng năm 2020, UBND tỉnh bố trí hơn 706 triệu đồng để sửa chữa, cải tạo một số hạng mục gồm: Nhà trưng bày tư liệu, hiện vật và nhà xưởng - nơi cải tạo, đày ải tù chính trị từ những năm 1940 - 1954. Trong quá trình tu sửa vẫn bảo đảm giữ nguyên bản: chất liệu, màu sắc, hình dáng, kích thước. Đầu năm 2020, Di tích lịch sử đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột đã có thêm khoảng 30 hình ảnh được sao chụp lại từ các nhà tù, nhà đày thời thuộc Pháp trên toàn quốc, cùng nhiều thông tin liên quan đến lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột những năm 1930 – 1975.

Nhà đày trở thành điểm tham quan, du lịch di sản lịch sử thu hút du khách khi đến với TP. Buôn Ma Thuột.
Nhà đày trở thành điểm tham quan, du lịch di sản lịch sử thu hút du khách khi đến với TP. Buôn Ma Thuột.

Ngoài việc bảo tồn tổng thể di tích, về không gian, kiến trúc, hiện vật, tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng kế hoạch khai thác nhằm phát huy các giá trị của di tích bằng nhiều hình thức khác nhau phù hợp với nhu cầu của cuộc sống đương đại theo hướng “du lịch di sản, lịch sử”; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo tồn hiện vật; xây dựng phim tư liệu, phỏng vấn nhân chứng… Đồng thời, tiếp tục tìm hiểu, sưu tầm tài liệu, hiện vật về Nhà đày Buôn Ma Thuột không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Pháp để khai thác, phát huy hiệu quả, toàn diện hơn về giá trị của di tích.

  Minh Huyền

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.