Multimedia Đọc Báo in

Người thương binh nặng và ký ức thời hoa lửa

11:04, 27/02/2021

Năm nay đã quá tuổi lục tuần nhưng ông Nguyễn Việt Trà, thương binh bậc 2/4 ở tổ dân phố 4, thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng trong quân ngũ gian khổ mà oanh liệt và tự hào, nhất là những ngày ông cùng đồng đội quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Ông Nguyễn Việt Trà.
Ông Nguyễn Việt Trà.

Ông Trà sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi); cha mẹ và anh trai của ông Trà đều hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, năm 1972 khi mới hơn 13 tuổi, ông Trà đã khai tăng thêm 2 tuổi để được nhập ngũ vào Thị đội Quảng Ngãi. Năm 1975, ông vinh dự được trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng, tiếp quản một số cơ quan đầu não của địch ở tỉnh Quảng Ngãi. Tháng 3-1976, ông Trà được điều động về Trung đoàn 94 Quân khu 5, bảo vệ biên giới Việt Nam - Campuchia ở Kon Tum. Với những thành tích trong học tập, chiến đấu, tháng 12-1978 ông vinh dự được kết nạp Đảng khi mới hơn 19 tuổi; đồng thời được phong hàm Chuẩn úy, Trung đội trưởng tham gia quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu giúp nước bạn Campuchia thoát họa diệt chủng.

10 năm trong quân ngũ và gần 5 năm làm nghĩa vụ trên nước bạn, ông Trà cùng đồng đội đã tham gia hàng chục trận đánh lớn, nhỏ, lập nhiều chiến công. Trong đó, có một trận đánh mà mãi đến bây giờ những đồng đội của ông vẫn còn nhớ như in và gọi ông là “ân nhân”, bởi lẽ nếu không có bản lĩnh và kinh nghiệm chiến trường của ông thì họ đã hy sinh. Đó là vào ngày 16-10-1980, ông Trà nhận lệnh chỉ huy một tổ xung kích đi đầu cuộc hành quân. Khi đến đường 126 (tại nước Campuchia), phát hiện phía trước có địch phục kích, không một chút do dự, ông Trà phán đoán nếu tấn công trực diện sẽ bị rơi vào bẫy mìn của địch được gài sẵn dưới đường mương trước mặt; vì thế ông quyết định cho đơn vị cắt đường, xuyên rừng bọc hậu đánh từ phía sau. Địch bị tấn công bất ngờ, một số bị tiêu diệt, số còn lại tháo chạy, ta tịch thu 30 quả mìn các loại, toàn đơn vị hơn chục người tránh được thương vong. Sau trận đánh đó, ông Trà được phong hàm Trung úy và giữ chức vụ Chính trị viên C2, D48, QK5.

Tháng 12-1980, trong một cuộc hành quân vào sào huyệt quân Pôn Pốt, ông Trà bị thương sọ não, hỏng một mắt trái và cơ thể mang nhiều thương tích với tỷ lệ 71%. Cuối năm 1982 ông được chuyển về an dưỡng ở Đoàn 979 Quân khu 5.

Tháng 7-1983 ông Trà chuyển ngành về Huyện ủy Krông Bông, sau đó được cử đi học lớp Cao cấp chính trị. Từ đó cho đến ngày về hưu, ông đã trải qua nhiều cương vị công tác từ giáo vụ cho đến Phó Giám đốc rồi Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Krông Bông; ở cương vị nào ông Trà cũng luôn tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, là tấm gương điển hình về học tập làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Việt Trà  lúc 2 tuổi quân  (năm 15 tuổi  4 tháng).  Ảnh chụp sau ngày giải phóng Quảng Ngãi (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Ông Nguyễn Việt Trà lúc 2 tuổi quân (năm 15 tuổi 4 tháng). Ảnh chụp sau ngày giải phóng Quảng Ngãi (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hiện nay, tuy tuổi cao lại thường xuyên bị hành hạ bởi di chứng của những vết thương chiến tranh song ông Trà vẫn luôn quan niệm “học không có trang sách cuối cùng”. Ông thường tâm sự với mọi người “Học là học cho mình”, vì thế trong bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng luôn trau dồi kiến thức, từ các môn khoa học tự nhiên trong chương trình phổ thông cho đến các môn khoa học xã hội trong chương trình Cao cấp chính trị, ông đều học nghiêm túc và nhớ rõ một cách có hệ thống từng khái niệm, định nghĩa, các định lý về toán học cho đến giải phương trình… Trở về với cuộc sống đời thường, với kiến thức tích lũy được, ông luôn được mọi người thương mến, nể phục, xem ông như một pho “từ điển sống”, thường được nhiều cán bộ trẻ tìm đến tư vấn, hỏi ý kiến về nhiều vấn đề khó trong công tác…

Ông Trà đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng II, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huy hiệu Bác Hồ, Huy hiệu Chiến dịch Xuân 1975…

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.