Nhớ những năm tháng "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"
“Một ngày trong chiến tranh bằng hai mươi năm lúc bình thường”, tôi đã đọc câu này trong một tác phẩm của một nhà văn Xô viết vào đầu những năm sáu mươi của thế kỷ 20.
Khi vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ, đối mặt với quân thù, trong bom đạn ác liệt, gian khổ, hy sinh và những thử thách cam go diễn ra từng giờ từng phút, tôi càng thấy câu viết ấy rất thấm thía, chí lý, phản ánh hiện thực không cường điệu, phóng đại tô màu đánh bóng…
Bộ đội vượt dãy Trường Sơn đi cứu nước. Ảnh tư liệu |
Bằng trí thông minh và tinh thần quả cảm làm nên tất cả: “Trường Sơn xẻ dọc, dọc ngang/Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng”, mỗi người lính đều huy động tối đa sức khỏe và trí tuệ liên tục ngày đêm chiến đấu với kẻ thù. Sốt rừng, đói rét thiếu thốn mọi bề nhưng người chiến sĩ đều khắc phục, chịu đựng, đồng cam chia sẻ, sống chết có nhau, không nản chí sờn lòng. Có người bận quần đùi (tà lỏn) đi gùi gạo, tải đạn, đầu gối quần dài sờn đem xoay phía trước ra đằng sau; áo quần rách tự vá víu đùm túm mà dùng…
Những năm tháng hào hùng ấy, ở chiến trường Đắk Lắk vô cùng khốc liệt, đạn bom, quân thù càn quét triệt phá đủ đường, người chiến sĩ phải chịu đựng đói ăn, nhạt muối vì đường dây vận chuyển từ hậu phương vào rất xa. Mỗi chuyến đi hằng tháng ra binh trạm Nam Ea Drăng B3, mỗi người cõng trung bình 30 kg gạo về đến đơn vị thì đã gần hết, trên đường gặp máy bay oanh tạc, biệt kích phục, địch càn, có phen chiến đấu đổ máu thương vong. Cán bộ kinh tế kinh tài, đội công tác móc nối cơ sở trong vùng địch để mua lương thực, thực phẩm phục vụ bộ đội và cơ quan dân chính Đảng nhưng cũng không thể đáp ứng nhu cầu. Các đơn vị ở phía trước phải ăn độn khoai, sắn, bắp, gạo ưu tiên lúc chiến đấu, dành cho thương binh bệnh binh. Các đơn vị, cơ quan tổ chức đoàn người đi theo đường dây giao liên xuyên rừng, trèo đèo lội suối xuống Phú Yên hằng tháng cõng muối, có lần gặp địch càn, phục kích có người đã hy sinh.
Văn công biểu diễn trên đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu |
Để bảo đảm nuôi quân chiến đấu, ngoài việc hậu cần của trên cung cấp, các đơn vị chăm lo tự túc lương thực, thực phẩm tại chỗ, tổ chức bộ phận làm rẫy tăng gia sản xuất, trỉa lúa, trồng khoai, sắn, bắp, đậu… Nguồn rau xanh chủ yếu hái lượm ở rừng, ngoài nương rẫy, săn bắn muông thú cải thiện bữa ăn. Do thiếu đói phải tìm kiếm các thứ, đào củ mài, lấy trái sung, quả gắm, lính ta sưu tầm được các loại rau cứu người đỡ đói lòng xót ruột như: măng nấm, lá bép, tai voi, khoai nưa, tàu bay, lá bứa, lá giang… Khoai môn (khoai dại), môn thục nấu nhừ cho lá chua, muối, mì chính, anh em ăn ngon lành khen mát ruột rười rượi. Hành quân vất vả nóng ruột vớ nắm lá giang nấu với cá suối, có món canh chua hấp dẫn kích thích vị giác khoái khẩu tỉnh người. Mùa mưa sắn ra lá non tuốt lấy luộc kỹ vắt khô đem hầm với xương thú rừng heo, nai, mang… nêm gia vị ớt, sả, mì chính, muối ninh kiệt, có món ăn đặc biệt vừa béo, ngọt đậm, bùi bùi, cay cay rất thú vị. Các binh trạm, đường dây giao liên, đơn vị bộ đội đều phát rẫy trồng sắn, chỗ nào cũng có bạt ngàn sắn. Sắn đã thủy chung với cách mạng thực sự là nguồn thực phẩm cứu bộ đội ta thời đánh Mỹ, cứu nước ở Tây Nguyên.
Cảm động xiết bao tấm lòng thơm thảo bao dung cưu mang của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk trong khó khăn gian khổ đã chắt chiu từng lon gạo, hạt muối, củ sắn, củ khoai, cọng rau, quả cà, trái bầu, bí… dành nuôi quân đánh giặc giải phóng buôn làng. Chúng tôi, những người chiến sĩ, mãi mãi biết ơn tình yêu thương nghĩa trọng cao cả vô hạn ấy.
Trung đoàn 70 sử dụng voi vận chuyển hàng từ làng Ho (tây Quảng Bình) vào các trạm 1, 2, 3, 4, 5 Bắc đường số 9, tháng 4-1962. Ảnh tư liệu |
“Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay/Ra sông nhớ suối có ngày nhớ đêm”, chiến tranh đã qua lâu rồi, những người lính chiến về với cuộc sống đời thường nay đầu bạc răng long, mắt mờ chân chậm, sức khỏe giảm sút bởi tuổi tác, sốt rét rừng, mang trong mình chất độc hóa học, vết thương nhức nhối dày vò nhưng gặp nhau vẫn đằm thắm nghĩa tình đồng đội, mừng vui mãn nguyện cảnh đất nước thái bình, hàn huyên ôn lại những năm tháng không quên một thời gian khổ hy sinh. Di chúc của Bác Hồ: “Đến ngày thống nhất, ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” đã thành hiện thực.
Xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Bác Hồ, các đồng chí đồng bào đã trọn đời hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng và bảo vệ Tổ quốc để có hôm nay!
Đoàn Viết Doãn
Ý kiến bạn đọc