Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về một chiến sĩ cách mạng có hai tên đều được đặt tên đường

08:59, 24/03/2021

Ít người biết rằng nhà cách mạng Trần Quốc Thảo có tên thật là Hồ Xuân Lưu, quê ở Quảng Trị. Cả hai tên của ông đều được đặt cho tên đường, tên trường ở các địa phương.

Từ hồ sơ của mật thám Pháp

Mới đây, các nhà nghiên cứu lịch sử đã tìm thấy tư liệu của mật thám Pháp ở Đông Dương, văn bản gốc hiện vẫn còn ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia Pháp tại thành phố Eix-en Provence. Đó là báo cáo của mật thám Pháp về việc theo dõi và bắt những nhà lãnh đạo của cách mạng Việt Nam, trong đó có đồng chí Hồ Xuân Lưu.

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 được tiến hành từ ngày 10 đến 19-5-1941 triệu tập 15 đồng chí nhưng vì những lý do khách quan, chỉ có 9 đại biểu đến dự được, gồm: Nguyễn Ái Quốc, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Bùi San, Hồ Xuân Lưu, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh và Nguyễn Thành Diên. Sau hội nghị, các đại biểu chia thành ba nhóm, trong đó có nhóm Bùi San (người Huế, bí danh Đồ Anh), Hồ Xuân Lưu (người Quảng Trị, bí danh Đồ Em) và Nguyễn Thành Diên. Các đại biểu Trung Kỳ từ Cao Bằng qua Lạng Sơn rồi về Hà Nội để vào miền Trung. Tại Hà Nội, Nguyễn Thành Diên đã bị mật thám Pháp bắt. Không chịu nổi tra tấn, Diên đã khai ra. Mật thám giăng lưới quyết bắt luôn các đại biểu còn lại. Ông Hồ Xuân Lưu bị giặc bắt ở Nghệ An, kết án 20 năm tù khổ sai, đày ở Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Liệt sĩ Trần Quốc Thảo (Hồ Xuân Lưu)   	                (1914 - 1957)	            Ảnh tư liệu
Liệt sĩ Trần Quốc Thảo (Hồ Xuân Lưu) (1914 - 1957).  Ảnh tư liệu

Công văn ngày 30-5-1941 của Cảnh sát trưởng Bắc Kỳ gửi Thống sứ Bắc Kỳ, Tổng nha Cảnh sát, Tổng Kiểm sát trưởng Tòa Phúc thẩm Hà Nội và các cảnh sát trưởng ở An Nam (Huế), Nam Kỳ (Sài Gòn), Campuchia (Pnôm Pênh), Lào (Viên Chăn) là “Lệnh bắt ba thành viên “ủy viên thường vụ trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương” với nội dung: “Trong đêm ngày 29 (tháng 5-1941), khoảng 19 giờ, tại ven hồ Trúc Bạch, cảnh sát Hà Nội đã bắt được Nguyễn Thành Diên, tức Thanh Hải, xứ ủy viên của xứ ủy Bắc Kỳ, thành viên dự khuyết của “ủy viên thường vụ Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương”. Nguyễn Thành Diên đã khai báo hai thành viên của Ủy viên Thường vụ Trung ương của Trung Kỳ (An Nam) là Hồ Xuân Lưu và Bùi San đã rời Hà Nội vào ngày 29, vào khoảng 14 giờ hôm đó đã bị cảnh sát Trung Kỳ bắt tại ga Cầu Guội (cách Vinh khoảng 30 km), nơi họ sẽ xuống tàu trước khi vào Vinh. Cảnh sát Vinh đã thông báo bắt được hai người này”.

Hồ sơ này cho thấy lý do mà thông tin về Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng bị lộ từ rất sớm từ kẻ đầu hàng, phản bội và càng khẳng định khí tiết của những người cộng sản chân chính trong bất luận tình cảnh nào, trong đó có nhà cách mạng Hồ Xuân Lưu.

Hồ Xuân Lưu và Trần Quốc Thảo

Hồ Xuân Lưu sinh năm 1914, hy sinh năm 1957, quê gốc ở Cổ Thành, Triệu Phong, Quảng Trị nhưng gia đình lên sinh cơ lập nghiệp ở huyện Cam Lộ.

Hồ Xuân Lưu đã từng có thời gian hoạt động cách mạng với đồng chí Lê Duẩn. Nói đến Hồ Xuân Lưu, đồng chí Lê Duẩn từng kể: “Hồi ấy tôi và anh Hồ Xuân Lưu đi công tác ở Vĩnh Linh, bà con ta ở Vĩnh Linh hằng ngày ăn toàn sắn, rất ít cơm, có khách đến thì có mời một bát nhỏ cơm thôi. Anh Hồ Xuân Lưu con nhà có khá hơn tôi một chút. Tôi nhường cơm cho anh Lưu ăn, còn tôi ăn sắn. Khi về nhà, anh Lưu thưa với mẹ: “Mạ ơi, con đi công tác với anh Ba, anh Ba nhường cơm cho con ăn, còn anh thì chỉ ăn sắn”. Bà mẹ anh Lưu khóc và gọi tôi lên cho 200 đồng bạc (bạc Đông Dương hồi bấy giờ). Nhờ có 200 đồng bạc đó mà chúng tôi mở được nhà sách Thuận Hóa ở Huế. Ở đó tôi đã huấn luyện được một số cán bộ cho Đảng, và cũng nhờ đó tôi có điều kiện về tài chính để đi ra Bắc vào Nam”.

Sau năm 1954, Hồ Xuân Lưu vào Sài Gòn tiếp tục hoạt động cách mạng, là Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, lấy tên là Trần Quốc Thảo. Đầu năm 1957, ông bị địch bắt và giam ở nhà lao Phú Nhuận và bị tra tấn. Vào ngày 16-10-1957 Trần Quốc Thảo (Hồ Xuân Lưu) trút hơi thở cuối cùng trong chốn lao tù.

Hiện cái tên Hồ Xuân Lưu và Trần Quốc Thảo đều được đặt tên trường, tên đường. Ở Quảng Trị có tên đường, trường mang tên Hồ Xuân Lưu, còn ở TP. Hồ Chí Minh thì lại có tên đường, tên trường mang tên Trần Quốc Thảo. Hiện tượng cùng một người có hai tên khác nhau và hai tên đều được đặt tên đường có lẽ chỉ có ở Việt Nam do những đặc thù lịch sử cách mạng.

Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.