Multimedia Đọc Báo in

Hội ngộ giữa Buôn Ma Thuột

08:12, 29/04/2021

Năm 1965 tôi đi B. Hai năm sau, Hoàng Trung ở đại đội 309 từ miền Bắc bổ sung vào, cùng ở tiểu đoàn 401 đặc công Đắk Lắk.

Cuối năm 1972, Hoàng Trung đi học lớp cán bộ tiểu đoàn tại Trường quân chính B3 (Mặt trận Tây Nguyên). Giải phóng Buôn Ma Thuột, cuối tháng 3-1975 đơn vị tôi từ Lạc Thiện (Lắk) hành quân về thị xã, tình cờ chúng tôi gặp nhau, Hoàng Trung là tiểu đoàn trưởng thuộc trung đoàn tinh nhuệ của quân đoàn và đang trong đội hình hành quân thần tốc tiến về mặt trận Sài Gòn…

Bất ngờ gặp nhau ở Buôn Ma Thuột, chúng tôi tay bắt mặt mừng. Đưa Trung về nhà ăn cơm, tôi bảo: “Nhớ hồi chiến tranh ác liệt, Nguyễn Văn Thiệu từng ra rả trên đài Sài Gòn tuyên bố: “Không cho một tên Việt Cộng nào ăn bát phở ở thành phố Việt Nam Cộng hòa”. Thế mà bây giờ…”.

Nhâm nhi bên mâm rượu, chúng tôi lại nhớ về những trận đánh, về những kỷ niệm vui buồn đời lính. Bao tên làng, tên đất, con suối, ngọn đồi… ăm ắp kỷ niệm một thời gian khổ trên chiến trường Đắk Lắk.

Trung nhớ lại: “Đêm 10-5-1970, tiểu đoàn tập kích điểm chốt đồi Cư M’gar (Quảng Nhiêu). Đồi dốc, có chỗ anh em mình công kênh, đạp lên vai nhau mà lần lên chốt. Lợi dụng thời cơ tên lính vào đổi gác, tổ Nông Văn Cao thọc sâu mau lẹ theo vào trung tâm lia thủ pháo, xạc AK, nã B41 phát lệnh trận đánh. Điểm chốt biến thành đồi lửa bởi hỏa lực của quân ta. Sau 30 phút, ta tung hoành trận địa, diệt sinh lực địch. Siêu, Thái, Niu đã hy sinh anh dũng.

Tôi bị thương gắng sức lần ra đến rừng lúc trời đã bừng nắng thì may gặp anh và mấy đồng chí nữa tìm thấy, cáng về đơn vị. Nguyễn Xuân Uẩn, Đại đội trưởng 307 bị thương, bước cà nhắc tập tễnh ra bìa rừng. Rạng sáng gặp một bác dân người Quảng Nhiêu đi lấy củi, Uẩn phân vân lo lắng, ai dè bác ấy tới cõng, đưa ra đến suối thì gặp anh em mình. Sau giải phóng, anh Uẩn có về Quảng Nhiêu hỏi thăm ân nhân nhưng không tìm ra. Anh Uẩn vẫn còn ân hận là lúc bác ấy cõng mình mà không nhớ hỏi tên, địa chỉ nên bây giờ tìm như mò kim đáy biển. Lục Doanh Pó, quê Cao Bằng, trắng trẻo đẹp trai, vui tính, hay nói cười liến thoắng. Đơn vị mệnh danh cho Pó là "xạ thủ B41 bắn liên thanh". Khi xuất kích, Pó đeo 6 quả đạn sau lưng, một quả lắp vào đầu súng. Có trận anh em còn đeo chi viện cho Pó ít quả nữa. Vào trận, gặp mục tiêu, Pó bắn liên tục mà chính xác. Về kỹ thuật, theo lý thuyết, người bắn B41 chỉ chịu đựng được tới 2 – 3 phát đạn một lúc là ê ẩm, điếc đặc. Vậy mà giáp trận, xạ thủ Pó đã nã gấp 2 - 3 lần so với lý thuyết, có bao nhiêu đạn cũng bắn tới.

Hoàng Văn Coóng dáng người dong dỏng. Trận tập kích vào sân bay L19 Buôn Ma Thuột, Coóng có nhiệm vụ dùng hỏa lực B41 bắn lô cốt “chuồng cu” của địch, mở cửa đột phá đầu cầu. Trận chiến lửa đạn đùng đùng, pháo sáng rực trời. Coóng bị thương vào bụng, một tay bịt vết thương, dồn sức tựa súng vào rào kẽm gai để bắn nốt phát đạn cuối cùng. Còn Hà Đình Tính, trung đội phó Đại đội 310, quê ở xứ nhãn lồng Hưng Yên, mặt hơi rỗ hoa vừng mà duyên. Tính hy sinh trong đêm tập kích bọn địch nống ra Đạt Lý. Đánh hết thủ pháo, súng AK hết đạn, Tính quần nhau với địch giáp lá cà, dùng lê đâm chết nhiều tên. Hôm sau lính ngụy sống sót cứ trầm trồ về người Cộng quân ấy”.

Ký ức trong tôi cũng ùa về: “Đầu mùa trồng trỉa năm 1969, đơn vị sản xuất làm rẫy ở vùng buôn Ea M’droh (H5). Lúc 10 giờ sáng hôm ấy, bọn biệt kích trung đoàn 45 lùng sục vào khu vực tiểu đoàn đóng quân. Một mũi thọc vô hướng Đại đội 308. Ta bám công sự đánh bật nhiều đợt phản kích của địch. Hai bên quần nhau quyết liệt. Máy bay L19, OV10, phản lực quần rít ào ào, phụt hỏa mù đỏ, dội bom, phóng rốc-két, pháo tầm xa nã dồn dập. Bom đạn ran trời, khói lửa mù đất, được anh em ở công sự bên tiếp đạn, Bùi Văn Dòm xả hết 8 băng AK. Trận chiến kéo dài hết ngày. Ta an toàn, đơn vị chuyển quân đi nơi khác.

Bộ đội ta tấn công, đánh chiếm trại Mai Hắc Đế, thị xã Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên, tháng 3- 1975.  Ảnh tư liệu
Bộ đội ta tấn công, đánh chiếm trại Mai Hắc Đế, thị xã Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên, tháng 3- 1975. Ảnh tư liệu

Cháu Nguyễn Xuân Mới hồi ấy khoảng 13 - 14 tuổi, ốm nhom. Gia đình cháu ở Quảng Cư (H9), đơn vị đưa về nuôi dưỡng. Sáng hôm ấy Mới ra trông chim coi rẫy cho tiểu đoàn bộ. Sau trận đó chẳng biết Mới chạy đâu. Mấy ngày sau anh em mình bám tìm cháu mà không phát hiện dấu vết gì. Ai cũng lo cháu chết ở đâu, hay địch bắt rồi. Qua hai tuần lễ, bộ phận đồng chí Uẩn và anh em C.307 đi chuẩn bị chiến trường ở thị xã về, đến nơi đơn vị đóng quân cũ, anh em phát hiện có bóng người, lên tiếng gọi thì Mới ào tới. Các chú mừng giàn giụa nước mắt. Tìm được Mới đưa về đơn vị ai cũng vui mừng. Mới kể rằng: Khi nghe đạn nổ rát, cháu tháo dép thọc vào hai bàn tay, cứ thế chui qua cà xơ, mắc cỡ, bươn đến con suối mà đơn vị hằng ngày lấy nước ăn. Cháu có bám về đơn vị tìm các chú ngay hôm sau, không ngờ địch còn ở đó, bắn theo. Cháu mau lẹ nằm xuống bò đi rông tuốt. Ban ngày cháu lẩn vào bụi, tối tìm đến gốc cây to ven suối ngủ, tránh đạn và thú dữ. Nhớ lời cha mẹ cháu nói con khỉ, con vượn ăn trái gì thì người ta cũng ăn được nên cháu bắt chước nó, hái lượm trái cây ăn. Có lần cháu tìm về rẫy của đơn vị bới khoai lang ăn sống…

Một lần, tôi cùng anh em đơn vị đi gùi bắp ở buôn Mùi về tới dốc buôn Ea M’droh lúc gần trưa. Lê Văn Mạnh trinh sát đi trước phát hiện địch gài mìn clây-mo. Tôi nghĩ bọn này phục đã lâu nên căng thẳng, mỏi mệt, lơ là không quan sát thấy lính ta. Chúng tôi khẩn trương sắp xếp đội hình, tổ chức lực lượng đánh địch, mở đường mà đi. Mạnh mau lẹ luồn đến, bí mật cắt dây điện, tháo kíp nổ, mang mìn về. Nguyễn Hữu Viêng quân khí tiểu đoàn, xung phong dẫn một tổ, phối hợp với đồng đội đột kích phía sau nã đạn xối xả tấn công kẻ thù. Bị ta nện bất ngờ, chúng tá hỏa bươn mất. Anh em vô sự. Lính mình hồi ấy “ngon” quá, hăng lắm, chẳng ngán hiểm nguy”.

Trung bùi ngùi: “Biết bao đồng đội một thời, ai còn giờ ra sao? Người mất chưa quy tập hài cốt, phần mộ… Có người ngã xuống trong trận sân bay L19, khu kho Mai Hắc Đế, Trung đoàn bộ 45, khu Cơ giới pháo binh, trung tâm thị xã… không đưa anh em ra được!”

Chúng tôi đồng cảm buồn thương, nhớ những người đã mất, nhớ về đồng đội. Vui mừng hàn huyên tâm sự là điều hạnh phúc của người lính còn lại sau chiến tranh, nay được sống trong cảnh đất nước thanh bình.

Thời gian quá ngắn không đủ để thỏa lòng tâm sự. Hoàng Trung đành tạm biệt lên đường đi công tác theo kế hoạch đã định. Tôi xiết tay bạn mà nửa mừng nửa tủi, nhìn mãi về phía người đồng đội năm nào. Buôn Ma Thuột bầu trời tháng ba xanh trong vời vợi…

Hồi ký của Đoàn Viết Doãn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.