Giải phóng Côn Đảo - những giờ phút không quên
Tháng 3-1975, khi Chiến dịch Tây Nguyên mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 thì Mỹ - ngụy tăng cường phòng thủ Côn Đảo.
Chúng sửa lại con đường từ thị trấn qua Hàng Dương lên Sở Tiêu, với hệ thống đường này, địch có thể khống chế các trại từ phía chân núi. Trong trường hợp tù nhân nổi dậy, chúng có thể cơ động lực lượng và bố trí hỏa lực đàn áp, đẩy lực lượng nổi dậy ra phía biển và nhanh chóng tiêu diệt.
Tháng 4-1975, Nhà tù Côn Đảo có 7.448 tù nhân; trong đó có 4.234 tù chính trị (494 phụ nữ), 3.214 là tù thường phạm, quân phạm. Trong số 4.234 tù chính trị thì có 2.488 người đang chịu chế độ cấm cố ở Trại I, Trại V, Trại VI và Trại VII. Những người này đã chống chào cờ, chống học tố Cộng, chống nội quy nhà tù từ nhiều năm trước, 1.746 người còn lại chịu làm khổ sai chung với tù thường phạm, ở Trại II và Trại III. Trong khi đó, bộ máy kìm kẹp của địch gồm một tiểu đoàn bảo an (khoảng 500 tên), một đại đội cảnh sát (gần 100 tên), 89 giám thị, 130 công chức và gần 1.000 trật tự an ninh được tuyển chọn trong số tù thường phạm, quân phạm lưu manh nhất, tất cả khoảng 2.000 tên. Đó là chưa kể đến hệ thống giam kiên cố, hệ thống khu kỷ luật với 20 hầm đá (Trại II), 14 xà lim (Trại III) và một số xà lim, hầm tối ở Trại I, Trại V và Trại VI.
Tái hiện cảnh kẻ thù tra tấn các tù nhân tại Nhà tù Côn Đảo. |
Ngày 29-4-1975, trong khi Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn thì ở Côn Đảo, các trại tù cấm cố bị canh gác chặt chẽ. Bầu trời Côn Đảo náo loạn bởi các chuyến bay quân sự lên xuống sân bay Cỏ Ống chở quân tướng Mỹ - ngụy di tản. 16 giờ 30 phút cùng ngày, bọn cố vấn Mỹ đóng ở Côn Đảo rút chạy.
Sáng 30-4-1975, Đại úy Phạm Huỳnh Trung, Chỉ huy phó Đặc khu Côn Sơn triệu tập một cuộc họp liên tịch giữa các sĩ quan và công chức có quyền thế trên đảo cùng đám gác ngục ác ôn nhất như: Lê Văn Khương, Đỗ Văn Phục... Chúng quyết định khóa chặt tất cả các phòng giam, bố phòng nghiêm ngặt trong, ngoài lao, tổ chức di tản ra tàu bằng mọi phương tiện trên đảo và âm mưu thủ tiêu toàn bộ tù chính trị bằng lựu đạn vào giờ chót. Nhưng kế hoạch chưa kịp thực hiện thì tin Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng.
Bằng nhiều nguồn tin, anh em tù nhân đều phán đoán trong đất liền có biến động lớn, nhưng chưa biết là Sài Gòn đã được giải phóng. Ban lãnh đạo các khu của Trại VII quyết định tổ chức kỷ niệm trọng thể Ngày Quốc tế Lao động (1-5) để phát huy uy thế của tù chính trị, đồng thời thăm dò phản ứng của địch. Các trại khác cũng đều chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm.
Những chiếc lược nhôm được các tù chính trị làm khi bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo (1973 - 1975). |
Khi các trại đang khẩn trương chuẩn bị khẩu hiệu, bài trí nơi làm lễ thì Đại úy Kiều Văn Dậu, Trưởng Ty Thanh niên Nguyễn Văn Đồng và anh Nguyễn Văn Sơn, nhân viên hợp tác xã tiêu thụ Côn Đảo vào Trại VII báo tin Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn giải phóng, bọn ác ôn trên đảo tháo chạy toán loạn. Nhóm binh sĩ, công chức yêu cầu anh em tù chính trị ra giải phóng Côn Đảo, duy trì trật tự an ninh và đảm bảo tính mạng tài sản cho những người còn lại trên đảo. Anh em yêu cầu nhóm công chức báo tin cho mượn radio để nghe tin tức, và cử người ra ngoài trại để nắm tình hình. Khi radio được mang tới, mọi người hồi hộp lắng nghe thông tin của Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin Dương Văn Minh đầu hàng, thành phố Sài Gòn hoàn toàn được giải phóng, Ủy ban Quân quản đã được thành lập và công bố 12 chính sách trong vùng mới giải phóng.
Ngay sau phút sững sờ vì sung sướng, những người có trách nhiệm ở Khu H quyết định hành động, chớp thời cơ giải phóng Côn Đảo. Lực lượng tù nhân giải phóng thu ngay khẩu súng các bin và chùm chìa khóa Trại VII, người mở cửa, người phát loa thông báo cho các khu. Tiếng reo hò từ Khu H lan ra các khu Trại VII. Được tin Sài Gòn đã giải phóng, nhiều phòng chưa kịp mở khóa, anh em đã bẻ song, phá cửa, đạp tường ra. Lúc ấy là 1 giờ sáng ngày 1-5-1975. Đến 3 giờ sáng, cả 8 khu (A-B-C-D-E-F-G-H) của Trại VII hoàn toàn được giải phóng.
Lúc bấy giờ, các đồng chí có trách nhiệm ở Trại VII triệu tập ngay một cuộc họp và quyết định thành lập Đảo ủy lâm thời (gồm 7 người) để lãnh đạo cuộc nổi dậy. Đảo ủy lâm thời đề ra chương trình hành động, gồm ba điểm chính: Cử người đi giải phóng các nhà lao, trước hết là lao phụ nữ; tổ chức ngay lực lượng võ trang, chiếm trại lính và các vị trí quan trọng; thành lập chính quyền cách mạng để quản lý và giải quyết mọi việc trên đảo. Theo đó, Đảo ủy lâm thời tổ chức lực lượng chia thành nhiều tốp, từ Trại VII đến giải phóng các trại.
Côn Đảo ngày nay trở thành một trường học lớn đối với các thế hệ. |
Đến 8 giờ sáng ngày 1-5-1975, lực lượng tù nhân đã hoàn toàn làm chủ thị trấn Côn Đảo. 10 giờ, đài truyền thanh phát tin Côn Đảo hoàn toàn giải phóng và công bố danh sách các thành viên trong chính quyền cách mạng. Chiều ngày 2-5-1975, Đài Vô tuyến điện Côn Đảo phát sóng, chuyển bức điện của chính quyền cách mạng ở Côn Đảo về đất liền. Khi Thành ủy Sài Gòn hỏi Côn Đảo cần gì để đất liền chi viện ngay thì đồng chí đại diện cho Đảo ủy lâm thời trả lời: “Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ”.
Rạng ngày 4-5-1975, khi tàu V. 609 và tàu V. 683 Hải quân chở bộ đội ra đến nơi thì tù chính trị Côn Đảo đã hoàn toàn làm chủ và ổn định tình hình trên đảo. 500 tấm ảnh Bác Hồ được tù nhân giải phóng rước về các phòng, các trại. Giờ phút trang nghiêm ấy, không gian Côn Đảo dường như lắng lại, tan vào những giọt nước mắt nóng hổi trên gò má hóp của những người tù. Ủy ban Quân quản Côn Đảo được thành lập. Cuộc đấu tranh của những người tù chính trị Côn Đảo đã giành được thắng lợi trọn vẹn sau gần 20 năm thử thách nghiệt ngã, từng trải qua biết bao gian khổ hy sinh và những bước thăng trầm.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc