Multimedia Đọc Báo in

Tư liệu phục vụ Cuộc thi tìm hiểu "110 năm lịch sử hình thành và phát triển Buôn Ma Thuột anh hùng" (22-11-1904 - 22-11-2014)

16:06, 21/05/2014

LTS: Hướng tới kỷ niệm 110 năm hình thành và phát triển Buôn Ma Thuột (22-11-1904 -– 22-11-2014); kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Dak Lak (10-3-1975 - 10-3-2015) mở màn cho Cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 -– 30-4-2015), Ban Thường vụ Thành ủy Buôn Ma Thuột chủ trương tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “110 năm lịch sử hình thành và phát triển Buôn Ma Thuột anh hùng”. Đối tượng dự thi là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh thiếu niên và nhân dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố cũng như các địa phương trong và ngoài tỉnh. Cuộc thi nhằm góp phần làm cho mỗi người dân hiểu hơn về lịch sử, đất nước, con người trung dũng kiên cường trong kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng, đổi mới quê hương Buôn Ma Thuột. Trên cơ sở đó nêu cao lòng tự hào dân tộc, truyền thống anh hùng cách mạng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, tiếp tục đoàn kết một lòng phấn đấu xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột sớm trở thành trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên.

Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo để tham gia cuộc thi, Báo Dak Lak trân trọng giới thiệu một số tư liệu về quá trình hình thành và phát triển Buôn Ma Thuột (do Ban Tuyên giáo Thành ủy cung cấp) qua các số báo ra hằng ngày, bắt đầu từ 22-4-2014.

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH BUÔN MA THUỘT TỪ NĂM 1904 ĐẾN NAY

Vùng đất Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng có từ lâu đời, nhất là từ sau cuộc chiến tranh mở đất về phía nam của Lê Thánh Tông (năm 1471) đã nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước quân chủ Việt Nam, và cũng từ cuối thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX, về danh nghĩa là của Vua hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá nhưng thực tế phần nào chịu ảnh hưởng của những chính sách cai trị của Vua chúa Việt Nam, nhất là từ thời Viên trấn thủ Quảng Nam, Bùi Tá Hán (cuối thế kỷ XVI) trở đi đến thời dưới triều Nguyễn thế kỷ XIX (1802 – 1884).

Địa danh Buôn Ma Thuột là tên gọi một “Buôn” của đồng bào Êđê Kpă, vùng đất này vào cuối thế kỷ XIX chỉ có một buôn với khoảng 50 nhà dài, mỗi nhà có từ 30 đến 40 người do người tù trưởng Ama Thuột cai quản nằm bên dòng suối Êa Tam. Đến những năm đầu của thế kỷ XX, Buôn Ma Thuột không còn là một buôn lớn, trung tâm của cả vùng lúc bấy giờ và do tù trưởng Ama Thuột, một người có thế lực và uy tín cai quản. Tên gọi Buôn Ma Thuột cũng bắt nguồn từ đó. Buôn Ma Thuột tức là làng của Ama Y Thuột – làng của cha Y Thuột (tiếng Êđê: Ama có nghĩa là cha, Y Thuột là chỉ người con trai tên Thuột – Buôn Ma Thuột là tên gọi tắt: làng của cha Y Thuột).

Năm 1890, Bourgeois – một tên thực dân nổi tiếng nham hiểm, sau khi thu phục được Khunjunop, một tù trưởng được mệnh danh là Vua săn voi nổi tiếng ở Bản Đôn đã tìm mọi cách để mua chuộc tù trưởng Ama Thuột nhằm đặt tiền đề cho việc di dời thủ phủ từ Bản Đôn về địa danh Buôn Ma Thuột ngày nay.

Ngày 3-10-1893, Hiệp ước Pháp – Xiêm được ký kết, thừa nhận quyền của nước Pháp trên phần đất nằm ở tả ngạn sông Mê Kông, trong đó có Cao Nguyên (gọi là Hin Truland). Ngày 1-6-1895 thống sứ Lào là Boulloche chia lãnh thổ Lào thành hai vùng riêng biệt, một gọi là Thượng Lào đóng trụ sở tại Luong Prabang và vùng còn lại gọi là Hạ Lào đóng trụ sở tại Kong của Stung Streng, Cao Nguyên Hin Truland được sát nhập vào 3 tỉnh Stung Streng trong đó địa bàn Dak Lak, tỉnh Alopen và tỉnh Saravane.

Ngày 16-10-1898, Khâm sứ Trung kỳ Bovelloche buộc triều đình Huế sắp đặt vùng Tây Nguyên dưới sự đặc trách của người Pháp.

Ngày 31-1-1899, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập một cơ sở hành chính tại Bản Đôn, trên bờ sông Sêrêpôk trực thuộc tỉnh Stung Streng với mục đích thể hiện quyền cai trị của nước Pháp trên thung lũng này để kiểm soát người dân tộc Jarai cũng như tạo sự dễ dàng cho việc buôn bán giữa Lào và Trung kỳ.

Ngày 2-11-1899, viên quản nhiệm Bovrglocs lập ra hạt đại lý khu vực Bản Đôn với mục đích làm thí điểm trong cuộc bình định Cao nguyên trung phần tìm cách thu phục đồng bào Êđê, M’nông (nhóm Kpă và Bih) vùng hạ lưu sông Krông Ana và sông Krông Nô, nhưng tất cả ý đồ đó đều thất bại.

Với lợi thế là trung tâm của Dak Lak cũng như toàn vùng Tây Nguyên, một vị trí có tầm chiến lược về quân sự và kinh tế của cả vùng, lại nằm gọn trên một cao nguyên đất đỏ màu mỡ và bằng phẳng, ngày 22-11-1904 Hội đồng tối cao toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định tách Dak Lak khỏi địa bàn nước Lào và đặt thành một tỉnh thuộc quyền giám sát và quản trị Khâm sứ Trung kỳ (sứ An Nam). Như vậy, với Nghị định ngày 22-11-1904, Dak Lak chính thức trở thành một trong 20 tỉnh, thành phố thuộc Trung Kỳ.

Sau đó, thực dân Pháp đẩy mạnh việc xây dựng Buôn Ma Thuột để thực hiện chính sách thống trị lâu dài. Trong nội thị đã xây cất các công sở của Pháp, bệnh viện, nhà tù, trường học, cửa hàng, khách sạn, chợ, nhà máy, rạp hát, sân vận động, bể bơi, nhà kho, nhà để xe, Khu dân cư của người Việt và người Âu xen kẽ với một số buôn làng của người Êđê. Ngày 5 tháng 6 năm 1930, Khâm sứ Trung Kỳ ra nghị định thành lập thị xã Buôn Ma Thuột tọa lạc trên các làng Buôn Ma Thuột và Buôn Sô. Vì chính sách hạn chế của thực dân Pháp, chỉ có ít người Kinh sinh sống tại Buôn Ma Thuột, trong làng Lạc Giao (1).

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên chuyển sang một bước ngoặt mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân Buôn Ma Thuột cùng với quân dân các dân tộc trong tỉnh đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền và tiến hành 2 cuộc kháng chiến trường kỳ: 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ để giành độc lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Tháng 2-1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Nghị định giải thể khu và hợp nhất các tỉnh ở miền Nam, trong đó có tỉnh Dak Lak gồm cả tỉnh Dak Lak và Quảng Đức cũ.

Ngày 21-1-1995, thị xã Buôn Ma Thuột được Chính phủ ban hành Nghị định số 08-NĐ-CP “về việc thành lập thành phố Buôn Ma Thuột và điều chỉnh địa giới hành chính giữa Thành phố với các huyện Cư Jút, Ea Súp, Krông Pak thuộc tỉnh Dak Lak”, từ đây, Buôn Ma Thuột trở thành thành phố loại III trực thuộc tỉnh.

Ngày 26-11-2003, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XI) đã ra Quyết định số 22/2003/QH 11, chia tách Dak Lak thành hai tỉnh: Dak Lak và Dak Nông, theo đó các xã Hòa Phú, Hòa Xuân và Hòa Khánh thuộc huyện Cư Jút được sát nhập vào thành phố Buôn Ma Thuột.

Đến năm 2005, thành phố Buôn Ma Thuột tự hào được Chính phủ nâng cấp thành đô thị loại II (Quyết định số 38/2005/QĐ-TTg ngày 28-2-2005) và được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho cán bộ và nhân dân thành phố nhân dịp kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột (1975-2005).

Buôn Ma Thuột là địa bàn chiến lược quan trọng của cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng, ngày 27-11-2009 Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 60-KL/TW về việc “Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010 – 2020)”. Ghi nhận sự phát triển của Thành phố, năm 2010, nhân kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Dak Lak, thành phố Buôn Ma Thuột vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại I (2) trực thuộc tỉnh và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Để đáp ứng yêu cầu đầu tư và phát triển Thành phố theo Kết luận số 60-KL/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ-TU và Nghị quyết số 37/NQ-HĐND về việc “xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2012-2020)”; Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, UBND tỉnh Dak Lak đã ban hành Quyết định số 42/QĐ-UBND, ngày 5-1-2013 về việc “Phê duyệt Dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2020”, trong đó mục tiêu đề ra:“… phấn đấu đến năm 2020 là một thành phố văn minh, hiện đại, mang sắc thái riêng của vùng Tây Nguyên; đồng thời cũng là một trong những trung tâm công nghiệp, khoa học – kỹ thuật, giáo dục – đào tạo, y tế, thể dục – thể thao của vùng;Là đầu mối giao thông liên vùng, tạo điều kiện phát triển, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Tây Nguyên với các vùng trong cả nước và khu vực.

Phát triển Thành phố theo hướng duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát triển nông – lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và với thị trường trong – ngoài nước;Phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và đô thị, gắn phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái. Đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện…”.

Hiện nay, dân số thành phố Buôn Ma Thuột có gần 340.000 người, gồm 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 55.590 người (chiếm 16,36% dân số toàn Thành phố); hiện có 13 phường, 8 xã (với 72 thôn, 33 buôn và 142 tổ dân phố). Trên địa bàn Thành phố hiện có 4 tôn giáo chính: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao đài, với gần 119.000 tín đồ. Đảng bộ thành phố hiện có 45 TCCSĐ trực thuộc (3), gồm 31 đảng bộ cơ sở, 14 chi bộ cơ sở với 8.810 đảng viên, trong đó đảng viên nữ 3.443 đ/c (chiếm 39,08%), đảng viên là người dân tộc thiểu số 541 đ/c (chiếm 6,14%); đảng viên trong các tôn giáo 52 đ/c (chiếm 0,59%).

II. BUÔN MA THUỘT PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VẺ VANG TRONG HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN CỨU NƯỚC

Vào những năm cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã đẩy mạnh các hoạt động do thám, nắm tình hình dưới nhiều danh nghĩa khác nhau, nhằm phục vụ cho âm mưu xâm lược Tây Nguyên, Dak Lak. Nhưng cũng phải mất gần 30 năm, đến năm 1904 chúng tôi mới áp đặt chế độ cai trị ở vùng đất này.

Nhưng ngay cả khi áp đặt được bộ máy cai trị, thực dân Pháp vẫn liên tục bị đồng bào các dân tộc nơi đây vùng lên đánh đuổi. Trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nơi đây đã liên tục nổ ra các cuộc khởi nghĩa và đấu tranh vũ trang: như cuộc khởi nghĩa của Ama Jhao (1890 – 1904), cuộc đấu tranh của N’Trang Gưh (1900 – 1914), cuộc khởi nghĩa của Oi H’Mai (1903 – 1909), phong trào Sam Brăm (1930 – 1936). Tiêu biểu hơn cả là cuộc nổi dậy của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo, cuộc khởi nghĩa này kéo dài gần 23 năm (1912-1935) lôi cuốn đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên và cả ở Campuchia hưởng ứng, gây cho quân Pháp bao phen khiếp sợ. Ngoài các cuộc đấu tranh và khởi nghĩa vũ trang do các vị tù trưởng lãnh đạo, phong trào đấu tranh chính trị hợp pháp của tầng lớp công chức, viên chức, trí thức, cũng diễn ra sôi nổi. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh do hai giáo chức yêu nước người Êđê là Y Jút và Y Út lãnh đạo (1925 – 1926)… Các cuộc đấu tranh trong thời kỳ này gây cho quân Pháp nhiều tổn thất, tuy nhiên do đường lối đấu tranh chưa phù hợp, quy mô và sự liên kết còn nhỏ hẹp, phân tán, một số người lãnh đạo còn thiếu cảnh giác, để địch lợi dụng, mua chuộc phá hoại nội bộ… nên đều bị thất bại và bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Nhưng các phong trào đấu tranh đó đã để lại những trang sử chói ngời, oanh liệt trong lịch sử phát triển của nhân dân các dân tộc Dak Lak nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng phong trào cách mạng nước ta bước sang một thời kỳ mới: Thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc do một chính Đảng mácxít lãnh đạo; hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng phong trào chống Pháp nổ ra khắp cả nước mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ ở Châu Âu và sau đó lan sang Châu Á. Năm 1940, sau khi đánh chiếm các miền duyên hải rộng lớn của đại lục Trung Hoa, phát xít Nhật tràn vào Đông Dương và Việt Nam. Từ đây, Nhật – Pháp đã cấu kết thống trị và bóc lột nhân dân ta, gây nên sự bất bình và căm phẫn trong quần chúng nhân dân.

Lúc này, tại nhà đày Buôn Ma Thuột (4), những chiến sĩ cộng sản bị thực dân Pháp giam cầm qua những thông tin được bí mật chuyển từ bên ngoài vào, những người cộng sản đã biết được tình hình chính trị đã có những thay đổi lớn. Mặt trận Việt Minh đang phát triển rộng trên phạm vi cả nước. Cuối năm 1940, Ban lãnh đạo tù nhân quyết định thành lập trong hàng ngũ cộng sản một nhóm bí mật gọi là “lực lượng trung kiên” (5) lực lượng này có vai trò như chi bộ đảng đầu tiên tại nhà đày Buôn Ma Thuột.

Ngay sau khi thành lập, “Lực lượng trung kiên” đã “biến nhà tù thành trường học cách mạng” nhằm xúc tiến việc tập hợp, thống nhất và nâng cao nhận thức chính trị của tù nhân. Chính từ nơi đây họ tiếp tục giáo dục cảm hóa, giác ngộ lý tưởng cộng sản cao cả cho đội ngũ nhân viên, công chức, tri thức, binh lính là người Việt làm việc cho Pháp tham gia cách mạng; gây dựng cơ sở cách mạng từ làng Lạc Giao với những hạt giống cách mạng tiêu biểu như: Y Bih Alêô, Y Wang, Y BLốc Êban, Nguyễn Khắc Tính, Võ Ngũ, Võ Bá Hòe, Lê Văn Tín… Từ đây, phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc ở Buôn Ma Thuột liên tục nổ ra với các cuộc đấu tranh của công nhân các đồn điền Mailot, Rossi, CHPI, CADA, nông dân ở buôn Alê… đã giáng những đòn chí mạng vào bọn chủ đồn điền và thực dân Pháp; qua phong trào đấu tranh công nhân, nông dân được tiếp thu những kinh nghiệm quý báu từ thực tế đấu tranh, đó chính là sự chuẩn bị quan trọng cho giai đoạn cách mạng sau này.

Tháng 5-1945, chi bộ Đảng được thành lập tại Buôn Ma Thuột (6) đây là bước phát triển mới của phong trào cách mạng để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đến tháng 6-1945, theo đà phát triển chung của cách mạng cả nước, đặc biệt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ đảng các tổ chức quần chúng cứu quốc đã phát triển đều khắp ở Buôn Ma Thuột như: Hội Công nhân cứu quốc, Nông dân Cứu quốc, Thanh niên cứu quốc… đã được hình thành với hàng trăm hội viên cốt cán. Cùng thời gian này, một số trí thức, sinh viên tiến bộ yêu nước ở ngoài tỉnh cũng bắt liên lạc và trở lại quê hương và tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng như: Y Ngông Niê Kdăm, Y Nuê (Ái Phương), Y Tlam… họ đã trực tiếp vận động đồng bào các dân tộc tại các buôn Alê, Kô Tam, Păn Lăm, buôn Ki… sôi nổi tham gia Mặt trận Việt Minh.

Ngày 13-8-1945, theo Chỉ thị của Quốc dân đại hội và Tổng bộ Việt Minh, Ủy ban kháng chiến ban bố lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc, tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Tại Buôn Ma Thuột, ngày 14-8-1945 tuy chưa nhận được chủ trương Tổng khởi nghĩa, nhưng Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh đã triệu tập Hội nghị quyết định những vấn đề lớn liên quan đến cuộc khởi nghĩa sắp tới. Ngày 24-8-1945, tổng khởi nghĩa diễn ra ở Dak Lak, sau đó Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh đã ra mắt và tuyên bố xóa bỏ chế độ thống trị của Nhật – Pháp; hệ thống chính quyền cách mạng được thành lập.

Niềm vui đất nước độc lập chưa được bao lâu, ngày 30-12-1945, quân đội Pháp quay lại xâm lược lần thứ hai. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ “… chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…” quân dân Buôn Ma Thuột cùng quân dân trong tỉnh đã đứng dậy đấu tranh cùng với quân dân cả nước bước vào cuộc chiến đấu mới. Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ và ác liệt cuối cùng thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ và rút quân về nước.

Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Hiệp định nêu rõ: Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Lúc này, đế quốc Mỹ đã thấy rõ sự sụp đổ không thể tránh khỏi của thực dân Pháp ở Đông Dương, nên ráo riết lôi kéo các lực lượng phản động quốc tế hòng kéo dài chiến tranh, ngăn cản tiến trình hòa bình, thống nhất của nước ta, biến Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ.

Như vậy, sau năm 1954, phong trào đấu tranh chống Mỹ – Diệm phá hoại Hiệp định, đòi tổng tuyển cử thống nhất đất nước thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ lại diễn ra mạnh mẽ; cũng như trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với ý chí anh dũng, quật cường; được sự chi viện của cả nước và sự lãnh đạo tài tình của Đảng, nhân dân các dân tộc Buôn Ma Thuột lại tiếp tục làm nên những chiến công mới, tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Trong cuộc tổng tiến công này, quân dân các dân tộc Buôn Ma Thuột đã giáng những đòn chí mạng vào hệ thống chính quyền Mỹ – Ngụy; tiêu hao nhiều sinh lực địch (7) và đã làm chủ thị xã trong vòng 7 ngày. Với chiến thắng to lớn trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân, quân dân các dân tộc Buôn Ma Thuột đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Thành đồng Tổ quốc.

Sau chiến công Tết Mậu Thân năm 1968, quân dân Buôn Ma Thuột đấu tranh chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; chống quân ngụy lấn chiếm vùng giải phóng; ra sức xây dựng căn cứ cách mạng, phát triển lực lượng vũ trang, tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị đòi địch phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pa-ri (1973-1975)(8). Đặc biệt, đến đầu năm 1975, quân dân các dân tộc Buôn Ma Thuột đã vinh dự nhận một nhiệm vụ lịch sử to lớn, vẻ vang, đó là: Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm trận đánh mở đầu – trận đánh chiến lược mở màn cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, dẫn đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuối năm 1974, ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn tuy còn ngoan cố đẩy mạnh bình định lấn chiếm chống phá cách mạng, nhưng thế và lực của địch ngày càng suy yếu, các lực lượng cách mạng ở miền Nam tiếp tục giành nhiều thắng lợi. Tháng 10-1974, Bộ Chính trị họp nhận định tình hình và thời cơ chiến lược mới. Hội nghị khẳng định: “Mỹ đã rút khỏi miền Nam thì khó có khả năng đưa quân trở lại và dù chúng có can thiệp đi nữa cũng không thể cứu vãn nguy cơ của sự sụp đổ ngụy quyền Sài Gòn”. Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 đến 1976 và chọn Tây Nguyên làm hướng tấn công chủ yếu trong năm 1975.

Từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975, Bộ Chính trị họp (mở rộng) đánh giá tình hình địch, ta ở miền Nam; đúng lúc này chiến thắng Phước Long (ngày 6-1-1975) đã mở ra, Bộ Chính trị quyết định: “Tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ Trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà”. Bộ Chính trị còn dự kiến: “Nếu thời cơ đến vào đầu năm hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Cũng thời gian này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Tây Nguyên năm 1975.

Việc chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu quyết chiến trong xuân 1975 có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Buôn Ma Thuột nằm trên trục đường 14, 21 thuận lợi cho việc phát triển chiến đấu ra các tỉnh Tây Nguyên, xuống duyên hải miền Trung và vào Nam Bộ. Buôn Ma thuột có vị trí chiến lược quan trọng ở Nam Tây Nguyên nhưng lại tương đối cô lập xa các trung tâm quân sự lớn, hạn chế sự chi viện lớn của địch. Buôn Ma Thuột và vùng phụ cận có địa thế rất thuận lợi cho tác chiến hợp đồng binh chủng, nhưng ta chưa dùng chủ lực lớn đánh vào thị xã nên địch bố trí binh lực ở đây có sơ hở hơn so với Pleiku và Kon Tum. Do đó, một trận đánh lớn ở Buôn Ma Thuột sẽ tạo sự rung động mạnh về chiến lược, làm đảo lộn thế phòng thủ của địch ở Tây Nguyên, uy hiếp đồng bằng ven  biển miền Trung, mở ra hướng tiến công quan trọng vào Sài Gòn.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đầu năm 1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên được thành lập do đồng chí Hoàng Minh Thảo làm tư lệnh và đồng chí Đặng Vũ Hiệp làm chính ủy.

Để tạo bí mật bất ngờ cho trận quyết chiến chiến lược ở Buôn Ma Thuột, từ đầu năm 1975, lực lượng bộ đội chủ lực của ta ở Tây Nguyên đã tiến hành một kế hoạch nghi binh rất tài tình, thu hút sự chú ý đối phó của địch ở bắc Tây Nguyên. Cuối tháng 2-1975, Sư đoàn 968 đánh tiêu diệt chốt Mỹ, bức rút Đồn Tám và một số cứ điểm ở Tây Pleiku, uy hiếp các quận lỵ Thanh An, căn cứ Thanh Bình. Ở phía đông An Khê. Ngày 4-3-1975, Sư đoàn 3 của Quân khu V cắt đường 19 và đánh tiêu diệt một số vị trí của địch từ An Khê đến Bình Khê. Cho đến đầu tháng 3 năm 1975 địch vẫn chưa phát hiện ta sẽ tấn công Buôn Ma Thuột; chúng còn đưa Trung đoàn 45 ở Dak Lak đến Pleiku đối phó với hoạt động của chủ lực ta ở Bắc Tây Nguyên. Như vậy, sau các cuộc tiến công chiến lược của ta ở Tây Nguyên, lực lượng của địch đã bị phân tán, chia cắt, cô lập.

Diễn biến chính của chiến dịch

Sáng ngày 5-3-1975, Trung đoàn 25 của ta cắt đường 21. Ngày 8-3-1975, Trung đoàn 48 đánh chiếm quận lỵ. Thuần Mẫn và căn cứ Cẩm Ga cắt đứt đường 14 diệt tiểu đoàn bảo an, bắt 120 tên địch, thu 200 súng. Ngày 9-3, Sư đoàn 10 đánh quận lỵ Đức Lập, căn cứ Núi Lửa, cứ điểm 22. nhưng chiến sự kéo dài đến ngày 10-3 mới chiếm được quận lỵ và các cứ điểm Dak Song, Dak Sắc, diệt 1 tiểu đoàn của trung đoàn 53, 1 tiểu đoàn bảo an, bắt 100 tên địch, thu 14 pháo, 20 xe tăng thiết giáp.

Đúng 2 giờ 3 phút sáng ngày 10-3-1975, từ các hướng, quân ta nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Mở đầu đặc công đánh sân bay thị xã, đánh khu kho Mai Hắc Đế, lực lượng bộ binh đánh sân bay Hòa Bình; cùng thời gian này hỏa tiễn H12, ĐKB và các cụm pháo tập trung bắn vào Sư bộ 23 của địch. Sáng ngày 10-3, ở hướng bắc, bộ binh ta có xe tăng phối hợp đánh vào Ngã Sáu và đánh chiếm Tiểu khu Buôn Ma Thuột. Hướng Tây Bắc, lực lượng ta tiêu diệt Sở chỉ huy khu kho Mai Hắc Đế, đánh chiếm các cứ điểm Cư Êbur, Cư Dluê… phá hệ thống cứ điểm án ngữ vòng ngoài thị xã. Ở hướng Tây quân ta đánh chiếm doanh trại tiểu đoàn quân y và áp sát căn cứ Sư bộ 23. Ở hướng Nam, ta đánh vào khu hành chính, khu tiếp vận, Sở Thú y, Ty Ngân khố, khu cư xá Sỹ quan và đánh chiếm quận lỵ Hòa Bình.

Ngày 11-3-1975, bộ binh, xe tăng và trọng pháo của ta tập trung đánh vào Sư bộ 23, địch chống trả quyết liệt, nhưng đến 10 giờ quân ta đã làm chủ các mục tiêu, chiếm lĩnh Sư bộ 23, bắt sống tên tỉnh trưởng Dak Lak và đại tá sư đoàn phó sư đoàn 23 ngụy, lực lượng ta đã làm chủ hoàn toàn Thị xã.

Ngày 18-3-1975, Ủy ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột do Đại tá Y Blốc Êban, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Dak Lak làm Chủ tịch ra mắt trước 300 đại biểu nhân dân tại đình Lạc Giao.

Sau khi tiêu diệt lực lượng địch, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, Ủy ban quân quản đã lãnh đạo các huyện sử dụng lực lượng địa phương phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kềm, truy quét tàn quân địch. Ngày 28-3, toàn tỉnh Dak Lak đã hoàn toàn giải phóng, chính quyền thuộc về tay nhân dân.

Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch trên một chiến trường rộng lớn, mở đầu cho sự sụp đổ dây chuyền và thất bại thảm hại của toàn bộ hệ thống chính quyền tay sai toàn miền Nam và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã đi vào lịch sử, là một trong những chiến thắng oanh liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta, mở màn thắng lợi cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột trước hết là nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương đã có quyết tâm cao, chọn đúng thời cơ lịch sử, chọn đúng điểm quyết chiến chiến lược và tập trung cao độ binh hỏa lực để giành thắng lợi. Chiến thắng Buôn Ma Thuột là chiến công chung của quân và dân trong cả nước mà trực tiếp là lực lượng chủ lực của mặt trận Tây Nguyên đã nghi binh giỏi, tạo thế bí mật bất ngờ cho trận đánh, có cách đánh linh hoạt, tài tình chia cắt địch từ xa, hợp đồng binh chủng chặt chẽ, tấn công địch liên tục bằng nhiều trận then chốt.

Đồng thời, Chiến thắng Buôn Ma Thuột là đỉnh cao của truyền thống cách mạng vẻ vang, lâu dài của nhân dân các dân tộc Buôn Ma Thuột trong quá trình theo Đảng, theo Bác Hồ được phát huy và kế thừa qua nhiều thế hệ. Chính từ những truyền thống đó, khi tổng kết hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ xâm lược; Buôn Ma Thuột anh hùng đã có hàng ngàn người con thoát ly ra chiến khu hoặc tham gia quân giải phóng; có gần 1.000 liệt sĩ, trên 1.000 thương binh, 2.200 gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, 24 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 3 anh hùng lực lượng vũ trang, và hàng ngàn cán bộ chiến sĩ của mọi miền đất nước đã tham gia chiến đấu tại đây, trong đó có hàng trăm người đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất thân yêu này. Hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc đã được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại; 2 đơn vị Công an và lực lượng vũ trang của Buôn Ma Thuột được phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang. Buôn Ma Thuột còn được vinh dự nhận Huân chương Thành đồng Tổ quốc, 10 Huân chương Giải phóng hạng I, hạng II và hạng III.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột giải phóng tỉnh Dak Lak (10-3-1975) đã mở ra một thời kỳ mới trong quá trình xây dựng và phát triển của nhân dân các dân tộc Buôn Ma Thuột, thời kỳ cùng cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.

III.NHỮNG THÀNH TỰU QUAN TRỌNG TRONG CÔNG CUỘC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN BUÔN MA THUỘT (1975-2013)

Sau giải phóng, thị xã Buôn Ma Thuột có 9 phường nội thị và 15 xã vùng ven (9), dân số 133.543 người, chiếm 1/3 dân số toàn tỉnh; thành phần dân tộc tương đối đa dạng. Với điểm xuất phát về kinh tế rất thấp lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề; Đảng bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Buôn Ma Thuột đã đoàn kết, bền bỉ nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, nhanh chóng đưa đời sống của nhân dân đi vào ổn định.

Một trong những khó khăn lớn của cả tỉnh và thị xã lúc này là vấn đề FULRO. Sau ngày giải phóng, lợi dụng tình hình chưa ổn định, chúng đã chuẩn bị, khi có thời cơ nổi dậy lật đổ chính quyền cách mạng ở nông thôn, dùng lực lượng vũ trang đánh chiếm các quận lỵ cũ, gâp áp lực vào thị xã. Đến cuối năm 1975, ta đã giải quyết cơ bản các nhóm phản động FULRO (10) len lỏi trong các buôn, ổn định tình hình an ninh chính trị ở các địa bàn nông thôn, tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong đông đảo quần chúng.

Tháng 7-1977, Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ IV đã đánh giá: “Hơn 3 năm qua kể từ Đại hội Đảng bộ lần trước, Đảng bộ đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân trong thị xã, cùng với cả tỉnh ra sức thực hiện những nhiệm vụ cách mạng lớn lao, liên tiếp giành thắng lợi rực rỡ”, Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc thị xã đã trưởng thành nhiều mặt, đạt được những kết quả cơ bản, hàn gắn vết thương chiến tranh, tạo ra được cơ sở vật chất để xây dựng CNXH.

Bước sang năm 1986, tình hình kinh tế xã hội của cả nước lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Lạm phát, giá cả tăng vọt, đời sống nhân dân lao động, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang gặp nhiều khó khăn. Tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá ta trên nhiều lĩnh vực.

Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, tháng 9-1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Buôn Ma Thuột lần thứ VII (nhiệm kỳ 1986-1989) đã nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá những tồn tại hạn chế trong nhiệm kỳ và xác định các mục tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực trong thời kỳ “đổi mới” với 6 nội dung chiến lược, 3 chương trình kinh tế (11) để nhanh chóng đưa thành phố ra khỏi khó khăn, khủng hoảng.

Nhìn chung qua 4 kỳ Đại hội; từ Đại hội VI (1982-1986), Đại hội VII (1986-1989) và Đại hội VIII (1989-1991) và Đại hội IX (1991-1995) Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Buôn Ma Thuột đã cố gắng, phấn đấu giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Từ một nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp lạc hậu, manh mún thành phố đã tập trung xây dựng và phát triển được một nền kinh tế chuyển mạnh sang phát triển công nghiệp, dịch vụ trong đó: Mức tăng trưởng kinh tế đạt khá, tổng sản phẩm quốc nội (theo giá năm 1989) tăng bình quân là 13%/năm; trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 10,5%, nông nghiệp tăng 12%, và thương nghiệp – dịch vụ tăng 14%; tỷ trọng các ngành kinh tế trong GDP bước đầu có sự chuyển dịch tích cực: CN, TTCN chiếm 26,52%; nông, lâm nghiệp chiếm 37,93% và thương mại, dịch vụ chiếm 35,55%. GDP bình quân đầu người từ 270 USD năm 1991 lên 445 USD năm 1995.

Hoạt động thương mại – dịch vụ phát triển tương đối mạnh. Các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn đã phát huy tốt vai trò trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phối một phần đáng kể thị trường xã hội, trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và cung cấp vật tư thiết bị cho sản xuất. Riêng khu vực tư nhân, năm 1995 thành phố có 5.148 cơ sở kinh doanh, dịch vụ (12), thu hút gần 10.000 lao động. Bưu chính viễn thông phát triển nhanh, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trên địa bàn.

Hoạt động tài chính – ngân hàng có nhiều chuyển biến tiến bộ. Tổng thu ngân sách năm 1994 đạt 26,738 tỷ đồng, tăng 365,7% so với năm 1991. Năm 1995 đạt 48 tỷ 965 triệu đồng, tăng gần 2 lần so với năm 1994. Một số quỹ tín dụng nhân dân được xây dựng và bước đầu hoạt động có kết quả (13). Năm 1995, ngân hàng đã huy động vốn được 79,7 tỷ đồng, cho vay đạt doanh số 61,4 tỷ đồng; trong đó hộ nghèo vay trên 1 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn cho vay ưu đãi đã có gần 500 hộ đồng bào dân tộc vay với tổng số tiền 1 tỷ đồng.

Những kết quả đạt được qua 4 kỳ Đại hội Đảng bộ thị xã có ý nghĩa quan trọng, thiết thực giúp cho Đảng bộ có thêm nhiều kinh nghiệm và niềm tin vững chắc để tiếp tục lãnh đạo các tầng lớp nhân dân thị xã thực hiện thắng lợi của sự nghiệp đổi mới của Đảng (14).

Với những thành tích đạt được, ngày 21-1-1995 Chính phủ ban hành Nghị định số 08 NĐ/CP thành lập thành phố Buôn Ma Thuột. Từ một thị xã có 20 đơn vị hành chính gồm 7 phường, 13 xã, đến thời điểm này thành phố có 10 phường và 5 xã; diện tích tự nhiên là 26.985,7 ha với dân số 219.333 người (15), đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 11%.

Buôn Ma Thuột được Chính phủ công nhận là đô thị loại III là thời cơ và điều kiện mới để phát triển thành phố; tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X (nhiệm kỳ 1996-2000) đã xác định phương hướng, nhiệm vụ chung trong nhiệm kỳ 1996-2000 là: “Kiên định đường lối đổi mới, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh, phát huy lợi thế so sánh của thành phố, động viên nhân dân huy động, khai thác tốt nhất mọi nguồn lực, tiềm năng, tạo ra sự chuyển biến rõ nét về chuyển dịch cơ cấu kinh tế “công – nông nghiệp – thương mại – dịch vụ”, phát triển theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao trình độ dân trí, xây dựng nếp sống văn hóa, giữ vững ổn định chính trị. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đủ sức lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi sự nghiệp phát triển thành phố giàu đẹp, văn minh, kỷ cương và đoàn kết, từng bước đi lên xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh”(16).

Sau 5 năm (1996-2000), thành phố đã có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế của thành phố vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao, tốc độ phát triển kinh tế bình quân tăng 15,64%/năm, GDP bình quân đầu người đạt 655 USD (17) theo giá cố định năm 1994. Giá trị sản xuất công nghiệp – TTCN ngoài quốc doanh đến cuối năm 2000 đạt 155,5 tỷ đồng

tăng bình quân hàng năm 15% (18); về nông nghiệp, nông thôn: 100% các điểm dân cư đã có lưới điện, nhựa hóa nhiều tuyến giao thông; diện tích cà phê tăng 97,85%. Sản lượng cà phê năm 2000 đạt 26.165 tấn tăng 147,5% so với năm 1995. Thành phố đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, tỷ lệ lao động thiếu việc làm còn khoảng 3,74%. Thu nhập bình quân đầu người tăng 9%/năm. Số hộ khá và giàu ngày càng tăng, tỷ lệ hộ đói, nghèo giảm dần: xóa được 936 hộ đói, giảm 1.514 hộ nghèo. Đến cuối năm 2000 thành phố còn 173 hộ đói; 1.340 hộ nghèo (19).

Phát huy thành tích đạt được, Đảng bộ Thành phố tiến hành Đại hội lần thứ XI (nhiệm kỳ 2001-2005), xác định phương hướng, nhiệm vụ chung của Đảng bộ trong nhiệm kỳ là: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, thực hiện toàn diện sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH-HĐH. Chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp – nông thôn. Phát huy lợi thế, huy động tốt mọi nguồn nội lực, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài đầu tư cho phát triển. Bảo vệ môi trường, tạo thế tăng trưởng bền vững, gắn với tiến bộ công bằng xã hội. Nâng cao dân trí, sức khỏe, đời sống của nhân dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc; thực hiện sâu rộng dân chủ ở cơ sở. Tăng cường tiềm lực quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chăm lo xây dựng Đảng và cả hệ thống chính trị vững mạnh. Thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành phố giàu đẹp văn minh, kỷ cương, tạo động lực quan trọng góp phần vào sự phát triển chung của cả tỉnh. Phấn đấu đến năm 2005 thành phố Buôn Ma Thuột đạt được các tiêu chí kinh tế-xã hội của đô thị loại II (20)”.

Năm 2004, theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về chia tách tỉnh Dak Lak thành hai tỉnh Dak Lak và Dak Nông; thành phố tiếp nhận thêm 3 xã Hòa Khánh, Hòa Phú, Hòa Xuân từ huyện Cư Jút thuộc tỉnh Dak Nông. Lúc này thành phố có diện tích tự nhiên là 37.156 ha; với 13 phường, 8 xã (21). Dân số trung bình năm 2005 là 320.362 người, gồm 31 dân tộc anh em (22). Tín đồ các tôn giáo có 124.120 người, chủ yếu của 4 tôn giáo; Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao đài.

Trong 5 năm, thành phố đã có bước phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 11,38%. Cơ cấu kinh tế đến cuối năm 2005; công nghiệp – xây dựng chiếm: 32,11%;  dịch vụ chiếm: 46,31%; nông – lâm nghiệp chiếm: 21,58%. GDP bình quân đầu người đạt 9,21 triệu đồng, hình thành các khu công nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Đến năm 2005, Đảng bộ thành phố có 58 tổ chức cơ sở Đảng, gồm 26 đảng bộ, 32 chi bộ cơ sở với trên 4.900 đảng viên. Trong 5 năm (2001-2005). Đảng bộ thành phố kết nạp được 958 đảng viên, so với nhiệm kỳ trước tăng 33,4%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy và Thành ủy đề ra.

Sau 10 năm phấn đấu xây dựng kể từ khi trở thành Thành phố, ngày 28-2-2005 Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận là đô thị loại II (23) và được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho cán bộ nhân dân thành phố vào dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột (1975-2005). Đó là những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc thành phố. Vinh dự, tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề của toàn Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Buôn Ma Thuột trong chặng đường tiếp theo nhằm xây dựng phát triển thành phố vững mạnh toàn diện, văn minh, hiện đại.

Ngày 27-11-2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 60 – KL/TW về việc “xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010-2020)”. Với sự phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, quân và dân thành phố Buôn Ma Thuột ngày 8-2-2010, thành phố Buôn Ma Thuột đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh (24).

Phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đại đoàn kết dân tộc, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hướng dẫn, giúp đỡ của các sở, ban, ngành của tỉnh; trong nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc thành phố đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII (2010 – 2015) Đảng bộ thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2020, đã được UBND tỉnh Dak Lak phê duyệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố giai đoạn 2011-2013, bình quân tăng 14,5%, trong đó: Công nghiệp – Xây dựng: 14,3%; Dịch vụ: 17%. Nông – Lâm nghiệp: 2,02%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế của Thành phố đến cuối năm 2013 là: Công nghiệp – Xây dựng chiếm 44,62%; Dịch vụ chiếm 48,58%; Nông – Lâm nghiệp chiếm 6,7%. GDP bình quân đầu người ước đạt: 45,2 triệu đồng/năm.

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm chỉ đạo, tổ chức học tập nghiêm túc các chuyên đề về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chỉ đạo tập thể và cá nhân đã xây dựng chương trình hành động, qua đó đã có sự chuyển biến trong khâu “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác; gắn kết chặt chẽ mục tiêu thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác với thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Năm 2012, Thành ủy đã tổ chức Hội nghị tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (25).

Hiện nay, tiếp tục triển khai Kế hoạch 26-KH/TU, về thực hành tiết kiệm để giúp đỡ các đảng viên có hoàn cảnh khó khăn đến tất cả cấp ủy chi bộ và cán bộ, đảng viên của thành phố. Gắn việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị với Nghị quyết TW 4, về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay, Thành ủy đã tổ chức sinh hoạt kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong tập thể, cá nhân Ban Thường vụ Thành ủy và tập thể, cá nhân của 76 TCCS đảng và cơ quan, đơn vị; tổ chức xây dựng, triển khai kế hoạch khắc phục, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực.

Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2010-2015, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Buôn Ma Thuột lần thứ XIII; Đảng bộ quân và dân các dân tộc thành phố tập trung phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Phát triển kinh tế-xã hội thành phố gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020. Phát triển kinh tế theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao, bền vững. Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là vùng ngoại thành, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó:

Tốc độ tăng trưởng bình quân năm: 16-17%. Trong đó: Công nghiệp – Xây dựng: 18-19%. Dịch vụ: 16-17%, Nông – Lâm nghiệp: 2-3%. Thu ngân sách hàng năm tăng 20-22%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 dự kiến đạt trên 50 triệu đồng.

Giá trị sản xuất CN-TTCN 8.653 tỷ đồng tương ứng 4.154 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ: 26.468 tỷ đồng. Phát triển thêm một Cụm công nghiệp; xây dựng 1 đến 2 khu đô thị mới. Đến năm 2015, tất cả các trường học được kiên cố hóa. 100% tổ dân phố, thôn có nhà sinh hoạt.

Xây dựng các xã điểm về nông thôn mới theo tiêu chí Quốc gia (theo Quyết định số 491 ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ).

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Bảo vệ và páht huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp còn dưới 2,5%, giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 2% (theo chuẩn mới). Phấn đấu 85% trở lên số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, trên 90% cơ quan thuộc thành phố đạt tiêu chuẩn cơ quan văn hóa, 70% tổ dân phố, thôn, buôn đạt tiêu chuẩn văn hóa. Xây dựng 10 phường, xã đạt chuẩn văn hóa. 100% nhà văn hóa cộng đồng hoạt động có hiệu quả.

Huy động 100% trẻ em trong độ tuổi học mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở đến trường, duy trì vững chắc và nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Đến năm 2015, có trên 60% trường học đạt chuẩn quốc gia (26), 100% giáo viên đạt chuẩn; xây dựng mới 550 phòng học.

 

Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù dịch; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đến năm 2015, lực lượng dân quân tự vệ đạt 1,2% so với dân số và nâng cao chất lượng, độ tin cậy, tỷ lệ đảng viên trong lực lượng DQTV đạt 26% trở lên, trong đó, dân quân đạt trên 17%, tỏo chức diễn tập vận hành cơ chế theo Nghị quyết 28 cho 20-25% phường, xã và tổ chức diễn tập cấp thành phố.

Kiềm chế tội phạm, tai nạn giao thông và các tệ nạn xã hội. Tỷ lệ phá án đạt từ 75% trở lên. Chỉ đạo có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân.

Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương xã hội.

Hàng năm, có từ 82-83% TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh (đảng bộ các phường, xã đạt 75% trở lên), không có cơ sở yếu kém. Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ đạt 98% trở lên, trong đó hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 80%. 100% tổ dân phố, thôn, buôn có chi bộ Đảng. Phát triển đảng viên đạt bình quân hàng năm từ 4,5% trở lên so với tổng số đảng viên. Thực hiện kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. HĐND và UBND thành phố đạt vững mạnh; HĐND và UBND phường, xã đạt vững mạnh từ 80% trở lên; phấn đấu đến năm 2015: 100% cán bộ, công chức thành phố và phường, xã được đào tạo chuẩn về chuyên môn; 100% cán bộ lãnh đạo các phòng, ban và tương đương tốt nghiệp đại học và Cao cấp lý luận chính trị trở lên. Mặt trận và các đoàn thể thành phố đạt vững mạnh, 80% Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phường, xã đạt vững mạnh.

Nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng bộ, làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh gắn với việc thực hiện Nghị quyết TW 4 về “Một số vấn đề cấp bách xây đảng hiện nay”.

(1) Nay là di tích Đình Lạc Giao tọa lạc tại số 67 - đường Phan Bội Châu, phường Thống Nhất.

(2) Ngày 8-2-2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 228/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

(3) Tháng 5-2012 giải thể 20 TCCSĐ để thành lập 2 Đảng bộ cơ sở trực thuộc Thành ủy (Đảng bộ CQTU và Đảng bộ CQCQ TP) theo Kế hoạch số 26-KH/TU ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

(3) Tháng 5-2012 giải thể 20 TCCSĐ để thành lập 2 Đảng bộ cơ sở trực thuộc Thành ủy (Đảng bộ CQTU và Đảng bộ CQCQTP) theo Kế hoạch số 26-KH/TU ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

(4) Nhà đày BMT hiện nay ở đường Tán Thuật, phường Tự An; được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1930 trên cơ sở mở rộng nhà lao Prison mà chúng lập ra từ năm 1900 để giam cầm, lưu đày những người yêu nước.

(5) “Lực lượng trung kiên” gồm các đồng chí: Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Võ Chí Công, Đoàn Khuê, Bùi San…

(6) Chi bộ Đảng thành lập vào cuối tháng 5-1945 và bầu đồng chí Phan Kiệm làm Bí thư, đ/c Nguyễn Trọng Ba làm Phó Bí thư (LS Đảng bộ tỉnh Dak Lak 1930 – 1975, Tr.91).

(7) Trong đợt Tổng tiến công này, ta đã đánh hơn 20 căn cứ quân sự quan trọng của địch, làm chủ nhiều mục tiêu quan trọng trong Thị xã trong nhiều ngày đêm, làm tan rã và loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 tên địch, phá hủy 19 máy bay, 13 xe thiết giáp, 4 khẩu pháo và 150 xe quân sự, tịch thu nhiều loại vũ khí đạn dược, quân trang quân dụng và các loại phương tiện phục vụ chiến tranh khác.

(8) Sau những thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam và thảm bại trong chiến dịch oanh tạc Hà Nội cuối năm 1972, ngày 27-1-1973 đế quốc Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

(9) 9 phường: Thời gian đầu gọi từ phường 1 đến phường 9. Năm 1976 đổi thành 8 phường: Tự Do (ph.1), Thắng Lợi (ph.2), Thành Công (ph.3), Thống Nhất (ph.4 và ph.6), Tân Tiến (ph.5), Tân Thành (ph.7), Tân An (ph.8), Tân Lập (ph.9). Năm 1977, sát nhập 2 phường Tự Do và Tân An thành phường Tự An.

15 xã: Chư Suê, Hòa Thuận, Hòa Thắng, Hòa Đông, Hòa Khánh, Hòa Phú, Hòa Xuân, Ea Tu, Ea Tam, Ea Kao, Cư Ebur, Ea Nuôl, Ea Tiêu, Cư Jút, Ea Na.

(10) Đầu tháng 7-1975, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về truy quét FULRO, trấn áp bọn phản cách mạng, ta liên tiếp mở các đợt truy quét bên ngoài và vây ráp bên trong tại các địa bàn trọng điểm và căn cứ của FULRO, đã tiêu diệt và bắt sống trên 1.300 tên, đưa về tập trung học tập cải tạo 715 tên.

(11) Hội nghị Thị ủy ngày 16-1-1987 đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo của thị xã về việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu, tổ chức các hội nghị liên tịch bàn chuyên đề thực hiện từng chương trình.

(12) Tăng hơn 2.000 cơ sở so với năm 1991.

(13) Như ở xã Hòa Thắng, xã Cư Ebur.

(14) Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ thị xã, khóa VIII trình Đại hội IX Đảng bộ thị xã, tr.21

(15) Theo Nghị định số 08 của CP, ngày 21-1-1995.

(16) Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ thành phố khóa IX tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, năm 1996, tr.16

(17) NQ Đại hội X là 750-800 USD

(18) Đến cuối năm 2000 toàn thành phố có 1.300 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (tăng 646 cơ sở so với năm 1995); tổng vốn đầu tư khoảng 60 tỷ đồng (tăng 114,8% so với 1995)

(19) Chiếm 3,1% tổng số trên địa bàn thành phố.

(20) Báo cáo chính trị của BCH đảng bộ TP khóa X tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI.

(21) Có 244 tổ dân phố, thôn, buôn (72 thôn, 33 buôn, 139 tổ dân phố).

(22) Đồng bào dâ tộc thiểu số có 43.469 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có 34.270 người.

(23) Quyết định 38/2005/QĐ-TTg ngày 28-2-2005 của Thủ tướng Chính phủ.

(24) Theo Quyết định số 228/QĐ-TTg, ngày 8-2-2010 của Thủ tướng Chính phủ.

25) Ngày 23-12-2012 Hội nghị giao lưu, tôn vinh tập thể, cá nhân điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với 16 tập thể và 63 cá nhân.

(26) Xây dựng 45% trường mầm non, 70% trường tiểu học, 65% trường THCS.

 

 


Ý kiến bạn đọc