Multimedia Đọc Báo in

Tục “Cầu vía” và “Nói lời giao lời giá” vào ngày rằm tháng Bảy của người Mường xưa

17:40, 30/08/2010

Giống như người Việt (Kinh), người Mường cũng có tục ăn rằm tháng Bảy. Tuy nhiên trong ngày này, ngoài việc bày cỗ cúng ông bà tổ tiên ra, người Mường xưa còn có thêm lệ “Cầu vía” cho cha mẹ già và lệ “Nói lời giao lời giá” giữa hai nhà thông gia nữa.

Tục “Cầu vía”
Những gia đình người Mường có ông bà, cha mẹ đến tuổi bảy mươi hoặc chưa đến bảy mươi nhưng thường hay đau ốm vặt thì rằm tháng Bảy là dịp để con cháu tổ chức “Cầu vía” cho cha mẹ, ông bà sống lâu trường thọ.
Tục ngữ Mường có câu: “Muốn nuôi tằm phải trồng dâu/ muốn người già sống lâu phải cầu vía”. “Cầu vía” là một nghi lễ mang tính tâm linh. Theo quan niệm của người Mường “vía” là hồn người sống, con người ai cũng có “vía”, “vía” luôn tồn tại song song với thể xác của con người, hỗ trợ cho sự sống của con người. “Vía” có vui khỏe thì người mới khỏe mạnh sống lâu, “vía” mà buồn bã thì người ốm đau, đoản thọ. Cầu vía tức là soạn cỗ linh đình nhiều đến mức:
“…Thịt bày đầy chín lá
Cá bày đầy chín tầng
Thịt gà trống cựa cong
Bày đầy mâm đầy đĩa
Cơm xôi xanh xôi đỏ
Bánh Kinh và bánh Mường
Xếp nhà ngoài nhà trong
Xếp đầy mâm đầy chiếu…
Nghĩa là con cháu soạn cỗ to, mời Thầy mo đến cúng để “mời vía ông bà cha mẹ ăn cỗ cùng con cháu”. “Cầu vía” là nghi lễ cúng cho hồn người sống nên khi cúng không thắp nhang. Trong lễ “Cầu vía”, ngoài con cháu, gia tộc họ hàng ra còn có thông gia nội ngoại, các bậc cao niên và bà con trong làng đem gạo, rượu đến góp vui để cầu cho cha mẹ, ông bà của chủ nhà:
“… Khỏe vía như con trâu cái
Khỏe vái (vía) như con trâu cương
Để sống trường như sao
Sống cao như trăng sáng
Rạng ngời như mặt trời sớm mai…”
Thầy mo cúng xong, con cháu, họ hàng, thông gia nội ngoại cùng rót rượu, nâng ly chúc cho người được “cầu vía” từ nay về sau luôn khỏe mạnh.

 

Tục “Nói lời giao lời giá”
Vào ngày rằm tháng Bảy, người Mường còn có lệ “Nói lời giao lời giá” giữa hai gia đình thông gia với nhau. Trong ngày đám cưới, hai bên họ hàng nhà trai nhà gái đã nói với nhau “lời lành tiếng tốt”. Để lời nói ấy không bị mai một theo thời gian 3-4 năm sau hai gia đình thông gia chọn ngày rằm tháng Bảy để tổ chức ngày “nói lời giao lời giá” (tiếng Mường là “trẻe lới giao lới già”) – cũng là để đôi bên thông gia có dịp cùng nhau hàn huyên tâm sự.
Ngay từ các ngày mười một, mười hai tháng Bảy âm lịch, các bậc ông bà cha mẹ bên nhà trai đã cho người sang bên nhà gái mời ông bà thông gia cùng chú bác cô dì bên gái “…Tới sáng ngày rằm sang cùng chúng tôi ăn trầu uống nước…”. Ngày mười bốn tháng Bảy trời vừa sáng tỏ, bên nhà trai đã mổ lợn, thịt gà, đánh cá, gói bánh, nấu nước “lá ngom” để ngâm gạo nếp đồ xôi xanh đỏ. Sáng ngày rằm tháng Bảy, bốn năm người bên nhà gái – là cha mẹ, chú bác của cô gái – xúng xính trong những bộ quần áo mới sang nhà trai ăn cỗ. Nhà gái đến, sau tuần trầu nước, bên nhà trai bày cỗ lên bàn thờ cúng gia tiên sau đó là những mâm com đầy chén rượu ngon” được dọn ra. Hai gia đình cùng “ăn cơm uống rượu”. Sau khi đã lâng lâng men rượu, một người cao tuổi nhất bên nhà trai nâng ly rượu đầy mời mọi người “uống một hơi cho vơi quá nửa” rồi trịnh trọng mở lời: “Thưa quý vị ông bà, từ ngày hai trẻ làm cửa làm nhà, hai nhà kết thông gia làm đường đi lối lại đã ba năm trôi bốn năm tròn. Nhờ phúc ấm đôi bên, hai nhà đã có cháu trai cháu gái, hai họ làm đường qua lối lại, đường đi ta không cho mọc cỏ bái, lối ta lại không cho mọc cỏ lau, từ nay về sau hai họ là bà con thân thiết…” Người cao tuổi nhất họ nhà gái nâng ly đáp lời: “Thưa quý ông quý bà ơi, nói nhiều chi lắm mà thương, hai nhà chúng ta tuy ở cách bái ngái mường nhưng lòng yêu lòng thương luôn đi cùng nhau một lối. Con trai con gái ta kết đôi như chim có bạn, hai nhà ta như cây thêm cành, như sông xanh thêm nước. Từ nay về trước, bước này về sau, hai nhà có nhau như chim có tổ như cá có sông, cùng nhau một lòng, giàu ta cùng nhau ăn cá, khá ta cùng nhau ăn cơm, tháng ba tháng tám cùng nhau ăn củ nâu củ mớn/Đời đời trọn vẹn có nhau…” (*). Cứ thế hết người nay đối đi, người kia đáp lại. Mới đầu còn là nói đối đáp, thêm vài ly rượu, lời đối đáp “giao giá” (*) được chuyển thành lời hát dân ca ngân nga trầm bổng, toàn là câu “thắm thiết yêu thương”. Tiệc vui kéo dài tới đêm và có khi còn tới tận canh khuya. Sáng hôm sau, nhà trai một lần nữa lại “dọn bữa cơm rượu” để đãi nhà gái. Sau bữa cơm sáng nhà gái cáo lui ra về, song họ không quên mời nhà trai đến rằm tháng Bảy năm sau sang nhà mình “Ăn trầu uống rượu”.

(*) Dịch nghĩa từ các câu tục ngữ dân ca Mường

Bùi Văn Trinh


Ý kiến bạn đọc