Multimedia Đọc Báo in

Buôn Wiâo (huyện Krông Năng): Bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của người Êđê

17:50, 01/09/2010

Là dân tộc có đời sống văn hóa phong phú, từ những ngôi nhà dài truyền thống, tiếng cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm, đến những điệu hát Ai rei, hát K’ưt, múa Chim K’rưh, và đánh chiêng tre… đang được đồng bào thiểu số Êđê ở buôn Wiâo lưu giữ và phát triển từ nhiều năm nay.

Gần 10 năm nay, người dân ở buôn Wiâo đã có nhiều thay đổi lớn trong đời sống tinh thần và vật chất. Cho dù cuộc sống phải tất bật với công việc nương rẫy, nhưng họ vẫn bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Từ những hội thi, hội diễn được buôn làng, huyện, tỉnh tổ chức đã làm trỗi dậy niềm đam mê đánh chiêng, điệu hát múa của người dân nơi đây. Dần dần, nó không chỉ vang lên trong những dịp lễ, hội mà ngay trong đời sống hằng ngày khi rảnh rỗi.

Được công nhận là buôn văn hóa từ năm 2002, người dân buôn Wiâo hầu hết là đồng bào thiểu số Êđê. Những ngôi nhà khang trang được xây dựng bên cạnh những ngôi nhà dài truyền thống, điều này thể hiện được ý thức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc vẫn được mọi người trong buôn lưu giữ. Không chỉ có thế, ở đây còn có đội chiêng trẻ, đội chiêng già, đội dệt thổ cẩm, đội hát múa,… Trong số đó, nhiều người trong buôn đã được công nhận là nghệ nhân trên lĩnh vực đánh chiêng, dệt thổ cẩm, hát và múa các điệu đặc trưng của dân tộc mình. Nghệ nhân Y Ơn M’lô, đội trưởng đội chiêng buôn Wiao tâm sự: “Đánh chiêng đã ngấm vào máu thịt của đồng bào mình rồi, từ lúc còn nhỏ đến khi tóc bạc, nhưng niềm đam mê đó vẫn còn lớn lắm. Đội chiêng già của buôn đã nhiều lần tham gia các cuộc thi, biểu diễn trong và ngoài nước, đem lại những giải thưởng lớn cho tỉnh nhà. Mặc dù đội chiêng trẻ bây giờ đánh chưa hay, nhưng mình cũng đỡ lo vì đã có thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống cha ông”. Không chỉ biết đánh chiêng, già Y Ơn M’lô còn là người am hiểu các loại hình nghệ thuật khác của dân tộc mình.

Nghệ nhân Y Ơn M'lô còn lưu giữ bộ chiêng quý.
Nghệ nhân Y Ơn M'lô còn lưu giữ bộ chiêng quý.

Hiện tại, buôn Wiâo còn lưu giữ 23 bộ chiêng, hơn 30 người được công nhận là nghệ nhân, người lớn tuổi nhất cũng đã ngoài 80, trẻ cũng vừa bước qua tuổi 30. Không chỉ biết chơi một loại nhạc cụ, mà hầu hết các nghệ nhân có thể chơi tất cả các loại hình, kể cả hát múa. Anh Y Wơn Niê K’drăm, một nghệ nhân trẻ tuổi vừa đánh chiêng giỏi, lại vừa biết đánh Brỗ (đàn bầu - loại nhạc cụ làm bằng quả bầu khô) và hát Ai rei chia sẻ, ở buôn chúng tôi có nhiều người chơi được nhiều nhạc cụ, hát nhiều điệu hát của người Êđê. Mỗi khi buôn làng có lễ hội, từ già đến trẻ nhỏ, từ gái hay trai đều háo hức thể hiện những tài nghệ của mình đầy hứng khởi. Và sau đó, buôn chọn ra một đội giỏi nhất để đi tham gia thi ở huyện, ở tỉnh. Hay như nghệ nhân Y Yăng M’lô ngoài các nhạc cụ dân tộc, ông còn biết hát K’ưt.
Nghệ nhân trẻ H’wi Len Niê luôn say mê điệu múa Chim K’rưh cho biết, đây là một trong những điệu múa phổ biến trong các lễ hội lớn hay trong nghi lễ cúng Yàng, cầu khấn các thần linh của người Êđê. Trước đây, người múa thường là những người đàn bà lớn tuổi, trang trọng, sau này nhiều người trẻ đều có thể múa điệu múa này. Tuy nhiên,  hiện nay ở một số buôn làng, các lễ hội truyền thống như lễ cúng rước kpan, cúng giữ làng, cúng bến nước, thậm chí cả lễ bỏ mả cũng đã ít dần. Từ đó, điệu múa Chim K’rưh không còn có dịp để thể hiện. Nhiều người không còn thấy, nhất là những người trẻ, rất hiếm khi được thưởng thức điệu múa ấy trong không khí linh thiêng, trang trọng của các lễ hội lớn nữa. Ông Trương Quang Huy, chuyên viên Phòng văn hóa - thông tin huyện khẳng định, buôn Wiâo là điểm sáng của huyện trong phong trào bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào thiểu số.
Có thể nói, buôn Wiâo là một địa chỉ còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa của người Êđê trong thời kỳ hiện đại hóa, khi sự du nhập của các loại hình văn hóa khác đang phổ biến mạnh mẽ. Hiện nay, tuy không duy trì được đội dệt thổ cẩm vì thiếu kinh phí, nhưng người dân trong buôn vẫn thường xuyên dệt ở nhà mình, họ không muốn nghề truyền thống này bị mất đi theo thời gian. Anh Y B’lới, Trưởng buôn bày tỏ, ngày nay khi lớp trẻ đang thờ ơ với loại hình âm nhạc dân tộc thì đòi hỏi người già phải biết khuyến khích và truyền bá rộng rãi cho con cháu học hỏi. Ở buôn chúng tôi hiện đã có đội chiêng trẻ kế tục, trong thời gian tới sẽ truyền dạy thêm nhiều loại hình âm nhạc cho con cháu để nối tiếp truyền thống cha ông.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc