Multimedia Đọc Báo in

Lễ chung chăn chiếu trong đám cưới dân tộc Kháng

10:15, 26/09/2010

Lễ “Chung chăn chung chiếu” (gọi là “hạ khửn khươi”) trong đám cưới của người Kháng ở Mường Khoa (Tân Uyên, Lai Châu) được tổ chức ngắn gọn, song nó lại là một ý nghĩa đặc biệt quan trọng không thể thiếu.

Điều đặc biệt là nghi lễ do mẹ của cô dâu chú rể và đại diện hai gia đình tổ chức mà không có sự tham gia của cô dâu chú rể. Sau khi lễ rượu xin hồn xin vía kết thúc, trong khi mọi người còn đang cùng giúp cô dâu chú rể mang những quà mừng của hai họ đi cất và thay những chum rượu cần mới thì lễ “hạ khửn khươi” được bắt đầu.

Đây là nghi lễ khi tổ chức bắt buộc phải kín đáo, chỉ những người có liên quan trực tiếp mới được tham dự, ngoài hai bà mẹ, còn có hai người đại diện cho hai gia đình. Ngay khi lễ rượu xin hồn vía vừa kết thúc, hai bà mẹ của cô dâu và chú rể ra hiệu cho nhau và cùng lặng lẽ đi vào buồng dành riêng cho cô dâu chú rể. Hai bà mẹ lần lượt lấy hai cái chăn “bút” chồng lên nhau và đặt lên trên cái đệm, rồi lại lấy hai cái gối “mon” đặt lên trên hai cái chăn.

 

Hành động chồng các cặp đồ dùng trong phòng cô dâu chú rể tượng trưng cho cảnh hôn phối. Chăn – đệm – gối là những vật dụng dùng để ngủ, mỗi thứ một đôi là tượng trưng cho cảnh sinh hoạt vợ chồng, duy trì nòi giống. Khi các cặp chăn đệm gối đã được chồng lên nhau ngay ngắn, bốn người ngồi bốn góc, vừa đập tay vào hai bộ chăn, đệm, gối vừa lẩm nhẩm nói: “Khỏe mạnh nhé, đẻ nhiều con cái nhé...”. Kết thúc nghi lễ “Chung chăn, chung chiếu”, các cặp chăn, đệm, gối lại được xếp ngay ngắn như khi chưa làm lễ.

Nghi lễ “Chung chăn chung chiếu” kết thúc cũng là lúc cuộc rượu liên hoan mừng hạnh phúc của cô dâu chú rể bắt đầu bước sang giai đoạn vui vẻ, thoải mái nhất trong đám cưới. Người ta bỏ hai chum rượu cần cũ đi và thay vào đó là hai chum rượu cần mới. Lúc này, mọi người đã ăn no và cũng đã chuếnh choáng hơi men, người ta bắt đầu chúc tụng nhau, thách đố nhau “đấu rượu”.
Thông thường, cuộc thách đấu được tiến hành giữa các đấng nam nhi của nhà trai và nhà gái, ban đầu là thách nhau hai sừng trâu, rồi đến bốn sừng trâu, sáu sừng trâu... cho đến khi một trong hai bên nhà trai hoặc nhà gái xin thua. Cuộc đấu rượu diễn ra tưng bừng và nhận được sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình của đám hội.

Cuộc đấu rượu kéo dài đến tối và bắt đầu chuyển sang phần hát giao duyên, hát đối đáp, đánh tính tẩu, chiêng, trống, gậy, chuông... Lúc thì từng đôi nam nữ hát đối nhau, lúc thì cả một tập thể nữ hát đối với cả một tập thể nam. Cuộc hát được đan xen bởi những điệu múa kèm tiếng trống chiêng rộn rã. Không khí của cuộc vui lên đến đỉnh điểm với tiếng trống, chiêng rộn rã, thúc giục, tiếng những bước chân nhảy huỳnh huỵch trên sàn nhà, tiếng đồm độp của những chiếc gậy tre gõ xuống sàn, tiếng những quả chuông đồng trên hai đầu khăn của những người phụ nữ va vào nhau kêu leng keng...

Trong đêm ấy, vài cuộc hát giao duyên và múa xòe lại được tổ chức, cuộc vui kéo đến tảng sáng thì chấm dứt. Từ đó cho đến lúc sáng hẳn, lần lượt từng người hay từng tốp người cứ lác đác ra về. Đến khi trời sáng hẳn thì mọi người đều đã về hết.

Lễ “Chung chăn chung chiếu” được coi là nghi lễ cuối cùng trong hệ thống các nghi lễ cưới dân tộc Kháng nơi đây. Kết thúc lễ này chú rể sẽ ở hẳn bên nhà vợ, bắt đầu quãng thời gian ở rể theo phong tục dân tộc Kháng.

Theo Đất Việt

 


Ý kiến bạn đọc