Khắp coọi giao duyên - "Quan họ" của người Tày
Người già ở Yên Bình kể rằng, ngày trước cuộc sống của bà con người Tày trong các bản làng quanh năm "trán chạm đất, lưng ngửa giời" mà vẫn đói ăn, rách mặc. Một hôm, có ông lão trong bản ra bờ suối câu cá, đang trầm ngâm suy tư bên thác nước chảy bỗng có ngọn gió ào qua bụi tre nơi ông ngồi. Tiếng kẽo kẹt của hai cây tre cọ vào nhau phát ra âm thanh hòa quyện cùng với tiếng thác nước tạo thành một khúc nhạc tuyệt diệu. Thổn thức trong lòng, ông lão tự dưng "hới lả" vọng theo, thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhõm, quên hết nỗi u buồn. Cho rằng, Thiên Nhan Thượng đế đã ban thưởng tiếng hát cho người Tày mình, ông lão bèn gọi mọi người đến truyền dạy lời hát. Ông còn dạy dân bản lấy da ếch bọc ống nứa, căng 2 sợi dây tơ tằm rồi bện mấy sợi lông đuôi ngựa làm cung để kéo "cò cử", sau này gọi là nhị 2 dây; lấy ống nứa tép dùi thành 7 lỗ để thổi tạo tiếng nước chảy, sau này gọi là sáo. Từ đấy, hát khắp hát coọi có nhị, có sáo đệm theo.
Đời tiếp đời, năm tiếp năm, tiếng hát khắp hát coọi được lưu truyền. Hằng năm, thu hoạch xong lúa gạo đưa vào đầy bồ là các bản làng đồng bào Tày lại chuẩn bị cho những ngày lễ hội, và trong chương trình không khi nào thiếu thi hát khắp hát coọi. Những dịp ấy, trai thanh nữ tú hát đối đáp nhau để rồi "vương" lại bao nỗi nhớ nhung; hát để thay cho lời chào hỏi, ước hẹn, bằng cả tấm lòng của mình để kết nên tình yêu đôi lứa. Hát khắp khi lên giọng "ứ ơi" ngân dài rồi bắt vào lời hát luôn, còn hát coọi "ứ ơi ứ hợi" lên xuống để đủ độ ba nhịp mới bắt vào lời hát.
Cùng một lời bài hát người hát có thể lên giọng hát khắp coọi tùy theo khẩu khiếu từng người hoặc từng vùng. Lời hát được chắt lọc hình thành trong lao động sản xuất, mượn hình ảnh hoa lá, ánh trăng, sông suối, các loại hoa như hoa mạ, hoa bưởi, hoa phặc phiền…; chim có chim én, chim khảm khắc… để gửi tình gửi cảnh vào đó, diễn tả nỗi nhớ bạn lúc buồn da diết, lúc vui náo nức như tiếng vọng của núi non, chim khảm khắc lẻ bạn, tâm tình với người mình thương nhớ. Thời xưa, thanh niên nam nữ đã hát đối đáp thâu đêm không biết mệt, đến đêm thứ ba phải có bài hát gọi vía quay về, nếu không hồn vía theo nhau xuống long cung không có loại thuốc nào cứu chữa nổi.
Trong hát khắp coọi giao duyên, người con gái bao giờ cũng kiệm lời hơn, đợi bên trai lên giọng đến đôi lần, bên gái cảm thấy "lọt tai" tương xứng mới lên tiếng. Trước ngổn ngang đường vào xóm ngõ, bên trai có người lên tiếng:"Con đường ba mươi ngả / Bản người chín mươi lối / Ba mươi lối về vòng/ Chín mươi lối về chụm/ Chỉ đường anh thăm bản táng mường em ơi…"
Thấy bạn gái đang cầm đon mạ cấy ở ruộng người con trai hát: "Em ơi bó mạ bao nhiêu nhánh/Để anh cung một nhánh được không?”
Hoặc thấy bạn gái nón đội đầu: "Em ơi! Nón cọ hay nón bạc/ Nón này đội hai người được không/ Đội được cho anh chung lối bước…"
Bên trai cứ tiếp tục hát. Khi thấy không cất lời đáp lại là không nên, người con gái mới lên tiếng : "Ơn anh ở khác bản lại thăm / Ơn người từ khác mường mới đến / Lời hay em không cho rơi giát /Lời ngọt em không để rơi bùn / Em đem vào hòm bạc em khóa / Hôm nào về nhà chồng mới mở…"
Muốn dừng lại bản để hát tiếp khi chiều đã buông xuống: "Anh bước đến đầu bản chiều tà / Tay áo vẫy mặt trời không lại / Mặt trời đã vội vã về tây…/ Thân anh người cách xứ hỏi han / Ơn chủ có lòng thương thân thiết / Cho chúng tôi nghỉ trọ được không?..."
Người con gái đã khiêm tốn mời khách đến nhà mình: "Nhà em cột sa nhân / dựng dỏng dảnh trên đường / giát nhà bằng cây nứa / không chê dặm là ở anh ơi"
Đây mới là đoạn dọc đường những lời ướm hỏi đã được người con gái đáp lại, mời tới chơi nhà. Cứ thế họ hát đối đáp nhau: lượn mời, mừng bản, mừng nhà, mừng cây đa bến nước, mừng cánh đồng ao cá, cây cau vườn trầu, thăm hỏi cha mẹ, xin trầu, mời trầu, đối đáp nhau về hoa, chơi chim én, hát biệt bạn chia tay… Hát một đêm không hết họ hát tiếp các đêm sau. Ngày tháng qua đi những lần hát giao duyên đã dệt nên tình chồng vợ. Cũng có những đôi yêu nhau mà chẳng lấy được nhau, họ đã hát lời biệt bạn: "Ngọn diễn tiếng vàng anh thỏ thẻ / Thương nhau rồi chẳng lấy được nhau / Em về còn mười đôi chín bạn / Anh về là vò võ một thân / Cất lời xin được nói cùng em / Giờ này mình còn hát với nhau / Lát nữa hai hồn đâu cách biệt / Tựa như chim ăn trái lìa tổ / Xa nhau biết bao giờ gặp lại / Giống như bụt nơi chùa bỏ hương/ Xa em bao tháng ngày thấy mặt / Xa anh về khác xứ hãy thương / Giờ em lập gia đình khác bản / Mỗi tối em buông màn vào ngủ / Em hãy sắp thêm gối cho anh / Vía anh luôn bên mình kết bạn / Ngộ nhỡ anh mơ thấy cũng nên / Bữa ăn đặt xuống mâm hai đũa / Trầu cau đặt vào nơi hẹn ước / Vía anh luôn bên bạn vía nàng / Anh nhắm em đường xa nhớ nhé!"
Những năm trở lại đây, người hát khắp coọi đã ít đi, lớp trẻ không còn tìm hiểu nhau qua các làn điệu khắp coọi nữa, nhưng trong những bản làng của đồng bào Tày ở vùng Lục Yên, các đội văn nghệ quần chúng vẫn tập luyện khắp coọi để biểu diễn mỗi dịp lễ hội.
Ý kiến bạn đọc