Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam – hình ảnh đặc trưng cộng đồng 54 dân tộc

Dân tộc Ba-na

16:50, 05/10/2010
Dân tộc Ba –na còn có tên gọi khác là Bơ Nâm, Roh, Kon Kđe, Ala Kông, Kpang Kông... Đây là một trong những cư dân sinh tụ lâu đời ở Trường Sơn - Tây Nguyên đã kiến lập nên nền văn hoá độc đáo trên vùng đất này. Họ là tộc người có dân số đông nhất, chiếm vị trí rất quan trọng trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội ở các cao nguyên miền Trung.
Dân tộc Ba Na là một trong những cư dân sinh tụ lâu đời ở Trường Sơn - Tây Nguyên đã kiến lập nên nền văn hoá độc đáo ở đây. Họ là tộc người có dân số đông nhất, chiếm vị trí rất quan trọng trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội ở các cao nguyên miền Trung nước ta. Ðịa bàn cư trú của người Ba Na trải rộng trên các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và miền Tây của Bình Ðịnh, Phú Yên và Khánh Hoà. Họ cư trú trên nhà sàn, cửa ra vào mở về phía mái, trên hai đầu đốc đều có trang trí hình sừng, ở giữa làng được xây cất một ngôi nhà công cộng - nhà làng, nhà rông với hai mái vồng và cao vút. Ðó là nhà khách của làng, nơi diễn ra mọi sinh hoạt chung của cộng đồng làng như giáo dục thanh thiếu niên, tổ chức nghi lễ, hội làng...
Anh hùng Núp
Anh hùng Núp
Trong hoạt động sản xuất, người Ba Na canh tác lúa trên ruộng khô và rẫy với công cụ chủ yếu là cái cuốc. Ruộng khô thường ở vùng ven sông suối. Từ đầu thế kỷ XX, việc làm ruộng nước bằng cày đã ngày càng phát triển ở nhiều nơi; vườn chuyên canh và vườn đa canh cũng xuất hiện từ lâu. Phương tiện vận chuyển chủ yếu là cái gùi cõng trên lưng, cho nam, nữ và cho mọi lứa tuổi. Gùi nhiều kích cỡ to nhỏ và nhiều chủng loại, đan mau và thưa nhưng đều theo một mô típ cổ truyền.
Nhà rông Ba-na
Nhà rông Ba-na
Với người Ba-na, làng là đơn vị xã hội hoàn chỉnh và duy nhất. Tàn dư mẫu hệ vẫn thể hiện rõ trong quan hệ gia đình, tộc họ và trong hôn nhân. Sự tan rã của chế độ mẫu hệ ở đây đã nâng cao địa vị của nam giới nhưng phía mẹ vẫn gần gũi hơn. Sau hôn nhân còn phổ biến tập quán cư trú phía nhà vợ. Hôn nhân một vợ, một chồng là nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng gia đình. Hình thức luân cư sau lễ cưới rất phổ biến. Kết thúc các chu kỳ luân cư (ở bên vợ rồi ở bên chồng), sau khi sinh con đầu lòng thì đôi vợ chồng ra ở riêng tạo lập cơ ngơi của một gia đình mới, một tế bào mới của cộng đồng làng. Trẻ nhỏ luôn được yêu chiều và dân làng không đặt trùng tên nhau. Trong trường hợp những người trùng tên gặp nhau, họ làm lễ kết nghĩa, tùy tuổi tác mà xác lập quan hệ anh em, cha con, mẹ con. Đối với người Ba-na, các con được thừa kế gia tài ngang nhau. Người Ba-na thờ nhiều thần linh liên quan tới cuộc sống, mỗi “thần” có tên riêng và họ quan niệm con người chết đi hóa thành ma, ban đầu ở bãi mộ của làng, sau lễ bỏ mả mới về hẳn thế giới tổ tiên. Lễ bỏ mả được coi như lần cuối cùng tiễn biệt người chết.
Thiếu nữ Ba-na
Thiếu nữ Ba-na
Kho tàng văn nghệ dân gian của người Ba-na rất phong phú và phải kể đến các làn điệu dân ca, các điệu múa trong ngày hội và trong lễ nghi tôn giáo. Dân ca phổ biến là điệu hmon và roi. Nhạc cụ rất đa dạng gồm cả bộ dây, bộ hơi và bộ gõ. Trường ca, truyện cổ của dân tộc Ba-na cũng là những tác phẩm dân gian cổ truyền độc đáo, có giá trị trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Trò chơi dân gian phổ biến của người dân tộc Ba-na đuổi bắt (đru đra), cướp dây, hất đá, nhảy đập nhịp, thả diều, đá cầu, đi cà kheo, đánh quay, đánh vòng...

Đ.T (giới thiệu)
Nguồn tài liệu: Việt Nam hình ảnh cộng đồng 54 dân tộc - NXB Văn hóa dân tộc

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.