Multimedia Đọc Báo in

Điệu múa dâng thần linh của người Chăm

09:03, 26/12/2011

Xuất phát từ niềm tin vạn vật hữu linh, người Chăm có tín ngưỡng đa thần, xem những ngọn núi dòng sông, cửa biển, cây cổ thụ… là có linh hồn, có khả năng phù hộ độ trì hoặc có thể đe dọa cuộc sống của con người. Vì vậy, để được may mắn, bình an, được mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang, con đàn cháu đống… người Chăm tôn thờ các vị thần linh như thần núi Patau Cơk, thần sông Patau Ia, thần biển Pô Riyak, thần mây, thần mưa, sấm chớp… và phải làm lễ thờ cúng thần linh. Múa chính là tiếng nói của người Chăm đến với thần linh, tất cả những mong muốn của họ được gửi đến thần linh qua những điệu múa.

Người Chăm đã sáng tạo ra các điệu múa tương ứng với những vị thần. Theo thống kê thì người Chăm có tất cả 80 điệu múa và tương ứng với từng điệu múa là 80 vị thần của họ. Đối với người Chăm, múa rất quan trọng. Hầu như lễ múa nào cũng gắn liền với lễ hội. Múa tạo không khí linh thiêng, vui tươi, sinh động cho lễ hội. Từ lễ hội, họ đã sáng tạo ra những điệu múa dân gian để phục vụ lại cho chính mình. Vì thế múa dân gian phản ánh quá trình sinh hoạt, lao động của người Chăm, nó không tách rời với lễ nghi tín ngưỡng mà cùng với đời sống sinh hoạt của con người tạo nên nét đặc sắc trong múa Chăm

Từ thời xa xưa, khi sản xuất của người Chăm còn mang tính thô sơ thì múa dân gian Chăm cũng chỉ là động tác đơn giản, mỗi khi đến ngày mùa hoặc mỗi khi đi biển về họ lại mô tả lại những động tác đi gặt lúa, đội lúa, đi biển kèm theo những tiếng vỗ tay hoan hô, à hay. Những động tác này lúc đầu không mang chút gì nghệ thuật, bởi vì ở thời kỳ này con người chưa có khả năng thẩm mỹ để diễn đạt và hiểu chúng. Sau này khi sản xuất càng ngày càng phát triển hơn thì múa Chăm cũng được nâng cao hơn, các động tác cũng điêu luyện hơn. Trải qua năm tháng, tín ngưỡng càng lớn lên, càng mầu nhiệm, và lúc này nhiều vị thần lại xuất hiện trong tâm linh người Chăm như thần sóng biển Pô Riyak, thần nước Pô Yang Ia, thổ thần Pô Bhum… Để dâng lễ vật lên cho các vị thần có thầy cúng đảm nhiệm. Và thầy cúng thông qua múa để đưa mọi tâm tư, mọi ước vọng của con người đến với thần linh. Ở giai đoạn này múa được nhiều người gọi là múa tín ngưỡng dân gian. Khi kinh tế - xã hội con người đã tiến lên một bước cao hơn thì múa dân gian Chăm cũng phát triển lên cao hơn. Múa dân gian lúc này bắt đầu đi đến hoàn thiện và trở thành một “nghệ thuật”. Những động tác, điệu bộ… được phát triển phù hợp và gần gũi với những đặc trưng của nghệ thuật múa từ tính cách điệu và tính khái quát. Múa dân gian Chăm tuy có nhiều điệu múa khác nhau nhưng nhìn chung có bốn điệu múa chính có mặt xuyên suốt trong nghệ thuật múa là Biyên, Kmân, Mrai, Chron. Sau này những điệu múa trên đã được nâng cao và hình thành nên những điệu múa như Patra, Chaligia. Và ngày nay, các điệu Biyên, điệu Chaligia, điệu Patra, điệu Chron cũng chính là bốn điệu múa được sử dụng nhiều nhất trong múa Chăm. Mỗi điệu múa này có những nét riêng thể hiện đặc trưng theo tên gọi của mình.

Thiếu nữ Chăm múa hát trong ngày hội. (Ảnh: T.L)
Thiếu nữ Chăm múa hát trong ngày hội. (Ảnh: T.L)

Theo truyền thuyết của người Chăm, ngày xưa dưới trần gian đầy rẫy ma quỉ, thú dữ… hoành hành cuộc sống con người. Thiên hoàng Pô Kuk sai con gái là Pô Ina Nưgar xuống trần gian để xây dựng xứ sở Chăm và bảo đảm sinh tồn của của người Chăm. Bà Pô Ina Nưgar đã bốc bốn vì tinh tú và cho nở ra bốn con thượng cầm là chim công (Biyên), điểu cầm (Kmân), gà lôi (Mrai), và gà tây (Chron) để cùng các nàng tiên cưỡi xuống trần gian. Khi xuống đây bà đã chỉ cho người Chăm biết trồng dâu nuôi tằm, trồng lúa, dệt vải, dạy nhân dân chống lại thú dữ… tạo nên cảnh quốc thái dân an cho người Chăm. Khi nhìn những con chim bay lượn rất đẹp, người Chăm đã bắt chước các động tác của chim để sáng tạo bốn động tác mang tên bốn loài chim này.

Múa dân gian Chăm, còn gọi là múa cộng đồng, thường diễn ra vào các ngày lễ đầu năm, đầu mùa. Những điệu múa đặc trưng là đóa pụ (có nghĩa là đội nước, khi múa, những cô gái đội một cái bình trên đầu - đội đầu là một hình thức vận chuyển phổ biến của người Chăm), múa quạt, múa khăn, múa trống paranưng, múa roi, múa chèo thuyền. Múa chèo thuyền được coi là điệu múa lâu đời nhất của người Chăm, thể hiện sinh hoạt lao động vùng biển của con người.

Đa phần các điệu múa của người Chăm đều gắn liền với lễ hội, mà hệ thống lễ hội của người Chăm thì vô cùng phong phú. Mỗi điệu múa chứa đựng những nội dung khác nhau, nhưng đều phản ánh ước vọng của người Chăm trước thần linh, thân tộc, thiên nhiên và cộng đồng. Họ mong sao cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu, cây cối tươi tốt, con cháu ấm no khỏe mạnh, hạnh phúc, được sống yên ổn làm ăn và thờ phụng tổ tiên.  Không chỉ gắn bó với lễ hội, múa dân gian Chăm còn gắn liền với những dịp trọng đại của gia đình như cưới xin, khánh thành nhà... Điều đặc biệt là múa dân gian Chăm hầu hết là múa có đạo cụ như khăn, roi, trống, quạt... và dựa vào đạo cụ mà gọi tên cho từng điệu múa.

Trong nghệ thuật múa dân gian Chăm, múa “thiêng” chiếm giữ một vị trí quan trọng. Hầu hết các lễ hội Chăm đều có sự tham gia của các vũ sư như Ong Kaing (ông bóng), bà Muk pajow (bà bóng khu vực tôn giáo), bà bóng Muk Rija (bà bóng của dòng họ – bản thân tên gọi chức sắc cũng đã là bà múa: Rija trong tiếng Chăm có nghĩa là múa). Những phong cách múa truyền thống Chăm còn thể hiện trên các mảng điêu khắc như Vũ nữ Trà Kiệu, Apsara và các tượng thần Ấn Độ giáo như Siva, Uma, Brahma, Visnu… Ngoài ra, người Chăm còn có những điệu múa sinh hoạt, hội hè. Múa quạt là điệu múa phổ thông mà bất cứ thiếu nữ hay phụ nữ Chăm nào cũng biết múa.

Tất cả các điệu múa này vẫn còn tồn tại trong cộng đồng Chăm như một hình thái sinh hoạt lễ hội và theo thời gian, chúng được cách điệu để đưa lên sân khấu. Nghệ thuật múa dân gian Chăm luôn giữ một vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống tinh thần trong cộng đồng người Chăm rất cần được đầu tư nghiên cứu, bảo tồn và phát huy.

 

Bùi Hữu Cường

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.