Tục cúng tết của người Mông ở Giang Đông
Là những người con của vùng rẻo cao Tây Bắc vào Dak Lak lập nghiệp, những nghi lễ đón năm mới theo phong tục tổ tiên xa xưa truyền lại vẫn được người Mông ở thôn Giang Đông, xã Ea Dah, huyện Krông Năng lưu giữ vẹn nguyên.
Theo quan niệm của người Mông, mùa xuân là mùa của chim rừng làm tổ, trai gái tìm nhau, là dịp để anh em họ hàng gặp mặt, chia sẻ niềm vui, kinh nghiệm làm ăn trong năm cũ, trẻ già dòng tộc quên đi những mâu thuẫn để cùng chúc tụng những điều tốt lành trong năm mới. Vì vậy mỗi khi năm hết tết đến họ lại cùng nhau quây quần tổ chức các nghi lễ truyền thống một phần như để bớt nhớ quê, phần nữa để giáo dục cho con cháu biết quý trọng bản sắc của dân tộc mình.
Chị Sùng Thị Nhìa đang gấp rút hoàn thành các bộ trang phục thổ cẩm truyền thống cho người thân trong gia đình khi mùa xuân đến |
Già làng Hờ Bờ Thào ở thôn Giang Đông cho biết, so với người Kinh thì người Mông thường ăn tết trước một tháng, chiều 30 các gia đình niêm phong tất cả dụng cụ lao động trong năm bằng tiền giấy rồi đưa vào bàn thờ, việc làm này gọi là trả công, trả ơn cho các dụng cụ ấy. Bởi những dụng cụ lao động này cũng giống như những vị thần linh đã giúp họ làm ra của cải, nuôi sống họ từ đời này qua đời khác. Nên ngày tết các dụng cụ được người dân chùi rửa sạch sẽ, mặc áo mới (dán một mảnh giấy hình vuông nhỏ màu hồng), nghỉ ngơi ăn tết sau một năm lao động vất vả, mệt nhọc cùng với gia chủ. Với người Mông cúng Tết là một nghi lễ không thể thiếu, thường vào chiều 30 Tết chủ nhà phải làm thủ tục dâng cúng con gà trống còn sống và bánh dày trước bàn thờ tổ tiên, để tổ tiên, thần linh làm chứng rằng gia chủ đã có lòng dâng cúng. Trong khi người phụ nữ đảm nhận công việc chuẩn bị các lễ vật truyền thống để cúng thì người đàn ông - chủ gia đình lại đảm nhận việc lau chùi bàn thờ. Người Mông rất kiêng kị việc lau chùi bàn thờ bằng giẻ hoặc rửa bằng nước, khi quét dọn không được dùng chổi chít mà chỉ cho phép quét bằng chiếc chổi tre ba ngọn do chủ tự làm bằng lá tre còn tươi nguyên. Bởi theo họ cây tre tượng trưng cho sự thanh khiết, sạch sẽ nên khi dùng chổi tre lau chùi bàn thờ họ sẽ không bị thần linh, tổ tiên trách tội. Trong mâm cơm cúng ngày 30 Tết của người Mông bao giờ cũng phải làm thịt một con gà trống thiến, con gà được người chủ nhà mang ra trước bàn thờ cúng, khấn rồi cắt tiết ngay cạnh bàn thờ. Sau khi cắt tiết xong họ vặt một túm lông ở cổ quết một chút tiết rồi dán lên tiền vàng (một tờ giấy đỏ hình chữ nhật bên trên dán tờ giấy vàng nhỏ hơn hình quả trám) đã được dán sẵn trên bàn thờ. Lúc đó chủ gia đình mới cúng khấn mời tổ tiên về ăn Tết, báo cáo thành quả lao động sản xuất, đời sống gia đình năm cũ, cầu khấn tổ tiên phù hộ cho năm mới gia đình yên vui, làm ăn phát đạt, sung túc, ấm no, hạnh phúc. Ngày mùng 1 Tết, người Mông tiếp tục cúng tổ tiên bằng con gà mái đã luộc chín và chặt sẵn cùng cơm mới để mời tổ tiên về ăn tết với con cháu, gia đình. Sang ngày mùng 2 Tết, người Mông không phải làm thủ tục mời cơm tổ tiên mà chỉ thắp hương, thắp nến và đón tiếp khách gần xa đến chúc tết cùng những ly rượu nếp thơm lừng với những lời chúc tốt đẹp đầu năm. Họ quan niệm, nếu nhà nào có nhiều khách đến trong dịp đầu năm mới thì năm đó gia đình làm ăn sẽ gặp nhiều may mắn, nuôi con gà được con gà, nuôi con trâu con bò được con trâu con bò, không bị dịch bệnh; trồng cây lúa thu được hạt thóc, trồng cây ngô thu được bắp ngô… Đối với đồng bào Mông buổi sáng sớm ngày mùng 1 Tết họ kiêng không gọi nhau thức dậy, cũng từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 2 Tết, họ kiêng không ăn hoa quả và rau xanh với dụng ý là: Không đánh thức sâu bọ, chim chóc, muông thú đến phá hoại mùa màng và cuộc sống trong năm mới. Theo ông Sùng Vảng Lao, Trưởng thôn Giang Đông cho biết, bất kỳ gia đình người Mông nào dù giàu hay nghèo thì trong những ngày tết món bánh dày không thiếu trên bàn thờ tổ tiên cũng như trong bữa ăn. Bởi chiếc bánh dày tròn không chỉ tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất mà nó còn là biểu tượng tình yêu thủy chung của trai gái người Mông. Vì vậy vào những ngày lễ tết khi cả gia đình được sum vầy những người già lại kể sự tích này cho con cháu của họ. Chuyện kể rằng, thuở xưa có chàng trai người Mông tên là Nù Plai bị thần Hổ về bản bắt mất người yêu, Plai buồn lắm, chàng đau khổ đến quên ăn quên ngủ và quyết tìm gặp thần Hổ để đòi lại người yêu. Đường núi xa xôi hiểm trở, để đến nơi thần Hổ giam giữ người mình yêu Plai phải băng qua nhiều thác ghềnh, vực sâu. Plai chuẩn bị dao, rựa và hành trang chàng mang đi ăn đường chính là những chiếc bánh làm từ thứ gạo ngon nhất bản. Plai nấu gạo, rồi giã nhuyễn, nặn thành bánh (nay gọi là bánh dày) để làm lương thực đi đường. Qua bao gian nan khổ ải, Plai đã tìm được nơi ở của thần Hổ. Cảm động trước tình yêu của chàng trai Plai, thần Hổ đã trả lại người yêu cho chàng. Từ đó, sự tích về bánh dày biểu tượng cho tình yêu của trai gái Mông đã đi vào cuộc sống, trở thành nét đẹp văn hóa của đồng bào Mông. Ngày xưa cứ đến mùa hoa mận nở trắng rừng, các chàng trai người Mông vẫn thường mang bánh dày đi chơi xuân, ngoài làm lương thực dự trữ đường xa, bánh dày còn là món quà đầy ý nghĩa của các chàng trai, cô gái Mông đi kén duyên lấy vợ, tìm chồng.
Đến ngày mùng 3 sau khi đã cúng tổ tiên xong và tiễn đưa tổ tiên về trời thì mọi thủ tục thờ cúng trong ngày tết truyền thống kết thúc, nhưng ở ngoài trời, trên khoảng đất rộng bằng phẳng, các trò chơi như: đánh quay, ném còn, đẩy gậy… vẫn diễn ra sôi động cho đến tận ngày mùng 6, mùng 7 tết.
Tuấn Anh
Ý kiến bạn đọc