Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được

10:35, 05/02/2012

Hằng năm, cứ vào ngày 11 tháng giêng âm lịch, khi tiết trời bắt đầu vào xuân, cây cối đâm chồi, nảy những lộc xuân mơn mởn, dòng Trường Giang chảy ngang qua Chợ Được (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bổng trở nên trong xanh, êm đềm thì cũng là lúc nhân dân địa phương lại nô nức chuẩn bị thật công phu và chu đáo cho Lễ hội Cộ Bà Chợ Được...

“Hằng năm mười một tháng Giêng
Chưng cộ, hát bội, đua thuyền tri ân...”

Theo “ Thần phả ”, ghi bằng chữ Hán có phiên âm chữ quốc ngữ hiện còn lưu lại tại Lăng Bà tại phía Tây Chợ Được (thôn 3, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) thì Bà Chợ Được có tên là: Nguyễn Thị Của, sinh ngày 25 tháng hai năm Canh Thân (1799) triều vua Lê Cảnh Hưng (thứ 39) tại châu Phiếm Ai, nay thuộc xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Năm Thành Thái thứ 16 (năm 1905), thể theo nguyện vọng đề bạt của dân chúng cùng quan chức huyện, tỉnh Quảng Nam, xét công trạng và sự linh ứng của Bà, triều đình đã phong sắc cho Bà là: “Trai thục dực bảo trung hưng trùng đẳng Thần, Thần nữ linh ứng Nguyễn Thị Tôn Thần”.

Truyền thuyết kể rằng: Bà Chợ Được rất linh thiêng, tôn hiển. Bà đã linh ứng tạo dựng nơi bãi cát hoang vắng tại thôn Phước Ấm (nay là thôn 3, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) này thành ngôi chợ sầm uất, thuận lợi buôn bán, mệnh danh là Chợ Được. Và để tri ân cùng tôn vinh vị nữ linh kiệt này, hương ước và dân chúng địa phương trong vùng đã lập Lăng thờ Bà và hằng năm khi ba ngày Tết, bảy ngày Xuân đã qua thì người dân Chợ Được lại náo nức bắt đầu lễ hội rước Cộ  Bà Chợ Được.

Lễ hội rước Cộ Bà ở Chợ Được là một truyền thống đặc trưng, có mặt trong đời sống của người dân Thăng Bình hàng trăm năm qua. Đến nay hội cộ Chợ Được đã trở thành một hoạt động quy mô, thu hút hàng nghìn người từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh về tham dự.  Lễ được tổ chức trang trọng và trang nghiêm với các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi như lễ cầu an, truy niệm Đức Bà, múa lân, hát bội, chơi bài chòi, trèo cây chuối, đập om đất, thi nấu cơm, thả hoa đăng, bóng đá, bóng chuyền, tái hiện cảnh chợ quê ẩm thực với nhiều món đặc sản quê hương dân dã. Và hoạt động không thể thiếu đối với lễ hội này từ hàng trăm năm nay là đua thuyền truyền thống trên sông Trường Giang, đây là một hoạt động mang tính ý nghĩa lịch sử sâu sắc tái hiện quá khứ  sầm uất của vùng sông nước Trường Giang cách đây hàng trăm năm với những đoàn ghe bầu ngược xuôi Nam Bắc mang những sản vật của vùng quê xứ Quảng trao đổi buôn bán trên mọi miền đất nước...

Cộ tái hiện cảnh Hai Bà Trưng ra trận.
Cộ tái hiện cảnh Hai Bà Trưng ra trận.

Hội cộ Chợ Được không chỉ mang đến cho người dân nơi đây không khí lễ hội rộn rã, tưng bừng mừng của một mùa xuân mới tràn đầy sức sống mà còn là dịp để các nghệ nhân làng cộ thi thố tài năng trên các bàn cộ - với trình độ thiết kế ngày một hoàn mỹ nhờ kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm cộ nhiều năm qua cùng với sự trợ giúp của phương tiện, kỹ thuật hiện đại... Các nghệ nhân làng cộ Chợ Được sẽ đem  sẽ mang đến cho người xem các tiểu phẩm được trích đoạn từ truyền thuyết, lịch sử như Thánh Gióng nhổ tre diệt giặc, Hai Bà Trưng đại phá quân Hán, Trưng Vương cưỡi voi ra trận, Trần Hưng Đạo ca khúc khải hoàn trên sông Bạch Đằng, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, Quang Trung đại thắng Đống Đa, Trần Quang Diệu đánh hổ, sự tích Thạch Sanh, sự tích Quan Âm Bồ Tát... với trình độ thiết kế tinh xảo và mang tính thẩm mỹ. Những người được chọn tham gia đóng các nhân vật truyền thuyết, nhân vật lịch sử nói trên là các em thiếu nhi nam nữ được lựa chọn kỹ, phải xin phép thành hoàng bằng hình thức “xin keo” và phải được tắm rửa kỹ càng (tẩy trần) trước khi nhập vai diễn xuất ...

Lễ rước cộ được chính thức khai diễn vào đêm 11 tháng Giêng âm lịch. Khi vầng trăng non vừa ló dạng soi bóng trên dòng sông Trường Giang êm ả thì cũng là lúc lễ rước cộ bắt đầu. Sau phần cúng tế tại Lăng Bà (ở phía Tây Chợ Được) theo nghi thức cổ truyền có phường bát âm diễn xướng, đoàn rước cộ bắt đầu đi quanh chợ và những khu dân cư trong vùng để cho dân chúng và khách thập phương về đây chiêm bái. Mở đầu đoàn rước là các cộ được thiết kế trên các xe đẩy, tái hiện các tiểu phẩm được trích đoạn từ truyền thuyết, lịch sử. Tiếp đến là kiệu Bà, gồm một ngai son thiếp vàng phủ lễ phục bằng nhung gấm đỏ, có 6 người phục trang áo nẹp và nón chóp khiêng, hai bên kiệu Bà được hộ tống bởi các vị bô lão áo dài khăn đóng chỉnh tề. Đám rước đi từ từ, có cờ phướn rợp trời phần phật tung bay trong gió xuân, có tàng lọng uy nghiêm, có đoàn lân sư rồng hộ tống, lấp lánh muôn ánh hào quang đủ sắc màu của giấy ngũ sắc, của vải màu, của hàng ngàn bóng đèn chớp nháy được các nghệ nhân trang trí trên các xe cộ và kiệu Bà. Theo sau đoàn rước cộ là hàng vạn dân chúng và khách thập phương kính cẩn tháp tùng. Các nhà buôn trong chợ và nhà cửa hai bên đường nơi đám rước đi qua đều bày hương án, cung kính yết bái cầu mong Bà Chợ Được độ trì phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn buôn bán thuận lợi, mùa màng bội thu, gia đình con cái khỏe mạnh, thành đạt...

Lễ hội rước cộ Chợ Được không chỉ góp phần vào việc giữ gìn những bản sắc, truyền thống văn hóa của đất Quảng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của con cháu hôm nay đối với các bậc tiền nhân, mà còn góp phần vào việc tạo ra không khí hội xuân sôi động, nhiều ý nghĩa cho nhân dân địa phương, cùng du khách gần xa và hơn ai hết người dân Chợ Được nói riêng và nhân dân Thăng Bình nói chung rất tự hào và hãnh diện khi họ khi thực sự là chủ nhân của lễ hội này.

Mai Hồng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.