Nét đẹp nhà sàn truyền thống của người Thái Tương Dương trên đất cao nguyên
Từ miền Tây Nghệ An vào định cư tại buôn Thái, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, người Thái Tương Dương vẫn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của quê hương, trong đó đáng chú ý nhất là nhà sàn truyền thống.
Ngôi nhà sàn người Thái đã có sự cách tân của gia đình ông Lô Văn Ngân. |
Nói về ngôi nhà sàn, người Thái có câu thành ngữ: “Hươn mi hạn, quản mí xau”, nghĩa là: Nhà có gác, sàn có cột. Bất kỳ một người Thái nào luôn mơ ước sống ở đời phải làm cho mình một căn nhà sàn bởi theo quan niệm của họ, đó không chỉ là nơi cư trú mà còn là nơi để con người gửi gắm niềm tin với các thần linh, lưu giữ những giá trị tinh thần. Già làng Lô Văn Hợi cho biết: “Nhà sàn của người Thái Tương Dương thường mang dáng dấp tựa như hình con rùa đang đứng. Truyền thuyết kể lại, trước đây khi tổ tiên người Thái đang sinh sống trong các hang động, một hôm trời mưa to có một người đàn ông đang ngồi trú mưa thấy con rùa bò qua cửa hang, trên mình mang cả ngôi nhà không bị ướt. Nghĩ là thần rùa đến bày cho người dân tộc mình cách làm nhà để ở, người đàn ông liền gọi dân làng ra nhìn, rồi cảm tạ thần rùa và huy động mọi người cùng nhau vào rừng tìm những cây gỗ thẳng về dựng nhà. Đây là một kiểu nhà an toàn lại chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên giúp họ tồn tại, phát triển”. Kể từ đó, người Thái truyền tụng nhau truyền thuyết thần rùa chỉ dạy cho dân tộc mình biết cách làm nhà theo hình dáng của thần. Ưu điểm của loại nhà sàn này là mùa mưa tránh ẩm thấp, mùa nắng thì thoáng mát và điều quan trọng là tránh thú dữ tấn công vào ban đêm.
Để có được ngôi nhà sàn vừa ý, người Thái phải chọn những loại gỗ tốt như: săng lẻ, lim, chò chỉ… và tùy vào hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình mà lợp tranh hay ngói, gỗ xẻ hay gỗ tròn. Đặc điểm nổi bật trên ngôi nhà sàn truyền thống là trên đầu hồi có hai thanh gỗ bắt chéo nhau theo hình chữ X gọi là Khau cút - biểu tượng của sừng trâu, loài vật gắn bó với tập tục cấy trồng lúa nước và truyền thuyết khai thiên lập địa của người Thái. Tùy theo hoàn cảnh gia đình và địa vị xã hội mà Khau cút có cách trang trí riêng từ đơn giản tới phức tạp. Trên Khau cút thường khắc họa nhiều hoa văn, họa tiết hình trăng khuyết, hoa sen, có hoa đực và hoa cái tượng trưng cho âm dương và khát vọng sinh sôi phát triển. Có thể nói, Nhà sàn của người Thái Tương Dương là một không gian văn hóa rất đặc biệt. Trong nhà có cột thờ (luôn được dựng lên trước tiên khi làm nhà mới), được coi như trụ cột, chứa đựng linh hồn của ngôi nhà, biểu tượng cho sự bền vững của gia đình. Giữ vai trò quan trọng không kém tiếp theo là cầu thang ở hai đầu hồi, một cầu thang chính dẫn lên cửa lớn để vào gian thờ tổ tiên thường dành cho đàn ông và những người khách quý của gia đình, một cầu thang phụ thường dành cho người phụ nữ đi làm về lên sân phơi nơi đặt chum đựng nước để rửa chân, hay khi đi lại lo liệu việc gia đình… Mỗi cầu thang thường có 9 bậc, tượng trưng cho 9 tầng trời xanh, 9 tầng đất, sợi dây nối sự sống và cái chết của con người. Vị trí cầu thang có thể ở bên phải hoặc bên trái ngôi nhà tùy theo địa thế, số lượng bậc thang có thể khác nhau nhưng nhất định phải là số lẻ. Một đặc điểm nữa của nhà sàn người Thái là rất nhiều cửa sổ, dãy cửa sổ nối tiếp nhau chạy bao quanh ngôi nhà để đón gió và ánh sáng. Trước kia các cửa sổ thường làm bằng phên liếp tre, nứa, còn ngày nay khi điều kiện vật chất đã khá hơn thì được thay bằng khung gỗ. Hệ thống cửa sổ này cùng với các chấn song tạo thành bức vách nên trong nhà rất thoáng mát và gần gũi với thiên nhiên…
Hiện nay, buôn Thái có 187 hộ với trên 600 nhân khẩu, trong đó người Thái Tương Dương chiếm trên 95%, nhưng cả buôn chỉ có 23 ngôi nhà sàn đang còn giữ được những nét đặc trưng truyền thống. Ông Lô Văn Dậu, Trưởng buôn Thái cho biết: “Đa số người Thái Tương Dương nơi đây làm nhà xây theo kiểu người Kinh, một số hộ khác làm nhà sàn theo kiểu cách tân nhưng vẫn giữ được gần như nguyên bản kiểu nhà cũ. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống rất cần được gìn giữ và phát huy”.
Tuấn Anh
Ý kiến bạn đọc