Kèn Rlet của người M’nông
Đồng bào làm kèn Rlet để thổi trong những dịp đặc biệt như cúng bái đuổi tà ma, ăn trâu. Nhà nào có kèn Rlet để trong nhà thổi thời gian từ một tháng đến lâu nhất là ba năm phải cúng một con trâu, cúng trâu xong thì mang kèn Rlet cất trên bàn thờ ông bà, không thổi nữa. Mỗi lần nhà có làm lễ cúng bái đều phải cúng kèn Rlet. Đồng bào quan niệm rằng có kèn Rlet để trên bàn thờ, ma quỷ không dám vào nhà quấy phá gia đình.
Để tiến hành nghi lễ chém trâu bò, người ta phải chuẩn bị ít nhất thời gian 8 ngày. Trừ việc chém trâu bò tạ ơn thần thánh, các cuộc chém trâu bò vì mục đích khác phải có thổi kèn Rlet. Vậy kèn Rlet phải làm trước ít nhất 8 ngày. Ngày làm kèn Rlet phải mời các già làng, cử một số thanh niên đến giúp việc chuẩn bị cho nhà sắp tổ chức lễ.
Nghệ nhân K'Ngân thổi kèn Rlet. |
Đặc biệt kèn Rlet có quan hệ chặt chẽ với việc làm rẫy của đồng bào. Kèn Rlét làm ra không phải thổi cho vui mà là công cụ để đuổi thần ác và gọi hồn thần lúa. Khi lúa trổ đòng, đồng bào M’nông làm kèn Rlét treo trên cây nêu nơi rẫy lúa. Mỗi lần đi thăm rẫy người ta đến chỗ cây nêu lấy kèn thổi một hồi, tiếng nhạc vang lên làm cho ma rừng và các thần ác hoảng sợ không dám ở trong rẫy để bắt hoặc quậy phá hồn người. Gia đình nào làm kèn này phải kiêng cữ đủ chuyện: cữ ăn cá lóc, cá trê, cữ ăn thịt trâu bò cúng lễ, khi xuất bán vật nuôi cũng phải cúng bái. Chủ nhà giữ tục kiêng cữ đến khi nào tuốt lúa xong, chém trâu tạ thần linh, bỏ kèn thì mới hết kiêng cữ. Cuối năm đó, dù có thu được vài gùi lúa cũng buộc phải giết trâu hoặc bò cúng trả ơn thần kèn Rlet đã bảo vệ cho rẫy lúa và gia đình trong cả năm.
Theo người M’nông, có 3 trường hợp phải làm kèn Rlet: thứ nhất, thú rừng vào rẫy hoặc bị chết trong rẫy, người ta phải làm kèn để đuổi các thần xấu ấy đi; thứ hai, trong nhà có người đau ốm triền miên, chữa trị không hết phải làm kèn để đuổi ma quỷ quấy phá; thứ ba, làm kèn Rlet gọi thần lúa từ trên trời xuống. Thời gian thổi kèn: Trường hợp thứ nhất thổi kèn từ lúc chưa tỉa lúa đến tháng ba năm sau, chém trâu hoặc bò tạ thần linh rồi bỏ. Trường hợp thứ hai có thể thổi đến ba năm, sau đó chém trâu tạ thần rồi mới bỏ. Trường hợp thứ ba, từ ngày làm kèn đến ngày chém trâu tạ thần không quá một tháng thì bỏ, không được sử dụng nữa.
Rlet tương tự như đing tak ta của người Êđê, là loại nhạc cụ hơi, gồm một ống sáo ba lỗ, cắm vào một quả bầu khô. Phần ống nằm trong thân bầu, có trổ một lưỡi gà, là bộ phận phát ra âm thanh. Rlet là nhạc cụ đặc biệt, có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người M’nông, vì lý do kiêng cữ nên không được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt văn hóa tộc người. Trước đây, nghệ nhân K’Ngân ở Quảng Sơn (Dak Nông), sử dụng Rlet giỏi nhất. Ông đã mang kèn này đi biểu diễn nhiều nơi và đoạt được nhiều huy chương, giấy khen trong hội diễn nghệ thuật quần chúng. Cùng với đinh tak ta của người Êđê, kèn Rlet của người M’nông cũng được các nhà nghiên cứu, sưu tầm âm nhạc dân gian Tây Nguyên cải tiến, thể nghiệm, sáng tác những bài bản mới dựa trên chất liệu dân gian để đưa vào phục vụ biểu diễn nghệ thuật quần chúng và chuyên nghiệp.
Trúc Vi
Ý kiến bạn đọc