Multimedia Đọc Báo in

Hệ thống nhạc cụ truyền thống của người Cor - một giá trị văn hóa dân gian độc đáo

09:19, 30/07/2012

Người Cor nói chung và người Cor huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) nói riêng có một hệ thống các nhạc cụ phong phú, sinh động và giàu sức biểu cảm... được làm bằng những chất liệu tại chỗ như: tre, nứa, gỗ, lá... Vốn âm nhạc truyền thống đặc sắc được người Cor thể hiện trong sinh hoạt đời sống hằng ngày, trong các lễ hội truyền thống và luôn được người Cor gìn giữ và bảo tồn.

Nhạc cụ tà lía của người Cor huyện Bắc Trà My (Quảng Nam).
Nhạc cụ tà lía của người Cor huyện Bắc Trà My (Quảng Nam).

-Cồng chiêng:

Bộ cồng chiêng của người Cor gồm 2 chiếc, chiếc lớn gọi là Chéc tok, có đường kính khoảng 30cm, chiếc nhỏ gọi là Chép tứp, có đường kính khoảng 25cm. Khi sử dụng cồng chiêng, nghệ nhân tay phải cầm dùi (Ta nú) đánh vào cồng chiêng tạo nên không khí náo nhiệt âm vang khắp núi rừng, sau đó là tiếng chiêng vang “chéc tók”, tiếp theo là tiếng chiêng dập “chéc tứp”. Tiếng chiêng dập 1, dập 2 hay dập 3 là tùy theo từng điệu múa. Trong tâm thức của người Cor, bộ cồng chiêng rất thiêng liêng. Đây là của cải được truyền từ đời này sang đời khác, là thước đo sự giàu có của mỗi gia đình, tộc họ và buôn làng nên rất được chú trọng giữ gìn.

-Đàn đá (Phau):

Trong quá trình lao động và sản xuất ở ngoài nương rẫy, người Cor đã phát hiện ra nhiều loại đá mà khi gõ vào phát ra âm thanh nghe rất hay và họ đã nghiên cứu và sáng tạo ra loại nhạc cụ độc đáo này.  Người Cor đã tập hợp được 7 loại đá khác nhau, đàn đá được họ lấy từ ở các sông khe suối... Từ đó, họ đã mày mò sáng chế ra một loại đàn gọi là Phau. Ban đầu, những phiến đá được buộc dây, treo cạnh suối nước, có kết nối với một sợi dây dài, gắn với thanh gỗ đặt dưới suối. Khi nước chảy mạnh, các phiến đá chuyển động, va chạm nhau, tạo nên nhiều âm thanh. Đồng bào sử dụng âm thanh này để đuổi các loại chim, thú, bảo vệ nương rẫy, mùa màng. Theo quan niệm của người Cor, đàn đá là vật thiêng liêng và được quý trọng, thường được họ cất giấu nơi kín đáo, phụ nữ, con gái không được bước qua, nếu không đàn đá sẽ không còn giữ được những âm thanh kỳ diệu như trước nữa.

-Trống đất:

Trống đất của người Cor được làm bằng mo cau để trên 5 miệng lỗ đào dưới đất. Mỗi lỗ có bề ngang, bề dài, độ sâu vào khoảng một gang tay (khoảng hơn 20 cm), có dạng hình chum trên một mặt đất phẳng. Mỗi lỗ cách nhau cũng chừng một gang tay (có thể xếp thành hai hàng, hàng trước 3 lỗ, hàng sau 2 lỗ). Dùng 2 chiếc bẹ bương khô xếp tráo đầu đuôi đậy lên miệng hố làm mặt trống, sau đó, lấy một chiếc lạt tre chốt một đầu và sâu qua chính giữa 2 chiếc bẹ đó. Mặt trống được ghim xuống đất bằng 4 que tre sau đó được ép phẳng kín với mặt đất bằng 4 chiếc nẹp nứa. Công việc tiếp sau đó là đóng 2 chiếc que được làm bằng nhánh cây bương, cách tâm của mặt trống chừng 1m về hai phía. Lấy sợi dây rừng nhỏ buộc căng vào hai đầu của 2 chiếc que vừa đóng rồi kéo sợi dây từ mặt trống buộc căng chặt lên sợi dây rừng. Trống đất đã được chế tạo xong. Âm thanh của trống đất phụ thuộc vào độ kín của mặt trống, độ căng của sợi dây cũng như đường kính, độ dài của sợi dây và chiều rộng, chiều sâu của hố đất. Độ mịn, quánh, dẻo của đất cũng có tác động lên âm thanh của trống. Hai chiếc que buộc với sợi dây rừng có chức năng của một cần âm thanh.

Trống đất là một loại nhạc cụ có từ rất xa xưa của tổ tiên người Cor. Theo truyền thống, trống đất chỉ có già làng, những người lớn tuổi, am hiểu phong tục tập quán thì mới được đánh. Người Cor đánh trống đất vào những lúc nắng hạn để cầu xin ông trời cho mưa thuận gió hòa. Khi trời có sấm sét thì đem ra đánh và đánh trống đất cho tới khi trời mưa mới thôi. Người đánh trống cầm 1 dùi gõ lên mặt trống, từ mặt trống  âm thanh của nó qua sợi dây lạt truyền xuống đất. Những âm thanh trầm bổng được vang lên có lúc âm rền dữ dội, có lúc khoan thai. Nếu người đánh trống dùng một tay đánh vào mặt trống thì trống có âm thanh ngân dài và vang xa. Còn nếu chặn một tay vào mặt trống, tiếng trống sẽ khô và đanh hơn mà lại không vang. Ngoài ra, người chơi trống có thể tạo ra các âm thanh như có tiếng náo động và dồn dập, có lúc như tiếng reo vui...

-Đàn Vơró:

Đàn Vơró làm bằng gỗ, dài khoảng 4 gang tay, hộp đàn làm bằng quả bầu khô, đường kính quả bầu khoảng 20cm. Hiện nay, cây đàn Vơró được người Cor thay gỗ làm cần đàn bằng một ống nứa dài độ 4 gang tay, khoảng cách từ trái bầu đến trục dây đàn là 3 gang tay, 3 phím nhạc được làm bằng cây, cách nhau khoảng một lóng tay. Đàn Vơró có hai dây: Dây thứ nhất chỉ đánh dây buông để làm bè trầm; dây thứ hai để đánh giai điệu. Bằng cây đàn Vơró, người Cor sử dụng đánh độc tấu, hòa tấu và đệm khi hát dân ca.

Đàn Vơró được sử dụng mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi đi nương, vào rừng săn bắn, lúc giã gạo, trong các lễ hội truyền thống... Đối với người Cor, mọi người bất kể là nam hay nữ đều sử dụng được đàn Vơró nhưng những người chơi thành thạo nhất là những người già, họ vừa đánh đàn, vừa hát Xơ ru vào những đêm rỗi việc hay lúc rảnh ở trên nương rẫy.

-Đàn Kađlóc:

Đàn Kađlóc được làm bằng tre, nứa và dây rừng. Lấy một ống tre dài khoảng một gang, có một mắt tre ở một đầu, đầu kia được bịt bằng da của một con vật nhỏ nào đó (để mặt bịt này mỏng, có thể dễ dàng cộng hưởng khi đánh đàn), hoặc có thể dùng bong bóng của con heo (lợn), nai, bò... để bịt. Dùng một đoạn cây nứa khoảng 4 gang tay, phần đầu bắt qua ống tre, phần cuối đục lỗ vào trục điều chỉnh trên cần đàn. Dây đàn phải chọn loại dây rừng vừa chắc, vừa ít đàn hồi.

Về hình thức, đàn Kađlóc hơi giống đàn nhị của người Kinh nhưng chỉ có một dây làm bằng một loại dây rừng ngâm nước rồi chuốt nhỏ. Dây đàn được căng trên một cái trục cố định, trên cần đàn là một que tre nhỏ, được chuốt thật nhỏ và thấm ướt trước khi kéo đàn. Tiếng đàn Kađlóc gần giống tiếng đàn nhị nhưng nhỏ và đục hơn. Đàn Kađlóc có thể sử dụng bất cứ lúc nào, bất kể ngày hay đêm, chủ yếu được đánh trong các ngày lễ hội, ăn tết, mừng vào mùa... Đàn Kađlóc chủ yếu do người già sử dụng và họ thường đánh hay hơn.

-Khèn Amáp:

Khèn Amáp được làm bằng một đoạn cây long bong (một loại cây rừng) đã được rút ruột ra, chỉ còn là một ống cây có đường kính khoảng 1/3 ngón tay út, dài bằng 4 nắm tay. Người sử dụng thổi khèn Amáp bằng miệng, lưỡi và điều khiển bằng tay. Khèn Amáp không bền, chỉ sử dụng được vài ba ngày rồi bỏ. Khi dùng, người ta thường ngâm khèn vào nước để tiếng khèn hay và lâu hỏng hơn.

Tiếng khèn ngấm sâu vào máu thịt người Cor. Con trai Cor 13 tuổi đã có cây khèn mỗi khi lên nương. Âm thanh của khèn mạnh mẽ như chính cuộc sống người Cor, bởi nếu không kiên cường mạnh mẽ, người Cor xưa kia chắc khó lòng đương đầu nổi với sự khắc nghiệt nơi núi cao, đá dựng. Khi buồn, khi vui họ đều mang khèn ra thổi, gửi cả tâm tư, tình cảm của mình vào tiếng khèn. Trong những dịp lễ, tết, tiếng khèn Cor vang vọng khắp núi rừng. Người già vẫn bảo: Tiếng khèn là phần hồn của người Cor, giữ tiếng khèn là giữ lấy bản sắc dân tộc mình.

 Sau những giờ lao động mệt nhọc hay trong sinh hoạt hằng ngày, người phụ nữ Cor thể hiện những tâm sự thầm kín của mình (nhất là trong tình yêu) bằng tiếng khèn Amáp, do đó tiếng khèn nghe duyên dáng, sâu lắng và mang tính tự sự rất rõ. Có thể nói đây là loại nhạc cụ đặc biệt nhất của người Cor.

-Ta lía (sáo):

Ta lía được làm từ ống nứa. Việc tạo ra một ống sáo Ta lía khá đơn giản. Đầu tiên người ta chọn một ống nứa già vừa ý, có đường kính ước chừng bằng ngón tay cái bịt lại, chiều dài ống nứa bằng khoảng 5 nắm tay. Một đầu ống nứa được bịt lại bằng sáp ong, chừa một lỗ nhỏ để thổi. Thân ống nứa được khoét 4 lỗ để bấm các nốt nhạc, khoảng cách giữa các lỗ khoảng một lóng tay.

 Ta lía của người Cor là loại nhạc cụ phổ biến, ai cũng có thể sử dụng được. Đặc biệt, trong những lúc tổ chức ăn mừng lúa mới, mừng ngày lễ... của người Cor, tiếng sáo Ta lía hầu như không bao giờ thiếu. Tiếng Ta lía càng trở nên giàu sức biểu cảm hơn trong những đêm khuya.

-Ra ngoái (kèn môi):

Cũng giống như Amáp, kèn môi Ra ngoái là lời tâm sự của người Cor, tiếng kèn có thể nói hộ tình cảm của con người với nhau trong quan hệ bạn bè, tình yêu và hôn nhân. Kèn Ra ngoái được làm bằng gỗ, dài bằng nắm tay, rộng khoảng một lóng tay, được vót rất mỏng và đẹp. Ở giữa có một khoảng trống được đan vào một sợi dây thép thật mảnh. Đầu dây thép gắn vào thân kèn bằng sáp ong nơi ngón tay gảy kèn. Nhờ phần sáp ong này mà kèn Ra ngoái có thể phát ra âm thanh được.

Khi sử dụng, kèn Ra ngoái được đặt vào trên môi, dùng miệng thổi và lưỡi điều khiển âm thanh. Tiếng kèn Ra ngoái càng hấp dẫn hơn khi kết hợp với các điệu hát Xơ ru của người Cor. Kèn Ra ngoái tiện lợi, nên rất được chuộng, và phổ biến.

 Dân tộc Cor có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và rất độc đáo, trong đó nhạc cụ truyền thống nổi lên như những viên ngọc lung linh tỏa sáng. Nhạc cụ dân tộc Cor thể hiện sâu nặng chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, khỏe khoắn. Những âm thanh mà nó bộc lộ là vẻ đẹp tự nhiên của vùng cao bao la, hùng vĩ, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Cor. Chính vì thế, âm nhạc người Cor nói chung và nhạc cụ dân tộc Cor nói riêng chiếm được cảm tình không những của tuyệt đại đồng bào Cor mà còn làm say lòng công chúng trong cộng đồng các dân tộc anh em, đặc biệt là những người làm nghệ thuật âm nhạc.  Nhạc cụ dân tộc Cor tuy giản đơn nhưng lại phong phú về cách diễn đạt âm thanh, cảm xúc và có vị trí không thể thiếu được trong đời sống văn hóa của đồng bào. Nhiều loại nhạc cụ đã trở thành một thứ hàng hóa mang đặc tính riêng của vùng cao được nhiều người biết đến.

Nguyễn Văn Gia Phúc


Ý kiến bạn đọc