Multimedia Đọc Báo in

Tết rằm tháng Bảy của người Tày, Nùng

09:32, 14/09/2012

Rằm tháng Bảy thường được gọi là ngày Xá tội vong nhân, ngày lễ Vu Lan. Còn người Tày, Nùng thì gọi ngày Rằm tháng Bảy là Tết: Tết Rằm tháng Bảy. Với người Tày, Nùng, đây là cái Tết to thứ hai sau Tết Nguyên đán.

Rằm tháng Bảy đến khi công việc đồng áng đã vãn. Lúa ngoài đồng đã cấy hết. Đám thì đã làm cỏ xong, xanh mượt. Đám thì vừa kín đất, xanh um. Đám vừa bén rễ xanh mơn mởn. Có những chân ruộng cấy muộn, màu mạ non dìu dịu loáng thoáng lẫn màu nước bạc. Cái cày, cái bừa được rửa sạch, treo lên. Trâu bò thảnh thơi gặm cỏ chân đồi. Rằm tháng Bảy là cái Tết để mọi người nghỉ ngơi sau những ngày cày cấy vất vả.

Người Tày, Nùng có câu: “Thấy xôi xanh đỏ thì trâu khóc, thấy bánh gai thì trâu cười” (Pẻng tải vài khua, khẩu nua đăm đeng vài hảy). Nói “xôi xanh đỏ” là nói đến Tết Thanh minh mùng ba tháng ba, nhà nhà làm xôi ngũ sắc đi tảo mộ tổ tiên ông bà. Nói “bánh gai” là nói đến Rằm tháng Bảy. Rằm tháng Bảy thì làm bánh gai, cũng giống như ngày Tết Nguyên đán thì phải làm bánh chưng vậy. Còn nói “trâu cười, trâu khóc” là nói về thời vụ, một cách nói thật hóm hỉnh. Tết Thanh minh xong là bắt tay vào mùa cày bừa. Đến Rằm tháng Bảy thì công việc cày cấy mới xong, cả người, cả trâu lúc đó mới được nghỉ. Người lớn giảng giải như thế. Nhưng lũ trẻ chẳng đứa nào để lời nói lọt vào tai. Chúng chỉ biết đến Rằm tháng Bảy là có bánh gai ăn, được ăn bánh gai, thế là sướng rồi.

Bánh gai của người Tày cách làm cũng khá cầu kỳ. Lá gai lấy về đã được tước bỏ gân lá, phơi khô từ trước. Lá gai đem ninh, khi đun bỏ chút vôi tôi cho mau nhừ. Gạo nếp xay thành bột, bỏ trong túi vải cho róc nước. Đường phên đun sôi, trộn với lá gai xong đem nhào với bột, giã trong cối đá cho thật nhuyễn. Bột lúc ấy có màu xanh đen, mịn màng và dẻo quánh. Mùi nếp, mùi mật, mùi lá gai thơm ngọt, thật hấp dẫn. Nhân bánh làm bằng đỗ xanh hoặc lạc rang giã nhỏ trộn đường. Bánh được gói bằng lá chuối, đem hấp. Từ lúc nước sôi cho đến khi bánh chín, chừng tàn một tuần hương là được. Chẳng biết phong tục làm bánh gai ngày Rằm tháng Bảy của người Tày có từ bao giờ, chỉ biết ngày này nhà nào cũng làm, cũng có bánh gai. Bánh hấp chín, người ta lấy tăm tre xâu bánh thành từng đôi, treo lên sào nứa. Nhà nào cũng có vài sào bánh, qua Rằm ăn cũng chưa hết. Bánh để được lâu, cả chục ngày cũng không hỏng.

Người Nùng ăn Rằm vào ngày mười bốn, người Tày ăn Rằm vào ngày mười lăm. Từ ngày hôm trước, bản làng đã rậm rịch tiếng chày, tiếng cối. Nhà nhà sửa soạn cỗ bàn, làm bánh, làm bún. Trước là để thờ cúng tổ tiên, tạ ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, tạ ơn sơn thần thổ địa đã phù hộ cho bản làng được yên ổn làm ăn, sau là để đãi đằng nhau. Mấy ngày Tết, dân bản đến chơi nhà nhau, ăn bánh uống rượu. Khách mới đặt chân lên thang sàn, trong nhà mâm rượu đã được bày ra. Chủ khách cùng ngồi vào mâm. Bát rượu được chuyền tay nhau, cạn lại rót. Mâm cỗ ngày Rằm bao giờ cũng phải có thịt vịt. Đầu mùa cày, nhà nào cũng mua vịt con về thả đồng, ít thì dăm bảy cặp, nhiều thì vài mươi đôi. Đến Rằm là vừa nên thịt. Vịt ăn giun dế, tôm tép, cua ốc ngoài đồng nên thịt ngọt và chắc. Vịt được chế biến thành nhiều món: vịt quay, vịt luộc, vịt xáo măng, canh thịt vịt nấu măng chua, bún thịt vịt. Mọi người cùng ăn uống vui vẻ. Lần lượt nhà này đến nhà khác. Bản làng vui đến đêm khuya

Ngày Rằm tháng Bảy, những đôi vợ chồng trẻ lại đưa nhau về bên ngoại. Chàng trai đem theo chai rượu, một tay nải bánh gai, một cặp vịt béo để tết bố mẹ vợ. Phong tục xưa nay là thế. Cô gái địu con, tay cầm ô che, gương mặt tràn đầy hạnh phúc đi bên chồng. Lên nhà, chàng rể cung kính đưa đồ lễ, nói lời biết ơn cha mẹ, rằng con mới học làm học ăn, như đang nhóm lửa trên nước, chỉ có cái bánh nhỏ, chai rượu nhạt, con vịt gầy mong bố mẹ nhận cho. Bà mẹ vợ tíu tít bên con gái và nựng nịu cháu ngoại nhưng vẫn không quên trách chàng rể, rằng tay trái tay phải cũng là tay, con rể con trai cũng là con, sao còn bày vẽ quà bánh làm gì để đường xa thêm vất vả. Con gái, con rể ở lại ăn cơm uống rượu, hôm sau mới về. Bà mẹ bao giờ cũng thu xếp gói ghém thịt thà bánh trái cho con gái đem về, gọi là có chút quà biếu ông bà thông gia bên ấy. Người con gái theo chồng bước đi, bụng cứ thắc thỏm, mong lại có ngày  được về thăm cha  mẹ.

Hoàng Minh Sơn


Ý kiến bạn đọc