Multimedia Đọc Báo in

Tượng cổng làng trong tín ngưỡng của người Xê Đăng

21:01, 22/09/2012

Tượng cổng làng của đồng bào Xê Đăng ở Trà My (Quảng Nam) không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mà còn mang đậm sức sống của cả cộng đồng người, tạo thêm niềm tin yêu về cuộc sống an lành và hạnh phúc...  

Hai tượng cổng làng của người Xê Đăng đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam.
Hai tượng cổng làng của người Xê Đăng đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam.

Hiện nay đồng bào dân tộc Xê Đăng vùng núi Quảng Nam sinh sống chủ yếu tại ba xã: Trà Cang, Trà Nam và Trà Linh; ngoài ra ở các xã: Trà Vân, Trà Tập huyện Nam Trà My cũng có  đông người Xê Đăng sinh sống.

Cuộc sống của đồng bào Xê Đăng chủ yếu dựa vào các thung lũng ruộng bậc thang và canh tác nương rẫy. Là một cộng đồng dân cư sinh hoạt trong các làng bản còn chậm phát triển, nên người Xê Đăng có nhiều lễ thức tín ngưỡng dân gian để cầu mong các thần linh, ma tốt, ông bà tổ tiên phù hộ mùa màng tươi tốt, che chở cho cuộc sống được yên lành, no đủ, mọi người sống hòa thuận đoàn kết... Theo phong tục tập quán cổ truyền, đồng bào Xê Đăng ở huyện Nam Trà My thường sống thành từng nóc (plơi). Mỗi nóc có thể từ 12 đến 15 hộ gia đình (là anh em, họ hàng) cùng quần cư bên nhau ở lưng chừng những sườn núi cao thành một làng. Trước cổng làng của người Xê Đăng bao giờ cũng có một cặp tượng hình người được gọi là tiên lây.

Còn nhớ, vào năm 2005, lần đầu tiên tôi đặt chân đến làng Măng Tó (thôn 2), xã Trà Cang, huyện Nam Trà My (Quảng Nam), vừa bước đến cổng làng chúng tôi đã rất bất ngờ khi nhìn thấy hai pho tượng được tạc rất đơn sơ hình người nộm có vẻ mặt như đe dọa. Tượng được làm từ một thân cây rừng mọc rất nhiều ở vùng này, thể hiện một nhân vật không có chân; đôi tay được làm bằng tre gắn vào thân cây dớn (thuộc họ dương xỉ), một tay cầm gươm, một tay cầm chiếc khiên tre. Gương mặt hai pho tượng trông khá dữ tợn, mắt trợn tròn, miệng nhe răng lởm chởm (những chiếc răng được lấy từ bộ răng của con chó gắn vào) gây ấn tượng mạnh. Hai bức tượng này là tác phẩm nghệ thuật do chính tay người dân trong làng thể hiện. Chỉ bằng con dao nhọn và chiếc mác bén ngọt, những thân cây dớn được chặt từ rừng mang về được đẽo gọt với những nhát gọt chính xác, dứt khoát, không chi tiết cầu kỳ tạo cho tượng cổng làng mang tính biểu tượng cao.

Tượng cổng làng được người Xê Đăng xem như một vị thần bảo vệ làng, chống lại các thế lực tà ma quấy nhiễu và cũng là một biểu tượng cho sức mạnh của làng. Hằng năm, vào mùa xuân người Xê Đăng sửa chữa và làm lễ cúng máng nước, trong nghi thức lễ cúng sẽ giết một con chó lấy máu đổ vào nguồn nước tại bến nước của làng và lấy nước đó đem về chế biến để làm mâm lễ cúng thần làng. Người Xê Đăng quan niệm con chó là con vật gắn bó và giúp bảo vệ nhà cửa, báo hiệu có sự xâm nhập từ bên ngoài vào làng nên trong khi thực hiện nghi lễ cúng thần làng, máu của con chó được già làng lấy bôi vào tượng cổng làng. Riêng bộ răng của con chó, sau khi thực hiện xong nghi lễ cũng được người chủ lễ cắm xuống đất ngay chỗ đặt tượng cổng làng.

Có thể nói, những vị thần linh trong đó có tượng cổng làng được họ xem như một vị thần bảo vệ làng từ lâu đã chi phối đời sống tâm linh cũng như quan niệm sống của cộng đồng người Xê Đăng. Và tượng cổng làng luôn mãi là hình ảnh in đậm dấu ấn và trường tồn trong tâm thức của cộng đồng dân tộc Xê Đăng nơi đây...

Nguyễn Văn Gia Phúc 


Ý kiến bạn đọc