Biểu tượng Gơr-ố trong tâm thức người Cor
Người Cor có nhiều loại cột để buộc con trâu hiến tế trong các ngày lễ lớn của buôn làng, cộng đồng. Cột phướn là loại cột quan trọng nhất với nhiều bộ phận, nhiều họa tiết hoa văn sinh động. Trên lavat-một thành tố của cây cột phướn-được treo trên cao, chính giữa quãng gian khách trong nhà của gia chủ có trâu hiến tế, có nhiều mô típ trang trí với nhiều màu sắc lạ mắt. Người Cor thường dùng bốn màu: đen, trắng, đỏ, xanh để trang trí cho cây cột đâm trâu (Gơr-ố) của dân tộc mình.
Những già làng Cor am hiểu phong tục-tập quán đang trang trí cho cây nêu (Gờr-ố) chuẩn bị cho lễ hội truyền thống của làng. |
Cũng như bao dân tộc anh em khác sinh sống trên vùng Trường Sơn-Tây Nguyên, người Cor vùng núi Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) khi đã thu hoạch lúa mùa xong (vào độ tháng 10 tháng 11), lúa được đem phơi khô cất vào nhà kho, thường tổ chức nhiều lễ hội truyền thống tưng bừng như: Lễ ăn mừng lúa mới (Xa-pa-nưu), Lễ ăn mừng nhà mới (Xa-như-ra-vát), Lễ ăn trâu huê (Xa-ô-piêu), Tết mùa (Xa-aní)... để cúng và cầu thần linh, ma tốt (Ka-mút-láep), ông bà, tổ tiên... phù hộ dân làng, cộng đồng luôn được khỏe mạnh, đoàn kết, mùa màng tươi tốt...Khi người Cor tổ chức các lễ hội trên, nhất là trong dịp ăn trâu huê, họ đều làm cột đâm trâu (Gơr-ố). Lễ ăn trâu huê thường được tổ chức tại nhà làng (lễ này do làng tổ chức), tổ chức tại nhà riêng (nếu gia đình giàu có muốn làm). Lễ ăn trâu huê là do Hội đồng già làng quyết định và thường được tổ chức từ 5 đến 9 ngày đêm. Ngày nay, không gian, thời gian diễn ra lễ hội ăn trâu huê của người Cor cơ bản cũng không có gì thay đổi so với trước. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà tổ chức lễ lớn hay nhỏ và thời gian cũng giảm còn từ 3 đến 5 ngày.
Trước khi diễn ra lễ ăn trâu huê, Hội đồng già làng họp tại nhà làng và thống nhất ngày, giờ tổ chức. Tại đây, họ phân công các thành viên, nhất là những thanh niên khỏe mạnh vào rừng tìm cây về làm cột đâm trâu. Cây gỗ được chọn phải là cây gỗ chò, không bị kiến, chim đục lỗ, không bị dây leo bò quanh, đường kính khoảng 3 gang tay, dài khoảng 5 đến 8m. Theo giải thích của một số người lớn tuổi dân tộc Cor am hiểu về phong tục tập quán của người Cor ở huyện Bắc Trà My: “Sở dĩ chọn gỗ cây chò là vì cây rất chắc, biểu tượng cho sự cứng cáp, sức mạnh, dẻo dai của người Cor”.
Cây nêu của người Cor có độ cao từ 5m đến 6m với nhiều họa tiết điêu khắc trang trí hoa văn sinh động. Người Cor thường dựng cột đâm trâu ở ngoài sân, cột đâm trâu bao giờ cũng chia làm ba phần, mỗi phần có cách trang trí, điêu khắc, chạm trổ khác nhau. Phần quan trọng nhất ở giữa của thân cột được người Cor tập trung để tạo thành hệ thống các dãy hoa văn liên tục, được hình học hóa. Các chấm tròn màu xanh, đỏ, đen tượng trưng cho các ngôi sao xuất hiện đều khắp ở giữa. Vòng tròn màu đỏ có hình dáng lớn hơn được dùng để làm biểu tượng của mặt trời, còn các vòng đen nhỏ hơn là biểu tượng của mặt trăng được trang trí qua trục thân gỗ. Chính vì vậy khi người Cor thực hiện việc dựng cột đâm trâu, bao giờ cũng dựng vào buổi sáng. Và với yếu tố này hình vẽ mặt trời bao giờ cũng quay về hướng đông.
Ngoài ra, người Cor còn lấy hình tượng của núi rừng (Đoót), ché rượu (Taluốt-Alóôc), hạt cườm (Dhú-ốch), hàng rào (Taan-paga), các ngôi sao (Xo-lóc), con sóc (Kà-róc)... để trang trí lên cột đâm trâu mỗi khi làng, cộng đồng của họ có mùa lễ hội. Người Cor quan niệm rằng: Hình ảnh của núi rừng là ngôi nhà chung, là người bạn, là sự sống của người Cor trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Họ lấy hình ảnh của núi rừng trang trí trên cột đâm trâu như để thể hiện sự gắn bó thủy chung của cộng đồng người Cor đối với môi trường núi rừng. Hình ảnh núi rừng nơi mà họ sinh sống luôn phải đi kèm với hạt cườm. Rừng núi là nơi để họ làm ra nhiều của cải, vật chất... Hình ảnh hàng rào trên cây cột đâm trâu như là để ngăn cản, con sóc biểu tượng như một dũng sĩ để giữ không cho ma xấu (Ka-mút-xâu) vào chỗ cây cột đâm trâu ăn trâu huê phá rẫy.
Một trong những trang trí đặc sắc của người Cor là các Gu làm bằng gỗ Bút. Người Cor thường dùng các Gu để trang trí mâm thần - đoạn giữa cột đâm trâu. Mâm gỗ này cũng được trang trí nhiều họa tiết, hoa văn, hình vẽ tương đối đa dạng và phong phú. Xung quanh mâm gỗ này, họ đục lỗ cho xuyên để buộc các dãy bông được làm bằng vỏ cây nhuộm màu trông rất đẹp. Mỗi tấm Gu là một trong những tác phẩm nghệ thuật của những đàn ông Cor khéo tay. Trên các mặt Gu là một thảm hoa văn mô tả cuộc sống thực vùng người Cor sinh sống và phản ánh quan niệm về các thần linh. Ngoài ra còn có nhiều Gu trang trí bởi những hoa văn hình học, tứ giác, đường vuông góc. Nhiều hình vẽ trên Gu còn khắc họa đặc điểm xứ sở của người Cor như cây chò, cây quế mặt trăng, cầu vồng... Hầu hết các môtíp trên là những biến thể khiến ta liên tưởng đến hoa văn trên hình trống đồng Đông Sơn. Hình ảnh ché rượu, các ngôi sao trên trời là biểu hiện những thần linh, ông bà, tổ tiên ở trên cao về dự ăn trâu huê cùng dân làng và thấu hiểu nỗi khổ của dân làng mà luôn đem lại hạnh phúc, của cải, mùa màng tốt tươi, rẫy nương không bị chim, thú rừng phá hoại...
Đặc biệt, trên đỉnh của cột đâm trâu có cấu tạo phức tạp hơn, có biểu tượng một búp chuối rừng (Róc-Prết). Bốn góc xung quanh nơi tiếp giáp giữa búp chuối được gắn bằng bốn thanh gỗ dáng hình lưỡi dao có mũi cong, đi kèm các dao này cũng treo nhiều tua bông bằng vỏ cây có nhuộm màu rất đẹp. Trên đỉnh còn có biểu tượng một con chim chèo bẻo. Trong tâm thức của người Cor, chim chèo bẻo là loài chim luôn gần gũi như người bạn và là vua của các loài chim, nên họ không ngần ngại đặt nó lên chỗ cao nhất như giữ để không cho các loại ma xấu vào cột ăn trâu huê phá hoại. Biểu tượng của búp chuối mỗi ngày luôn trổ hoa, đấy là tâm điểm biểu hiện tấm lòng của cộng đồng người Cor với các thần linh, ông bà, tổ tiên họ...
Mặc dù đã tổ chức ăn trâu huê xong nhưng người Cor không hạ cây cột đâm trâu xuống mà vẫn để cho đến khi cây mục, hư mới thôi. Theo họ giải thích: Sở dĩ để cây cột đâm trâu như vậy là để cho các ma tốt, thần linh, ông bà, tổ tiên... làm nơi cư ngụ. Họ xem cột đâm trâu như biểu tượng của sợi dây tâm linh để nối con người với ma tốt, thần linh, ông bà, tổ tiên... ngày một thêm gần gũi hơn; để tổ tiên có điều kiện quan sát cuộc sống hằng ngày của buôn làng, phù hộ dân làng không bị ốm đau, bệnh tật, mùa màng tốt tươi, dân làng luôn được no đủ, buôn làng luôn đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau. Người Cor cũng cho rằng, nguyên nhân họ để cột đâm trâu mãi là để cho thần linh, ma tốt, ông bà, tổ tiên họ biết làng đã tổ chức ăn trâu huê xong. Việc giữ lại cây cột đâm trâu còn là hình thức giáo dục, dạy bảo con cháu họ không quên về ông bà, tổ tiên, về cội nguồn của dân tộc đã sinh sống lâu đời trên vùng Trường Sơn-Tây Nguyên này.
Nguyễn Văn Sơn
Ý kiến bạn đọc