Lễ mừng cơm mới của người La Chí
Lễ mừng cơm mới của các dân tộc thiểu số Lào Cai có từ lâu đời. Đây là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của hầu hết đồng bào vùng cao, trong đó có người La Chí. Mặc dù ngày nay đời sống vật chất, tinh thần có nhiều đổi mới, song họ vẫn còn giữ nguyên nét đẹp truyền thống mang đậm đà bản sắc tộc người.
Lễ mừng cơm mới của người La Chí diễn ra vào thời điểm khi những nương lúa hè thu bắt đầu chín rộ. Mục đích của lễ ăn mừng cơm mới là mừng một mùa bội thu, người ta làm cơm mới để cúng báo tổ tiên, tạ ơn trời đất... Họ thường chọn ngày con rồng (ngày Thìn) để tổ chức lễ mừng.
Trước khi làm lễ, người ta ra nương gặt lúa nếp (loại bánh tẻ) mang về luộc cả rơm, rồi tuốt lấy hạt thóc đem rang khô, cho vào cối giã thành gạo rồi vo sạch trộn với nước tro của lá cây rừng cho vào chõ đồ chín thành cơm (cơm xôi khi chín có các màu tím, vàng, đỏ). Mâm cúng ngoài cơm xôi còn thịt trâu sấy khô, thịt lợn hoặc gà, vịt luộc, cá suối nướng, chim nướng cùng với 5 chiếc bát, 5 đôi đũa và tiền vàng mã...
Khi các món ăn đã chế biến xong, chủ nhà bày lên chiếc mâm đặt trước bàn thờ tổ tiên (có gia đình làm lễ tại nương). Trong buổi lễ, người phụ nữ cao tuổi mặc trang phục truyền thống chỉnh tề đóng vai "Mẹ lúa" dâng lễ cúng. Bà mẹ lúa tiến hành nghi lễ gặt lúa tượng trưng, diễn tả động tác gặt lúa, giã gạo và lẩm nhẩm cúng khấn. Ý nghĩa của bài cúng là nhờ có tổ tiên dạy bảo biết làm ra hạt gạo nuôi sống con người, hôm nay gia đình làm cơm mới mời tổ tiên, thần lúa, thần gạo... chứng kiến lòng thành, phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, sản xuất được nhiều lúa gạo. Trong lễ mừng cơm mới, các nam thanh, nữ tú còn thi hát giao duyên, hát đối đáp và chơi các trò chơi bập bênh, đu đôi nam nữ.
Nguồn QuehuongOnline
Ý kiến bạn đọc