Tục xoái rượu: nghi thức tín ngưỡng đẹp của người Cor
Người dân tộc Cor mỗi khi có việc quan trọng như: lễ ăn mừng lúa mới (Xa-pa-nưu), ăn mừng nhà mới (Xa-như-ra-vát), lễ hội ăn trâu huê (Xa-ố-piêu), Tết mùa (Xa-a-ní), lễ cúng thần linh, ma tốt (Ka-mút-láep), ông bà, tổ tiên... thì đều có tục xoái rượu (người Cor gọi là rượu phép và gọi là nghi lễ xoái rượu). Đây là một hình thức làm rượu phép để mời ông bà tổ tiên về dự lễ, hòa chung vui cùng dân làng.
Một gia đình dân tộc Cor chuẩn bị mâm lễ xoái rượu. |
Theo truyền thống, người Cor làm rượu phép ngay tại giữa nhà hoặc cạnh bếp thiêng (tùy thuộc vào mỗi lễ). Khi có việc thì gia đình, dân làng sửa soạn một mâm cơm đem đặt giữa nhà hoặc ngay trước sân nhà. Tùy hoàn cảnh gia đình, làng mà trong mâm cơm đó có những lễ vật khác nhau: có khi là thịt gà, thịt heo, những con thú rừng săn được, đôi khi còn làm thịt trâu... nhưng cũng có khi chỉ có vài con cá niêng, cá trắng bắt được ở sông, suối, một ít măng rừng, một ít rau dớn, cơm xôi trắng... Và đặc biệt là phải có rượu. Rượu được rót sẵn trong cốc và đặt chung quanh mâm. Có bao nhiêu người dự làm lễ xoái rượu phép là có bấy nhiêu chén rượu, bấy nhiêu bát cơm cùng với bánh lá đoót và trầu cau tất cả dâng lên cúng mời thần linh, ma tốt, ông bà, tổ tiên... về ăn, phù hộ người Cor được khỏe mạnh, nương rẫy cho nhiều lúa, nhiều nếp.
Những người được mời tham gia tục xoái rượu gồm: người chủ gia đình, người có tuổi trong dòng họ, các con cháu trong gia đình. Khi mọi người đã quây quần quanh mâm cơm, người chủ gia đình mời mọi người cùng nâng chén và cất lời khấn ông bà tổ tiên, mời ông bà tổ tiên về dự lễ. Theo quan niệm, trong buổi lễ xoái rượu nếu có khách đến thăm, người Cor xem đó là một hồng phúc của gia đình. Người khách cũng được mời ngồi vào mâm bên cạnh người chủ gia đình. Sau lễ xoái rượu phép, mọi người cùng nâng chén. Người chủ nhà mời người lớn tuổi trước, rồi mời khách và những người khác. Mọi người cũng mời lại chủ nhà rồi cùng uống cạn chén rượu phép; tất cả cùng ăn chung những thức ăn trong mâm. Sau bữa ăn có thể còn có múa ka đấu, cồng chiêng và cả những làn điệu dân ca Agiới, X'nu truyền thống để ngợi ca cảnh đẹp của thiên nhiên, núi rừng, sông suối, sự tươi tốt của mùa màng, công đức của các bậc tiền nhân... Lúc này đây, mọi người như quên đi cực nhọc, lo toan của cuộc sống đời thường, để chung vui bên bếp lửa bập bùng.
Tục xoái rượu của người Cor là một phong tục đẹp, tuy chỉ là một nghi thức tín ngưỡng dân gian đơn giản nhưng mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn của người sau đối với người đi trước, là đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Nguyễn Văn Sơn
Ý kiến bạn đọc