Multimedia Đọc Báo in

Hôn nhân và lễ vật trong cưới xin của người Xê Đăng ở Nam Trà My

14:29, 02/11/2012

Người Xê Đăng quan niệm nam nữ chỉ thực sự trưởng thành khi đã thực hiện được cưa răng và đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành bằng nghi lễ thành đinh. Sau nghi lễ này, cá nhân thực sự trở thành thành viên chính thức, cùng chia sẻ những quyền lợi cũng như nghĩa vụ đối với gia đình, dòng họ, bản làng, và đó cũng là điều kiện tiên quyết để được quyền thiết lập quan hệ hôn nhân.

Tiêu chuẩn nên vợ, nên chồng của người Xê Đăng chưa phải là sắc đẹp, cũng không phải là môn đăng hộ đối, mà là người chăm chỉ lao động, có sức khỏe; gái giỏi làm rẫy, dệt vải, trai tài gan dạ, săn bắn trong chiến đấu. Đó là những chàng trai vắng nơi ăn uống, lại thường có mặt nơi việc chung của làng, xà nhà chàng xếp đầy thú, bếp nhà chàng xếp đầy xương cá to, đồ sắt chàng rèn, cuốc bén, rựa sắt, dao như có mặt, rựa như có mũi, móng  tay chàng mòn vì đan những chiếc gùi cho em. Đó là những cô gái  đi xúc cá văng đá lên bờ, phát rẫy văng cây văng cành xuống núi hay nhà em lúa đầy bồ, đàn heo nung núc... Qua những buổi lao động, vui chơi giải trí, ý đầu tâm hợp, họ về ngỏ ý với bố mẹ. Thông thường bố mẹ đồng tình và quyết định việc hôn nhân.

Đến lúc đó, theo sự thỏa thuận của hai bên, nhà trai hay nhà gái có quyền đón cặp vợ chồng mới về nhà mình. Có khi, do ít lao động, cha mẹ già cả, có thể nhà gái đề nghị cho người con trai đến ở rể hoặc ngược lại, nhà trai xin người con gái đến làm dâu vĩnh viễn. Thông thường, cặp vợ chồng cư trú bên nhà trai một thời gian rồi chuyển sang bên nhà gái và trình tự đó cứ tiếp tục. Thời gian của mỗi bên thường từ 3-5 năm.

Cồng chiêng vừa là  vật thiêng trong  lễ hội,  vừa là sính lễ không thể thiếu  của người Xê Đăng.     Ảnh: T.L
Cồng chiêng vừa là vật thiêng trong lễ hội, vừa là sính lễ không thể thiếu của người Xê Đăng. Ảnh: T.L

Người Xê Đăng ở Nam Trà My (Quảng Nam) đang ở giai đoạn quá độ từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ (tàn dư của chế độ mẫu hệ ở đây không đậm nét). Vì vậy trong hôn nhân đã có tục nhà gái thách cưới nhà trai. Trong những lễ vật mà nhà gái thách cưới thì chiêng, ché là không thể thiếu, thậm chí có một vị trí hết sức quan trọng, bởi nó vừa mang giá trị vật chất, vừa mang giá trị tinh thần to lớn. Với tư cách là một vật thể, một sản phẩm thủ công đắt tiền, chiêng trở thành của hồi môn của cha mẹ. Với tư cách là một vật thiêng, đôi vợ chồng ấy sẽ được thần linh phù trợ, giúp đỡ “con đàn cháu đống, thóc lúa đầy gùi”. Đồng thời, cồng chiêng khẳng định uy tín của gia đình, dòng tộc, nên khi nhà gái thách cưới nhà trai cồng chiêng chứng tỏ họ đã quan tâm đến khả năng tài chính, mức độ uy tín, quyền lực của họ nhà trai... Việc không có chiêng, ché như được đặt ngang hàng với việc không có nhà có cửa, tức không có mảnh đất cắm dùi. Nói như vậy để thấy rằng, chiêng, ché có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần, trong tâm thức của đồng bào. Nói người con trai không chiêng, không ché chẳng qua là cách nói tượng trưng cho sự thiếu thốn về tài sản, vật chất. Nhưng tại sao không nói là trâu, là bò hay bất cứ thứ gì khác? Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà nó do chính chức năng của bản thân cồng chiêng quy định.

Tục cưới xin của nhiều dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên thường tuân thủ theo mô thức thuận chiều và dây chuyền. Chiêng ché cứ lòng vòng qua lại giữa hai họ trai và gái, cho nên người ta không tiếc của, tiếc chiêng, tiếc cồng trong trường hợp lễ vật thách cưới.  Người Xê Đăng lại thích lấy kiểu đổi chiều hơn. Điều này có thể là do ảnh hưởng của nguyên tắc hôn nhân lưỡng hợp (các thành viên trong cùng một thị tộc, do cùng chung huyết thống nên không thể có quan hệ hôn nhân với nhau, mà hôn nhân chỉ được tiến hành bằng cách trao đổi đàn ông và đàn bà giữa hai thị tộc). Nguyên tắc hôn nhân chủ yếu của người Xê Đăng phản ánh quá độ từ hôn nhân lưỡng hợp chuyển sang hôn nhân tam hợp (hôn nhân tam hợp là trai gái hợp nhau và được sự đồng ý của hai bên gia đình), không chấp nhận hôn nhân của những người cùng huyết thống. Dù bị chi phối bởi nguyên tắc đó nhưng người Xê Đăng vẫn giữ phong tục lễ vật cưới vợ hay của hồi môn cho con cái khi xây dựng gia đình. Trong đó, cồng chiêng không những chỉ là vật thiêng trong những lễ hội, những nghi thức của dân làng mà trong hành trình phát triển cộng đồng, cồng chiêng đã trở thành sính lễ để tạo nên những mối tình trăm năm.

Nguyễn Huy Khuyến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.