Multimedia Đọc Báo in

Đặc sắc Lễ hội Bunpimay của người Lào tại Buôn Đôn

15:43, 28/04/2014
Về buôn Trí A, Trí B, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) trong những ngày giữa tháng 4, đến thăm nhà của những người Việt gốc Lào, đâu đâu người ta cũng cảm nhận được một không khí vui tươi khi mọi người đang háo hức đón Tết Bunpimay – Bunhot Nậm, Hội Té nước mừng năm mới của dân tộc mình, ngay trên quê hương Việt Nam.
 
Đảo Sênô, nơi người dân tập trung tổ chức ngày Tết, được trang trí rất bài bản và mọi người đã có mặt từ sáng sớm. Góp vui với họ là những người dân thuộc đồng bào Êđê, M’nông, Thái… trong trang phục truyền thống. Xúng xính trong bộ đồ Sinh, trang phục truyền thống của người Lào, chị Sảo Bun Hồ Lào, buôn Trí A hào hứng: Trong những ngày qua chị cùng mọi người trong gia đình đã chuẩn bị mọi thứ cho ngày lễ quan trọng nhất của dân tộc mình, từ may trang phục, đến chuẩn bị nước tắm Phật, làm món lạp… Năm nay, Lễ hội dân gian mừng năm mới Bunpimay – Lào 2014, đã được Ban Tổ chức chuẩn bị rất chu đáo, Lễ hội được các sư thầy thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam về chủ trì. Buổi lễ được bắt đầu bằng những lời kinh “Buột suột loi ka thông Pi mày” (Kinh thả hoa đăng năm mới). Một sợi chỉ trắng được buộc từ bàn tay của bức tượng Phật, nối dài qua tay của các sư thầy đang đọc kinh, như một lời phát nguyện cầu chúc bình an đến mọi người. Sau đó, mọi người kính cẩn mang từng đèn hoa đăng xuống dòng sông Sêrêpôk với những lời cầu an và mong những điều phiền não trôi đi theo năm cũ đã qua. Tiếp đó, toàn thể bà con được nghe những lời cầu chúc nhân dịp năm mới theo nghi thức hành lễ dân gian của các bộ tộc Lào và tham gia Lễ tắm Phật. Từng đoàn người trật tự xếp hàng trước sau, thành tâm bước từng bước một lên và thực hiện nghi thức tắm Phật. Đại đức Thích Hải Định, chùa Hoa Lâm, TP. Buôn Ma Thuột, chủ trì buổi lễ cho biết: “Văn hóa của người Lào mang đậm tín ngưỡng Phật giáo nên chúng tôi rất hoan hỉ cùng tham gia chương trình này. Nó thể hiện tinh thần hòa hợp, đoàn kết và truyền thống, cũng như sự giao lưu văn hóa đối với các đồng bào dân tộc trên địa bàn”.
Nghi thức buộc chỉ cổ tay cầu phúc năm mới tại Lễ hội Bunphimay - Lào 2014.
Nghi thức buộc chỉ cổ tay cầu phúc năm mới tại Lễ hội Bunphimay - Lào 2014.

Sau nghi thức đắp tháp cát để cầu sức khỏe, hạnh phúc trong năm mới, tập quán buộc chỉ cổ tay, cầu phúc năm mới cho các vị khách cũng được mọi người hào hứng tham gia. Theo đó, người chủ trì buổi lễ, hoặc chủ nhà sẽ buộc vào cổ tay của người thân và khách một vòng chỉ với nhiều màu sắc, biểu tượng hạnh phúc, sức khỏe, may mắn, thành công… Sau ít nhất ba ngày vòng chỉ mới được tháo để điều may mắn đến với mọi người trong suốt cả năm. Còn với lễ té nước, những tiếng cười luôn rộn rã. Té nước là dịp để tỏ lòng tôn kính, yêu mến nhau với ước nguyện nước sẽ gột rửa điều xấu, bệnh tật và cầu chúc cho năm mới mạnh khỏe, tốt lành. Ai trúng nước càng nhiều thì càng may mắn. Bun Tha Nóm, sinh viên Lào tại Đại học Tây Nguyên, tâm sự: “Mình sống ở đây đã gần 5 năm, không có họ hàng hay người quen gì hết. Nhưng trong hai năm trở lại đây, mình cảm thấy rất vui vì các bác, anh chị của Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào đã tổ chức được ngày hội Bunpimay cho mình cùng bà con người Lào tại đây được chung vui”. Anh Khăm Kẹo Thana Sủn Thon, người Lào, hiện đang là giáo viên cấp III tại Cư Jút (tỉnh Dak Nông) cũng lặn lội đến với Buôn Đôn để tham dự lễ hội của dân tộc mình. Anh Khăm Kẹo chia sẻ: “Rất đáng mừng là trong hai năm nay, Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tại tỉnh Dak Lak đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được ngày lễ Bunpimay. Đây là một hoạt động rất ý nghĩa, nhắc nhở thế hệ trẻ của chúng tôi hôm nay tự hào, phát huy, kế thừa và giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các bộ tộc Lào đến với tất cả mọi người gần xa. Đặc biệt lễ hội năm nay so với năm ngoái đã đầy đủ và có nhiều nghi thức hơn, như: thả hoa đăng, mời sư thầy đến làm lễ khai kinh…”.

Hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn có hơn 250 khẩu là người Việt gốc Lào sinh sống, tập trung chủ yếu tại xã Krông Na. Việc tổ chức Lễ hội Bunpimay thể hiện sự tôn trọng phong tục, tập quán và góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của các bộ tộc Lào, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đây là việc làm thiết thực nhằm vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết Việt - Lào. Ông Y Thong Khăm Wiê Kdăm, Chủ tịch UBND xã Krông Na cho biết: Cộng đồng người Việt gốc Lào trên địa bàn những năm qua đã có rất nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay hơn 60% số hộ gia đình người Lào đã có mức sống khá giả trở lên. Chính quyền địa phương đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm để người dân trong đó có người Lào có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao cuộc sống.

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.