Buồn vui di sản
Hằng năm có thêm hàng loạt di tích, di sản được công nhận danh hiệu từ cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp… UNESCO, kéo theo lễ đón nhận rầm rộ trên các tỉnh, thành cả nước.
Xu hướng “di sản hóa” dẫn đến nhiều hệ quả - một mặt là sự khao khát danh hiệu, chạy theo và kiếm tìm sự tôn vinh danh hiệu; mặt khác di sản cũng đang được sử dụng như một thế mạnh và tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành du lịch hiện nay.
Vậy phải đối diện và giải quyết vấn đề này thế nào? Có thể nói, vấn đề nhận thức là điều phải thay đổi đầu tiên, trong đó quan trọng nhất là phải lưu ý và tôn trọng đến nguyên tắc đa dạng văn hóa các cộng đồng dân tộc. Sẽ không có chuyện nền văn hóa nào cao hơn hay thấp hơn và các di sản chưa được công nhận là không có giá trị. Không ít nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, chính bản thân quá trình công nhận danh hiệu cũng đã đi ngược lại với nguyên tắc tôn trọng sự đa dạng văn hóa. Nên nhớ những di sản không được công nhận cũng cần được bảo tồn và gìn giữ. Song, trên thực tế nhận thức này đang có những biểu hiện lệch lạc - ấy là cái gì được xếp hạng và công nhận, cái đó mới có giá trị. “Giá trị” đó được hiểu đơn thuần như một khối tài sản nhằm phục vụ mục tiêu phát triển của cộng đồng, đơn vị sở hữu. Vì thế mới có chuyện di sản biến dạng để đạt được “mục tiêu” với bất cứ giá nào là vấn đề nhức nhối đặt ra.
Đưa cồng chiêng tham gia Lễ hội đường phố góp phần làm cho di sản văn hóa này lan tỏa. |
Nhiều kiến nghị, đề xuất về vấn đề nhức nhối trên đã được các nhà khoa học, các chuyên gia đưa ra: Để di sản không biến dạng phải dựa trên hai nguyên tắc là dựa vào cộng đồng và tôn trọng quyền lựa chọn quyết định văn hóa của chủ thể (quyền biểu đạt, quyền tự do sáng tạo). Theo đó, có hai hình thức bảo tồn di sản là bảo tồn tĩnh và bảo tồn động. Hình thức thứ nhất là tư liệu hóa các loại hình văn hóa phi vật thể, bao gồm làm phim tư liệu, chụp ảnh, ghi âm rồi gìn giữ, trình chiếu và phổ biến. Hình thức thứ hai là gắn di sản với không gian, môi trường sống vốn có của nó. Tất nhiên, cả hai hình thức đều phức tạp và tốn kém như nhau. Song, trên thực tế, nhìn những gì đang diễn ra trên hình thức lẫn nội dung của các di sản cho thấy bảo tồn động có khả năng mang lại lợi ích kinh tế cho chủ thể tốt hơn. Tuy nhiên để có được nguồn lợi đó thì phải làm tốt công tác gìn giữ, bảo tồn - và đây là bài toán hết sức nan giải về phát triển kinh tế - xã hội, chứ không đơn thuần là một dự án phát triển. Bởi ở đâu cũng vậy, trong quá trình đó sẽ nảy sinh “mâu thuẫn” giữa chủ thể văn hóa với cơ quan quản lý nhà nước, giữa chủ thể với doanh nghiệp. Vì vậy, bản thân cộng đồng, đơn vị sở hữu di sản phải được giao quyền tổ chức, quản lý và vận hành quá trình đó một cách khoa học và hữu hiệu nhất. Tiếc là về việc này thì hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay chưa được định hình, hay nói đúng hơn là chưa có. Các nhà nghiên cứu vẫn còn tranh luận về các công cụ hướng dẫn bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Họ có những cách tiếp cận khác nhau và chưa tìm được tiếng nói chung trong việc chuẩn hóa các công cụ này.
Không ít nhà nghiên cứu văn hóa quan ngại đến việc xếp hạng và không xếp hạng di sản. Họ cho rằng đang có hiện tượng so bì về vấn đề này, bởi thông thường người ta xếp hạng cho các di sản có giá trị độc đáo, đặc sắc có nguy cơ mai một và biến mất khỏi đời sống xã hội. Mục đích ấy nhằm đánh thức, khuyến khích cộng đồng, khu vực, quốc gia nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ tài sản văn hóa của quá khứ. Bảo tồn để quảng bá, giới thiệu và tạo sự lan tỏa phục vụ cho phát triển thì không nói, vấn đề ở chỗ là mỗi nơi làm mỗi phách rất chung chung và khá mơ hồ, không theo nguyên tắc nào cả, trong đó theo công ước của UNESCO lại càng không, khiến nội hàm giá trị của di sản bị bóp méo, tổn thương.
Thẩm âm và chỉnh tiếng chiêng cho đúng là nguyên tắc của việc bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng. |
Theo Luật Di sản, di tích hay di sản được xếp hạng thành nhiều loại: lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, kiến trúc nghệ thuật và danh thắng… Chúng ta nên có cách ứng xử với từng loại, không thể áp dụng chung một công thức. Nếu không làm rõ được điều này thì những bất cập trong công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị của nó sẽ còn xảy ra, khiến dư luận bức xúc vẫn chưa có hồi kết! Tại sao? Thứ nhất, chúng ta đang vận dụng tư duy xây dựng cơ bản vào tư duy trùng tu. Thay vì “chữa trị”, người ta đang làm cái việc gọi là “đại phẫu thuật” di sản, trong đó vai trò của nghệ nhân, chuyên gia bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Có thể nói trùng tu đang được đánh đồng với xây dựng cơ bản thuần túy, kết cục là di sản bị “lột xác” khỏi bản chất đích thực. Thứ hai, xuất phát từ cách nghĩ và cho rằng di sản của mình (từng địa phương) giản đơn, nhỏ bé và kém lộng lẫy nên mới cố sức, thậm chí mải mê tôn tạo để nó được to đẹp hơn mà quên rằng giá trị lịch sử khách quan và giá trị văn hóa của di sản có được mới là điều cốt yếu. Cuối cùng là sự rắp tâm “thương mại hóa” di sản cũng là vấn nạn đang hoành hành ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước hiện nay. Có thể nói từ nhận thức về chủ trương, chính sách và cả sự đầu tư tiền bạc to lớn của Nhà nước, doanh nghiệp - người ta đã không ngần ngại biến di sản trở thành “thực đơn du lịch” để kiếm lợi nhuận.
rong thời gian qua, dư luận đã rất bất bình phản ứng trước hàng loạt di sản trên địa bàn cả nước bị biến dạng và méo mó về mặt giá trị lịch sử - văn hóa vì những lý do trên. Những Thành cổ Sơn Tây, Đình Mông Phụ, Thụy Phiêu, Đền Và và đặc biệt là Chùa Trăm Gian (Hà Nội), Đền cổ Ngu Nhuế, Đền Mẫu (Hưng Yên), Thành Tuyên Quang… đã thật sự trải qua những cuộc “giải phẫu” đau đớn, ngoài sức tưởng tượng. Bởi sau khi “giải phẫu” các di sản trên, cộng đồng người ở đó không còn nhận ra di sản của mình nữa. Có thể nói giữa bảo tồn và phá hủy là lằn ranh vô cùng mỏng manh, nhất là khi quá trình “di sản hóa” đang diễn ra như một phong trào, thậm chí là “căn bệnh” không thể cưỡng lại đang lan rộng trên địa bàn cả nước hiện nay. Và đây thực sự là một cảnh báo mà cộng đồng sở hữu di sản lẫn cơ quan có thẩm quyền công nhận nó không thể không lưu tâm.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc