Người nghệ nhân nặng lòng với buôn làng
Một chiều đầu tháng 3, tôi ghé thăm nhà nghệ nhân A Nol (78 tuổi, buôn Kon H’ring, xã Ea Hđing, huyện Cư M’gar), nơi còn lưu giữ lại nhiều nhạc cụ truyền thống của người Sê Đăng.
Trong căn nhà nhỏ, nghệ nhân A Nol bỏ dở công việc đan gùi của mình để tiếp khách bằng câu chuyện đầy trăn trở. Chiến tranh ác liệt đã làm cho người dân làng Kon H’ring (Kon Tum) của ông khi ấy đang sinh sống yên bình phải ly tán… Sau ngày 30-4-1975, người dân trong làng đã cùng nhau về dưới chân núi Cư Dliê Mnông (huyện Cư M’gar) thanh bình, lập nên một ngôi làng mới – buôn Kon H’ring bây giờ. Những tưởng cuộc sống cứ thế êm đềm trôi đi, nào ngờ vào một đêm mưa gió cuối đông của nhiều năm về trước, ngôi nhà rông duy nhất mà cả làng đã cất công xây dựng bỗng chốc bị cháy rụi và đổ sụp. Kể từ đó, lễ hội trong buôn dường như buồn hẳn, thiếu vắng đi một điều gì đó rất đỗi thân quen. Mất mát đó đối với người dân làng Kon H’ring là quá lớn.
Nghệ nhân A Nol đang thử chiêng. |
Ông A Nol trải lòng: “Nhà rông không còn nữa, mình không thể để tiếng chiêng, tiếng đàn Tơ rưng, Klông pút… bị im bặt ở Kon H’ring được. Phải dạy cho lũ trẻ trong buôn biết đánh chiêng, đánh đàn, biết múa để điệu chiêng, tiếng đàn, điệu múa còn được cất lên mãi ở Kon H’ring này”. Lúc đấy, tôi mới để ý trong căn nhà nhỏ của nghệ nhân để đầy những nhạc cụ của người Sê Đăng, trong đó có hai bộ chiêng quý mà ông cùng trưởng buôn A Nít theo chân những nhà quản lý văn hóa lặn lội sang Kon Tum mang về. Trăn trở trước việc tiếng chiêng bị mai một, ông cũng mở lớp dạy đánh chiêng cho trai trẻ trong buôn, nhờ vậy mà giờ Kon H’ring đã có thêm một đội chiêng trẻ. A Điệp, một thành viên của đội chiêng trẻ tâm sự: “Ngày trước, thấy người già trong làng đánh chiêng mình thích lắm. Sau này, nghệ nhân A Nol có mở lớp dạy chiêng mình và các bạn liền theo học, càng học càng thấy say sưa và giờ mình đã có thể tham gia cùng các nghệ nhân đi giao lưu, biểu diễn đánh chiêng khắp các tỉnh thành trên cả nước”.
Nghệ nhân A Nol đang chỉnh chiêng trong ngôi nhà của mình. |
Không chỉ là người duy nhất của buôn biết chỉnh chiêng, nghệ nhân A Nol còn đam mê chế tác đàn Tơ rưng, Klông pút và các nhạc cụ của người Sê Đăng, những nhạc cụ ấy giờ được để đầy trong căn nhà nhỏ của ông. Khi tôi ngỏ lời, ông liền đánh cho tôi nghe một bản đàn Tơ rưng đầy mê hoặc, khiến tôi cứ đắm chìm mãi vào những thang âm của tiếng đàn ấy. Ông bảo rằng âm thanh của đàn Tơ rưng mang lại cho người ta cảm giác thanh bình, yên ả, ta có thể cảm nhận được tiếng suối chảy và cả tiếng chim hót của núi rừng Tây Nguyên khi mỗi bản đàn được cất lên. Cũng theo lời ông, đàn Klông Pút chỉ dành riêng cho phụ nữ; người phụ nữ sẽ đứng ở cuối những ống tre dùng tay vỗ để âm thanh được vang ra. Và ở Kon H’ring này, chính ông cũng là người dạy những điệu múa truyền thống của người Sê Đăng cho chị em phụ nữ trong làng. Nhờ ông mà đội chiêng, đội múa của Kon H’ring được mời đi thi và biểu diễn ở rất nhiều nơi, không chỉ được nhiều người biết đến mà còn mang về những danh hiệu quý giá cho đội và cho cả buôn làng Kon H’ring.
Nguyễn Huyền
Ý kiến bạn đọc