Multimedia Đọc Báo in

Tục cúng giỗ cho người sống của đồng bào Nùng

13:58, 26/04/2017

Từ tỉnh Cao Bằng vào Đắk Lắk lập nghiệp từ năm 1980 đến nay, nhiều gia đình người Nùng ở xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) vẫn giữ được nhiều phong tục độc đáo, trong đó, phải kể đến tục cúng giỗ cho người sống.

Ông Hoàng Văn Pháo (SN 1960, ngụ tại thôn 5, xã Cư M’gar) cho hay: “Người Nùng không cúng giỗ cho người đã chết mà chỉ làm giỗ cho người còn sống. Lễ cúng giỗ cho người sống chính là một trong những dịp để con cái thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ”.

Theo quan niệm của người Nùng tại xã Cư M’gar, những người già khi bắt đầu bước sang tuổi 61, 73, 85 sẽ được con cháu tổ chức cúng giỗ. Những người được làm lễ cúng giỗ phải là người đã có gia đình, con cháu. Còn những người sống độc thân thì dù có sống trăm tuổi cũng không được trải qua lễ cúng giỗ. Bởi người Nùng cho rằng, những người này vẫn chưa “trưởng thành”. Ngày được con cháu chọn để cúng giỗ cũng chính là ngày sinh nhật của cha mẹ.

Tấm vải đen của con cái tặng cha mẹ trong lần cúng giỗ ở tuổi 85.
Tấm vải đen của con cái tặng cha mẹ trong lần cúng giỗ ở tuổi 85.

Trước ngày cúng giỗ, con cái dù sinh sống ở nơi đâu cũng phải tụ họp về nhà cha mẹ để họp gia đình, phân công nhau chuẩn bị lương thực, thực phẩm để bồi dưỡng sức khỏe cho cha mẹ. Các lễ vật để cúng giỗ cho người sống được lựa chọn kĩ lưỡng. Ông Pháo nói: “Tùy vào hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình mà lễ vật có thể lớn - nhỏ, nhiều - ít khác nhau. Tuy nhiên, không thể thiếu thịt heo quay, gà, xôi, bánh kẹo, hoa quả… Những lễ vật được chọn không chỉ đẹp mắt mà còn phải tươi sống để con cháu tạ ơn trời đất, thần linh phù hộ cho cha mẹ luôn khỏe mạnh, vui vẻ. Đặc biệt, các con của chủ lễ (người được làm giỗ) phải sắm cho cha mẹ một bộ quần áo mới để mặc trong ngày này. Nếu gia đình quá khó khăn, con cái sẽ chọn ra một bộ quần áo lành lặn nhất mang đi giặt sạch sẽ”.

 

“Tại thôn 5, người Nùng chiếm tỉ lệ tới 90%. Ngoài tục cúng giỗ cho người sống, người Nùng còn lưu giữ những làn điệu hát then, hát đối truyền thống của dân tộc nhiều năm nay. Cứ vào dịp đám cưới, tân gia… người già, thanh niên trong làng lại quây quần bên nhau để gửi đến bà con những điệu hát ngọt ngào. Ngoài ra, vào ngày mùng 6/6 (âm lịch) hằng năm, chính quyền địa phương tổ chức lễ hội Lồng Tồng để giúp người dân lưu giữ nét văn hóa truyền thống, trao đổi kinh nghiệm sản xuất” -

 

 
Ông Phan Thái Thuyên, Trưởng thôn 5, xã Cư M’gar

Sau khi đã chuẩn bị xong lễ vật, người nhà đi mời thầy cúng về làm lễ. Thầy cúng được chọn phải là người hiểu chữ Nho và có uy tín trong buôn làng. Lễ cúng sẽ được bắt đầu vào đêm sinh nhật của chủ lễ. Theo đó, thầy cúng có trách nhiệm thay mặt các con báo cáo tổ tiên và cầu chúc cho hồn không bỏ đi để chủ lễ được bình an, mạnh khỏe bên con cháu. Ngay khi kết thúc lễ cúng, con cháu và những người lớn tuổi trong làng sẽ quây quần bên nhau cùng âm thanh du dương của đàn tính và những điệu hát then.

Sau một đêm hát hò vui vẻ, con cháu của chủ lễ sẽ mời hàng xóm, bạn bè đến ăn uống, chung vui và chúc sức khỏe cho người được làm làm giỗ. Ông Hoàng Văn Làm (85 tuổi, bố của ông Pháo) chia sẻ: “Trong buổi sáng tổ chức ăn uống, những vị khách được mời đến thường lì xì tiền cùng những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho chủ lễ. Riêng các con sẽ tặng quà cho cha mẹ bằng một tấm vải (bức trướng – theo cách gọi của người Kinh) có ghi lời chúc. Theo phong tục, cha mẹ được làm giỗ ở tuổi 61 thì các con sẽ mua tấm vải đỏ để tặng; 73 tuổi vải vàng còn 85 tuổi là vải đen. Với những gia đình có điều kiện thì kể từ năm 61 tuổi, năm nào cũng cúng giỗ cho cha mẹ. Những người già càng được làm giỗ nhiều khi còn sống thì càng nhiều phúc đức”.

Mỗi lần được làm giỗ, chủ lễ cảm thấy rất hạnh phúc, tự hào khi nhận được những lời chúc tốt đẹp từ con cháu và bà con hàng xóm. Đó chính là động lực để họ cố gắng sống vui vẻ, khỏe mạnh.

Hồng Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.