Cha, con và cây đàn tính
Trải chiếu trước sân nhà, ông Nguyễn Công Điềm (49 tuổi) cùng người con trai Nguyễn Công Lịch (21 tuổi) hòa mình vào nhịp đàn tính, cất lên điệu hát then bay bổng.
Hình ảnh ấy đã trở nên quen thuộc với người dân ở thôn Thanh Xuân, xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc). Điệu đàn tính, tiếng hát then từ quê hương Cao Bằng đã “sống” trên vùng đất Tây Nguyên theo cách tự nhiên như thế…
Năm 1999, xã Ea Kênh tổ chức chương trình “Hội Nông dân đua tài”, người thôn trưởng trẻ tuổi Nguyễn Công Điềm đã nghĩ ngay đến loại hình nghệ thuật tiêu biểu của văn hóa vùng Tây Bắc là đàn tính, hát then để mang đi dự thi. Nghĩ là làm, ông đi xin quả bầu về làm đàn tính, rồi đến từng nhà vận động bà con tham gia tập luyện. Đội văn nghệ thôn Thanh Xuân ra đời như thế.
Ông Điềm kể: “Hồi đó biểu diễn bài “Pắc Pó làng Sen” trông mộc mạc lắm, không có ai là nghệ nhân chuyên nghiệp cả, thế mà đi thi ở đâu là thắng giải cao đến đó. Từ khi thành lập đội văn nghệ, cuộc sống lập nghiệp của chúng tôi nơi vùng đất mới tuy khó khăn nhưng khi rời cái cuốc, cái liềm là cầm ngay cây đàn. Thậm chí, trời mưa đường lầy lội vẫn đến nhà nhau tập luyện”. Nhưng cũng theo lời ông Điềm, phong trào đàn tính, hát then của thôn nay đã lắng xuống, không mấy ai nhiệt huyết với loại hình nghệ thuật cổ này.
Ông Nguyễn Công Điềm và con trai Nguyễn Công Lịch cùng chơi đàn tính. |
Tâm tư của ông Điềm như vơi bớt phần nào khi nhắc đến người con trai của ông được nuôi dưỡng trong mạch ngầm đam mê của cha, ngay từ nhỏ chàng trai trẻ Nguyễn Công Lịch (con ông Điềm) đã có tình yêu mãnh liệt với đàn tính, hát then cũng như các loại nhạc cụ. Ngày nào cũng nghe cha đàn hát, Lịch biết đàn, biết hát từ khi nào không biết. Khi rảnh, Lịch lại lên rừng chặt nứa về làm sáo, tìm quả bầu khô và cây thừng mực về làm cán đàn. “Sáo thì em thấy trên mạng họ bày sao em học theo, còn đàn em học ké của cha. Làm các nhạc cụ này không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và chút hiểu biết về nhạc lý”, Lịch hóm hỉnh nói.
Hiện là sinh viên Trường Đại học Thủy lợi cơ sở 2 tại TP. Hồ Chí Minh, Lịch đã có 2 năm làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn tính hát then thuộc Nhà văn hóa Sinh viên TP. Hồ Chí Minh. Lịch đã cùng Câu lạc bộ giành thứ hạng cao trong các cuộc thi như: giải Nhất (năm 2013, 2014) và giải Nhì (năm 2016, 2017) Liên hoan Giai điệu Lạc Hồng do Nhà văn hóa Sinh viên TP. Hồ Chí Minh tổ chức và giải Bạc thổi sáo cá nhân (năm 2016) cũng trong khuôn khổ liên hoan.
Với mong muốn gìn giữ loại hình văn hóa đặc sắc đàn tính hát then, mới đây Lịch đã thành lập Câu lạc bộ đàn tính, hát then của thôn Thanh Xuân gồm 9 thành viên, nhỏ tuổi nhất chỉ mới 11 tuổi, lớn tuổi nhất là 18 tuổi. “Em muốn truyền niềm đam mê đàn tính, hát then khi các bạn còn nhỏ tuổi. Lúc em ngỏ ý, các bạn đều rất hào hứng. Sau 3 tháng luyện tập chăm chỉ, các bạn đều đã đàn hát một số bài khá hay rồi”, Lịch hào hứng chia sẻ.
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc