Multimedia Đọc Báo in

Ea Kao – Hồ nước không bao giờ cạn

21:56, 04/06/2012

Cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 12 km về hướng đông nam, hồ Ea Kao như một biển nước mênh mông, vây quanh là núi đồi trùng điệp cùng những buôn làng yên bình, tạo nên bức tranh thủy mặc hữu tình bên cạnh  một thành phố ồn ào náo nhiệt.

Lạc giữa miền cổ tích

Như người du khảo sướng vui khi phát hiện được những mỏ quặng lộ thiên đầy quý báu, đến với hồ Ea Kao, được nghe các già làng trong vùng kể những câu chuyện thần kỳ về vùng đất này, chúng tôi cứ miên man, miên man như đi giữa hoang hoải của miền cổ tích.

Hồ Ea Kao theo tiếng của người Êđê nghĩa là hồ nước không bao giờ cạn (ea: nước, kao: không bao giờ cạn), được hình thành từ việc chặn các dòng suối Ea Knin, Ea Kao, Ea Chăt, Cư Mblim… để xây dựng nên công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho những cánh đồng trong vùng. Xung quanh các dòng suối này có biết bao truyền thuyết, sự tích về mỗi địa danh được truyền từ đời này sang đời nọ. Đây là đoạn suối uốn khúc của dòng Ea Knin có tên gọi Ktơng Zông (nơi những chiếc rìu bị rơi) bởi tại nơi này đã có biết bao chiếc rìu của người đi rừng chặt gỗ bị rơi xuống một cách bí ẩn mà không tìm thấy được – như sự trừng phạt của Giàng vì đã chặt phá cây rừng. Kia là đoạn suối Ktơng Tlư (khu vực có ma lai) có tiếng là linh thiêng và cũng là nỗi khiếp sợ cho những ai đi săn bắn, hái lượm quả rừng, bắt cá mà không may lạc vào đoạn suối này… Rồi câu chuyện về quả đồi có tên Cư Mblim là “khu vực cấm” của những người săn bắn bởi không thể bắn được con thú nào -  dù người đó là thiện xạ đi chăng nữa và đối với những người đi chặt cây, chặt tre trên đồi cũng sẽ bị lạc đường, không tìm được đường về nhà; khi ấy muốn trở về người ta phải bỏ hết lại tất cả, quỳ xuống bốc đất bôi lên mặt, thành kính kêu xin Giàng Ama Mblim tha thứ, hứa không bao giờ chặt phá, săn bắn tại vùng này nữa thì mới được Giàng mở đường cho về nhà…

Quang cảnh hồ Ea Kao luôn ẩn chứa những vẻ đẹp huyền ảo.
Quang cảnh hồ Ea Kao luôn ẩn chứa những vẻ đẹp huyền ảo.

Còn rất nhiều địa danh khác nữa cũng đã được khoác lên mình chiếc áo được dệt thêu nên từ những câu chuyện truyền thuyết như Ktơng Un (vực xoáy nơi con heo bị rơi), Ktơng Tiăn (vực xoáy đau bụng), Ktơng Truôl (vực sâu có cá sấu), đồi Tre thần, tảng đá Voi thần… Từng câu chuyện cùng giọng kể trầm bổng của già làng hòa quyện cùng tiếng gió lá rì rào, tiếng sóng nước vỗ bờ ì oạp như phủ một lớp sương bàng bạc, thấm đẫm huyền ảo để hồ Ea Kao càng đẹp lung linh hơn bởi sắc màu kỳ diệu của những câu chuyện cổ ấy.

Bức tranh thủy mặc hữu tình

Hồ Ea Kao được xây dựng và đưa vào vận hành khai thác từ năm 1983 với sự đóng góp rất lớn về sức người của nhân dân các thôn, buôn trên địa bàn xã trong 3 năm trời. Đến nay hồ đã được cải tạo, bê tông hóa bờ đập, là một trong những hồ nhân tạo lớn của tỉnh, có cảnh quan đẹp, trở thành địa điểm được nhiều người biết đến.

Ngắm cảnh hồ Ea Kao, cảm nhận sự yên bình tĩnh lặng cùng không khí trong lành, mát mẻ như xa rời, tách hẳn khỏi những ồn ào, náo nhiệt của thành phố. Bao bọc quanh hồ là những rừng cây, đồi núi, buôn làng và những cánh đồng lúa phì nhiêu. Đứng trên bờ đê nhìn xuống, mặt hồ phẳng lặng như một chiếc gương soi rõ cảnh sắc mây trời, đồi núi. Phóng tầm mắt nhìn khắp xung quanh, bên kia hồ là rừng cây xanh ngút ngàn, xa xa những dãy đồi nhấp nhô và cánh đồng màu mỡ, xen lẫn là những vườn cà phê, ẩn hiện thấp thoáng từng mái nhà của người dân quanh vùng.

Cảnh sắc hồ Ea Kao thay đổi trong ngày, như nàng thiếu nữ diện đang phô mình trong những chiếc áo đẹp. Buổi sáng sớm mặt hồ như được phủ trong một màn sương mỏng, rồi dần dần lớp sương ấy tan đi theo ánh mặt trời và tỏa rạng lung linh; những chiếc thuyền gỡ lưới nhẹ lướt, thu về mẻ cá tươi ngon. Buổi trưa, khi cả rừng cây nhuộm nắng, mặt hồ cũng dát đầy nắng vàng, in bóng hình mây trời xanh thẳm. Khi chiều xuống, mặt hồ nhuộm một màu tím sẫm, chim ở muôn nơi lũ lượt bay về quanh hồ; tiếng chim vỗ cánh lao xao, không gian như đọng lại, chùng xuống khi hoàng hôn chợt tắt. Và thật không có gì tuyệt vời hơn khi ngắm cảnh hồ vào những đêm trăng: ánh trăng huyền ảo trải lên mặt hồ lung linh như dát bạc, mái chèo khua nhẹ trong màn đêm tĩnh mịch hòa cùng giai điệu của sóng nước mênh mang…

Không chỉ đẹp ở cảnh sắc thiên nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch, hồ Ea Kao còn mang lại nguồn lợi lớn về thủy lợi, thủy sản: là nơi cung cấp nước tưới cho diện tích rộng lớn của các đồng lúa các xã Ea Kao, Hòa Xuân, Hòa Khánh và một phần diện tích cây công nghiệp của TP. Buôn Ma Thuột, trữ lượng nước hằng năm của hồ là 14-16 triệu m3, có nhiệm vụ tưới cho 2.250 ha đất canh tác, trong đó có 580 ha lúa nước 3 vụ và 1.670 ha cà phê; sản lượng cá trung bình của hồ khoảng 50 tấn/năm, có năm lên tới 120 tấn...

Với nguồn lợi là thế, nhưng để khai thác, phát huy hiệu quả đồng thời vẫn giữ gìn được những nguồn lợi ấy một cách bền vững, dài lâu thì vẫn còn đó nhiều băn khoăn, trăn trở. Chia sẻ mong muốn về một tương lai phát triển của khu vực hồ Ea Kao, ông Y Mnông Hmôk, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kao cho biết: Hiện nay Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đô thị và môi trường đang phụ trách chăm sóc, bảo vệ và trồng lại 64 ha rừng đầu nguồn phía đông của hồ; ngoài ra một số hộ gia đình, cá nhân cũng đã đầu tư cho việc trồng lại, chăm sóc, bảo vệ thêm 100 ha rừng tự nhiên xung quanh hồ Ea Kao. Bên cạnh đó, chính quyền cùng các ban ngành, đoàn thể cũng tập trung tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân (đặc biệt là những hộ xung quanh hồ) về ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường tránh làm ô nhiễm nguồn nước, không sử dụng thuốc nổ hay mìn để đánh bắt cá tự do… Vừa qua, hồ Ea Kao đã được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh; điều này càng thêm khẳng định các giá trị mà hồ Ea Kao mang lại. Nếu được đầu tư xây dựng một số khu vui chơi giải trí, nhà nghỉ, vườn hoa, nhà hàng, khu bảo tồn thiên nhiên; kết hợp với các loại hình du lịch, sinh hoạt văn hóa phục vụ nhu cầu của khách tham quan thì chắc chắn đây sẽ là một địa chỉ du lịch lý tưởng, từ đó tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… Tuy vậy, điều đặc biệt cần ưu tiên vẫn là bảo đảm được môi trường, cảnh quan, sinh thái của vùng.

Lan Gia


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.