Multimedia Đọc Báo in

Bản Cát Cát dưới chân Phanxipăng

05:22, 10/12/2012

Cát Cát là một bản của người Mông nằm dưới chân đỉnh Phanxipăng hùng vĩ, cách thị trấn Sa Pa khoảng 2 km. Bản Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19.

Đến bản Cát Cát, sau khi đi qua cổng, du khách bắt đầu xuống những bậc thang đá men theo thung lũng. Lần lượt bạn sẽ gặp những thửa ruộng bậc thang trồng lúa nương, những bụi giang, trúc, vầu cao vút, xanh tốt lạ thường…; những chiếc cối giã gạo thô sơ dùng sức nước rất độc đáo. Dọc đường, du khách còn gặp nhiều phụ nữ Mông địu gùi trên vai xuôi ngược đi về bản, mỗi cô đều có một cái ô che đầu, bởi ở Sa Pa mưa nắng thất thường.

Bên dòng thác Cát Cát.
Bên dòng thác Cát Cát.

Ở bản Cát Cát có làng nghề thủ công truyền thống cho du khách tham quan trực tiếp. Qua những khung dệt gia truyền, người phụ nữ Mông đã làm ra những tấm thổ cẩm với sắc màu hoa văn sặc sỡ, mô phỏng cây, cỏ, lá hoa và muông thú... Bạn sẽ thấy thao tác se lanh vô cùng độc đáo nhưng cũng rất vất vả! Một phụ nữ Mông đứng trên một tấm ván dầy, đè nén những sợi lanh trên một khúc gỗ tròn và lăn, nhún miếng ván chạy qua lại như các nghệ sĩ xiếc! Người Mông nhuộm sợi và in thêu hoa văn trên nền thổ cẩm bằng phương pháp nhúng chàm, nhuộm nước tro thảo mộc và cây lá rừng.

Đi dạo dọc theo bản, qua cầu treo Si Si bắc qua suối Cát Cát thơ mộng, du khách sẽ đến nơi biểu diễn văn nghệ. Nơi đây bạn sẽ có dịp thưởng thức những vũ điệu dân gian Mông, Dao đặc sắc trong tiếng khèn lá du dương, tiếng sáo Mông dìu dặt, tiếng đàn môi sâu lắng hòa cùng tiếng thác đổ, suối reo giữa mây ngàn, gió núi mênh mang, phóng khoáng… Những chàng trai, cô gái duyên dáng, xinh đẹp múa hát rất  hay, vui vẻ, nhiệt tình phục vụ du khách.

Đi thêm vài mươi bước chân, du khách sẽ gặp thác Cát Cát kỳ vĩ ầm ầm tuôn đổ mịt mù khói sương trắng xóa. Thác Cát Cát hay còn gọi là thác Tiên Sa là một trong những thắng cảnh du lịch nổi tiếng nhất của Sa Pa. Thác Cát Cát bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn băng qua đại ngàn hoang dã, rồi đổ xuống thung lũng Cát Cát, miên man tuôn chảy về xuôi, nhập vào sông Hồng mênh mang, đỏ đục phù sa… Thác Cát Cát là địa điểm đẹp để các tay máy thỏa sức thể hiện tài nghệ, ghi hình lưu niệm.

Nhà ở của người Mông ở Cát Cát rất đơn sơ với ba gian làm bằng gỗ. Cột nhà kê trên tán; vách được lợp khép bằng gỗ xẻ;  nhà có 3 cửa: cửa chính ở gian giữa, 2 cửa phụ ở hai đầu nhà. Cửa chính nhà luôn được đóng kín, chỉ mở khi có đám cưới, tang ma, cúng ma vào dịp lễ Tết. Trong nhà có gian thờ, sàn gác để lương thực dự trữ, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách.

Chúng tôi tình cờ quen được cô giáo Tầng Seo Loan người Mông. Cô kể cho nghe một vài phong tục, tập quán độc đáo của người Mông ở Lào Cai, trong đó tục kéo vợ: Khi người con trai quen biết và đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ tổ chức tiệc rượu mời bạn bè và nhờ họ hiến kế “kéo” cô gái mà anh ta muốn cưới làm vợ về nhà một cách bất ngờ và giữ cô gái trong nhà ba ngày. Sau ba ngày, nhà trai sẽ tiến hành lễ cưới nếu cô gái bằng lòng. Nếu  như người con gái từ chối thì họ cùng nhau uống bát rượu kết bạn và mọi việc trở lại bình thường như chưa có gì xảy ra. Trai gái người Mông, Dao, Giáy ở Sa Pa và các vùng phụ cận thường gặp nhau ở “chợ tình” Sa Pa. Thực ra, đây chỉ  là một góc chợ của thị trấn Sa Pa. Vào các ngày thứ bảy, chủ nhật chợ rất đông vui do có nhiều du khách và nhiều người đi chợ. Trai gái nhân dịp này gặp nhau, làm quen, tỏ tình qua điệu khèn, tiếng đàn môi và những điệu xòe, múa gọi tình, mang âm hưởng núi rừng hoang dã. Chợ tình Sa Pa nhóm họp tại Sân Quần, trước mặt Nhà Thờ Đá thường từ khoảng 17 giờ đến hết đêm thứ bảy, chủ nhật mỗi tuần.

Đặng Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc