Multimedia Đọc Báo in

Về nơi Quốc Mẫu Tây Thiên

23:42, 03/05/2013

Đúng như tên gọi, từ xa Tam Đảo trông tựa như ba hòn đảo nổi bồng bềnh trong biển mây mờ ảo. Ở đó, trên núi Thạch Bàn (xã Đại Đình, Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), tọa lạc một danh thắng Tây Thiên, một quần thể kiến trúc đền, chùa phức hợp; là nơi gặp của tâm linh, tín ngưỡng và thắng cảnh du lịch.

Khu danh thắng Tây Thiên thuộc xã Đại Đình (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) có tổng diện tích gần 400ha, là di tích lịch sử lâu đời được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích Văn hóa cấp quốc gia năm 1991.

   Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.

Địa danh Tây Thiên gắn liền với truyền thuyết về vị Quốc Mẫu anh linh ở xã Đại Đình. Tương truyền ở xã Đông Lộ, huyện Tam Dương, có vị tù trưởng nổi tiếng, gần 40 tuổi mà chưa có con. Trong một lần cùng với vợ là Đào Thị lên Tây Thiên cầu “tiên tử”, trong giấc mộng lúc nửa đêm, bà Đào Thị mơ thấy trong đám mây vàng có khoảng 7-8 tiên nữ đang vui chơi, đàn, hát, đến mờ sáng thì bay về phương Tây. Bà họ Đào từ đó có thai, sinh được một người con gái tài sắc đặt tên là Lăng Thị Tiêu, là người có công giúp vua Hùng Vương thứ 7 dẹp giặc Thục và được phong là “Tam Đảo Sơn trụ quốc Đại vương”. Một ngày, Trời sai 1.000 vị sứ giả xuống đòi bà về. Bà tắm gội rồi ra đi. Để tưởng nhớ Quốc Mẫu Tây Thiên, hằng năm vào ngày 15-2 âm lịch, dân trong vùng lại mở hội để cùng khách thập phương tưởng nhớ công đức, tỏ lòng biết ơn và cầu xin Quốc Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an. Đây cũng là dịp để nhân dân và du khách mọi miền dựng lại các trò chơi dân gian đã tồn tại qua hàng nghìn năm lịch sử.

Đền Thượng nằm ở lưng chừng núi Thạch Bàn. Đường từ đền Trình lên đến đền Thượng dài gần 5km, chủ yếu là đường rừng. Để lên được đến đỉnh, du khách phải đi qua đền Thõng, đền Cậu, chùa Phù Nghì, đền Cô, đền Cô Chín… Cách đây vài chục năm, đường lên núi chưa xây bậc, lát gạch, lại càng chưa có cáp treo, xe điện tiện lợi như bây giờ. Khi đó, du khách phải một tay chống gậy, một tay bám dây mà leo. Leo đường bộ, bất chấp cái lạnh đầu xuân, mồ hôi túa ra, thở dốc, mệt lử mà vẫn hào hứng bởi cảnh đẹp như tranh. Hai bên là núi rừng hùng vĩ, với thảm thực vật phong phú, chốc chốc lại thấy những con suối vắt ngang mình núi, cảnh thật yên bình, tĩnh tại, lại được nghe tiếng chim hót líu lo, tiếng gà đạp lá. Quả là được thiên nhiên ưu ái, lại càng hiểu tâm trạng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương khi viết câu thơ “Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo”. Bây giờ, Tây Thiên đã có nhiều thay đổi. Nhiều hạng mục được xây mới, đền, chùa to đẹp, khang trang, dù theo đó, tính hoang sơ cũng giảm đi đôi phần. Du khách lên núi bằng xe điện, cáp treo – những phương tiện giúp con đường của du khách ngắn lại và an nhàn hơn. Nếu xưa để lên đến đền Thượng mất hai ba giờ đồng hồ leo núi; thì nay, chỉ cần chưa đầy 5 phút đi xe điện và 10 phút ngồi cáp treo là có thể tới nơi một cách “an nhàn”. Kể đi nhanh cũng có cái thú của nó. Từ trong ca bin nhìn xuống, trọn trong tầm mắt là cả một biển cây xanh thoáng điểm sắc trắng, hồng, tím của hoa rừng, bảng lảng trong mây mù. Rồi là cảnh thác Bạc vắt ngang lưng núi đổ xuống những dòng nước bạc tựa như một bức tranh thuỷ mặc. Tuy vậy, lên chùa phải leo bộ mới đã. Chả thế nhiều cụ dù ở cái tuổi xưa nay hiếm vẫn chống gậy, leo núi lên với Mẫu.

Một thắng cảnh du lịch tất nhiên không thể thiếu văn hóa ẩm thực. Đến Tây Thiên, những hàng ăn, hàng uống bày la liệt, trong đó du khách thích nhất là món rau su su, củ từ Đạo Trù, bống suối, gà đồi. Củ từ Đạo Trù có loại củ nhỏ, được trồng theo luống, không chỉ là một món ăn dân dã quen thuộc mà còn là một vị thuốc quý. Đã lên Tây Thiên dù thế nào cũng phải mua ít củ từ về làm quà cho các bà các mẹ nấu canh. Lên đến Tây Thiên mà không được thưởng thức cá bống suối thì chưa thấy hết được nét riêng của Tây Thiên. Cá bống suối sống ở các con suối trong núi Thạch Bàn, nhỏ hơn ngón tay út, chiên lên giòn, dai, ngọt thịt và rất ít xương. Có lẽ cũng vì vậy mà trong mấy năm gần đây du khách đến Tây Thiên không còn cái thú ngồi ngắm cá bống hàng đàn nối nhau luồn lách theo các khe suối.

Rời Tây Thiên ra về mà lòng du khách vẫn bần thần, vấn vương với nơi hồn thần, hồn người và hồn non nước cùng hòa quyện, cộng cảm. Lại nghe vẳng bên tai, câu hát: “Tây Thiên chót vót tận đầu non/ Cổ trúc ngàn xưa cảnh mãi còn/ Thác Bạc, Giải Oan ai khéo vẽ/ Để tình ta mang nặng với nước non”.

(Theo VP)


Ý kiến bạn đọc