"Bảo tàng tre" bên đỉnh Sơn Trà
Sơn Trà tịnh viên - khu vườn yên tĩnh bên đỉnh Sơn Trà (thuộc quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) của nhà sư Thích Thế Tường được xem như một “bảo tàng tre” với hàng trăm loài tre, trúc ở khắp ba miền đất nước...
Tu hành ở chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng), sư thầy Thích Thế Tường được một phật tử cao niên cúng dường một mảnh vườn trên dãy núi Sơn Trà. Lần đầu tiên đặt chân đến mảnh vườn, sư thầy đã cảm thấy có điều gì đó như mê hoặc khiến ông chẳng muốn rời chân. Khu vườn rộng hơn 1 ha, lưng tựa vách núi, mặt hướng biển Đông. Đường lên khu vườn quanh co uốn lượn, cách trung tâm thành phố tầm chục cây số. Trong vườn có rất nhiều tảng đá lớn với hình thù kỳ dị, đẹp mắt.
Mất gần ba tháng đào gốc, chặt cành, phát cỏ, sư thầy mới cải tạo được phần nào khu vườn theo ý định của mình. Yêu thích tre, loài cây gần gũi quen thuộc với đời sống và văn hóa người Việt, sư thầy quyết định trồng thật nhiều loài tre với mong ước sẽ xây dựng một khu bảo tồn các giống tre quý của nước nhà. Vừa khi ấy, nghe tin thành phố đang tiến hành cải tạo, mở rộng một số tuyến đường, có rất nhiều tre bụng phật bị múc bỏ, thầy Thích Thế Tường lặn lội tìm đến xin. Đây cũng là giống tre đầu tiên thầy trồng. Bây giờ ở Sơn Trà tịnh viên, trúc bụng phật phủ bóng mát suốt dọc các lối đi.
Thầy Thích Thế Tường cùng đàn bồ câu trong khu vườn tre độc đáo. |
Dẫn khách đi dưới bóng mát của những khóm tre, thầy Tường giới thiệu: “Tre trúc là tập hợp các loài thực vật thuộc họ Hòa thảo. Trên thế giới, có khoảng 1.250 loài tre trúc với 70 chi khác nhau. Tre trúc mọc ở khắp mọi nơi, dễ trồng, sinh trưởng nhanh, sớm khai thác, dễ chế tác và có nhiều đặc tính phù hợp với yêu cầu sử dụng của con người nên nó được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Cây tre và lũy tre làng là đặc trưng nổi bật của văn hóa làng ở nước ta, là loài cây đồng hành với lịch sử dân tộc, hình ảnh quen thuộc trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam khi xa vắng quê hương. Mỗi năm khu vườn lại có thêm hàng chục giống tre, trúc mới. Có nhiều loại, tôi phải xuôi ngược khắp nơi để sưu tầm, nhưng cũng có loại được anh em bạn bè và khách thập phương mang đến tặng. Hiện nay, Sơn Trà tịnh viên đã có già nửa trong tổng số gần 300 loài tre, trúc ở Việt Nam”.
Có những loài tre trúc thầy Tường mất bao thời gian công sức đi tìm mà chẳng được, thế nhưng khi chẳng chủ định gì thì lại tình cờ gặp chúng. Như dạo thầy lên Đà Lạt chơi, vào nhà người quen mượn chiếc xe máy để đi công chuyện, đến lúc về thì chủ nhà đóng cửa đi đâu mất. Trong lúc chờ đợi, thầy đành đi bộ loanh quanh. Tới cuối con hẻm nhỏ, thầy phát hiện ra một khu vườn hoang có trồng rất nhiều giống trúc hóa long, loài trúc mà trước đó thầy phải lặn lội ra tận vùng hồ Ba Bể (Bắc Kạn) kiếm về trồng mà chẳng được. Nhớ dịp hè năm 2013, thầy Thích Thế Tường được sang thăm Ấn Độ; khi đến một ngôi chùa lớn, thấy trong khuôn viên nhà chùa có trồng một khóm tre rất đẹp và lạ mắt, thầy đánh bạo hỏi xin. Vị sư trụ trì chăm chú nhìn thầy rồi gật đầu: “Đợi đến mùa xuân tôi sẽ gửi biếu thầy”. Cứ nghĩ đó là cách từ chối khéo của nhà sư kia, nào ngờ cuối năm ấy thầy nhận được những cành tre gửi từ Ấn Độ sang. Cảm kích tình cảm của vị sư trụ trì, thầy Tường đem khóm tre ấy trồng trước căn nhà gỗ nhỏ giữa tịnh viên.
Thầy Tường giới thiệu với khách thập phương về các loài tre, trúc trong vườn. |
Mỗi khóm cây trong khu vườn đều gắn với một câu chuyện thú vị, bụi “tre mất dép” cũng có tích riêng của nó. Lần ấy, thầy Tường nghe mọi người mách ở vùng đầm phá làng An Truyền (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) có trồng rất nhiều cây hóp nước mặn để giữ nước. Loài này tuy thân cây lớn nhưng khóm rất dày, che gió, chống sạt lở rất tốt.
Những năm gần đây, Sơn Trà tịnh viên trở thành điểm dừng chân lý tưởng của nhiều khách tham quan, du lịch. Không thu một đồng tiền phí nào nhưng với ai thầy Tường cũng đón tiếp rất tận tình chu đáo. Dọc các lối đi, thầy còn bố trí một số bàn ghế đá để phục vụ khách thập phương. |
Khi đi lấy hóp phải qua một con mương rộng, mấy lần dậm chân thấy lớp bùn dưới mương khá cứng có thể lội qua được, thầy Tường cứ thế lội qua, thế nhưng chỉ được vài bước, bùn nhão đã ngập đến ngang người. Khi rút chân lên được thì phát hiện bị mất một chiếc dép. Mò mãi không thấy, thầy đành phải bỏ. Thầy đổi tên cho giống hóp nước mặn thành “tre mất dép” để nhớ về một kỷ niệm vui.
Trong 4 loài tre quý của Việt Nam thì Sơn Trà tịnh viên có đến 3 loài, đó là tre bông, trúc hóa long và trúc đen - loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Theo thầy Tường, kỹ thuật tách lấy giống của các giống tre, trúc, vầu, lồ ô tuy khác nhau nhưng kỹ thuật chăm bón lại khá giống nhau. Họ nhà tre, từ khi lên măng, phải mất gần 2 năm mới có thể tách nhánh đem trồng, vì để già quá cây sẽ khó đẻ nhánh, nhưng non quá cây lại dễ chết. Tre là loại có bộ rễ rất chắc, càng lớn thì khả năng giữ đất càng cao. Tre trúc tuy dễ trồng, nhưng chỉ trồng được vào mùa xuân, còn các mùa khác tỉ lệ thành công rất hãn hữu.
Sơn Trà tịnh viên có địa thế hình lòng chảo, tận dụng điều này, thầy Tường dành nhiều công sức đào ao tích nước và thả cá. Qua thời gian, đàn cá không ngừng sinh sôi nảy nở, với đủ các chủng loại như cá chép đỏ, ngân long, chuối, rô phi... Những lúc nhàn rỗi, sư thầy thường ra cho cá ăn, nhìn chúng bơi lội hoặc ngắm đàn bồ câu hàng trăm con tự do bay lượn trong khu vườn. Đất lành chim đậu, nhiều loài chim như cu gáy, chào mào, bồ chao, khướu tìm về đây làm tổ, líu lo suốt cả ngày. Đặt chân đến khu vườn, ai cũng cảm thấy mát mẻ, sảng khoái đến vô cùng.
Việt Hùng
Ý kiến bạn đọc