Multimedia Đọc Báo in

Cà phê Việt và những con số ấn tượng

15:08, 22/02/2013

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng cà phê xuất khẩu năm 2012 đạt 1,76 triệu tấn với kim ngạch 3,74 tỷ USD, tăng 40,3% về lượng và 36% về giá trị so năm 2011. Hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ chiếm 12,03% và Đức chiếm 11,77% thị phần đều tăng trưởng khá cả về lượng và giá trị.

Tháng 8-2012, lần đầu tiên Việt Nam đã "qua mặt" Brazil để vươn lên ngôi vị thế giới về khối lượng cà phê xuất khẩu. Theo thông tin Brazil đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê trong năm 2012, nhưng chưa có công bố chính thức, trong khi Việt Nam đã xuất khẩu 1,76 triệu tấn. Có nghĩa, Việt Nam đã ngang ngửa với Brazil để tranh giành ngôi vị thứ nhất thế giới về khối lượng cà phê xuất khẩu. 
 
Từ khoảng 19.000 ha cà phê trên cả nước sau năm 1975, đến nay, Việt Nam đã có khoảng 550 nghìn ha ca phê, cao gấp 400 lần so với năm 1975. Trong giai đoạn 2007-2011, sản lượng thu hoạch cà phê mỗi năm của nước ta khoảng 1,1-1,2 triệu tấn. Riêng niên vụ thu hoạch cà phê 2011-2012, sản lượng cà phê đã tăng vọt lên tới 1,6-1,7 triệu tấn, cao gấp 600 lần so với năm 1975. 
 
Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Việt Nam cho thấy, với nhịp độ tăng trưởng “khủng” 23,8%/năm của ngành cà phê trong thập niên 1990, đến năm 1997, Việt Nam đã vượt qua Indonesia để trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê nhiều thứ ba thế giới. Vào năm 2000, với 734.000 tấn cà phê xuất khẩu, Việt Nam tiếp tục vượt qua Colombia để chắc chân ở vị trí thứ hai thế giới từ đó đến nay. Và năm 2012 vừa kết thúc cũng lại ghi thêm một dấu mốc đáng nhớ của ngành cà phê.
Hiện nay cà phê được trồng ở hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới, với tổng sản lượng từ 130-148 triệu bao/năm (mỗi bao 60 kg). Trong đó, Brazil vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới với khoảng 54-60 triệu bao/năm, Việt Nam ở vị trí thứ hai với sản lượng 23-26 triệu bao/năm, Colombia và Indonesia ở vị trí thứ ba và bốn với khoảng 9,5 triệu bao/năm. 
 
Trên bình diện thế giới, Việt Nam có những lợi thế đặc biệt đối với cà phê mà các quốc gia khác không thể có được. Thứ nhất, Việt Nam là cường quốc trồng cà phê ở bán cầu Bắc nên thời gian thu hoạch cà phê từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau trong khi các cường quốc cà phê còn lại là Brazil, Colombia, Indonesia đều ở bán cầu Nam, nên họ thu hoạch cà phê từ tháng 5 đến tháng 10. Vì vậy nước ta có điều kiện để tiêu thụ và “cầm trịch” thị trường cà phê trong thời gian 6 tháng hằng năm.
 
Tiếp đó, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới và chiếm tới một nửa sản lượng robusta toàn cầu, nên ít bị “đụng hàng” với Brazil. Bên cạnh đó, năng suất cà phê của Việt Nam thể hiện sự vượt trội, không chỉ cao nhất thế giới, mà cao gấp 3 lần năng suất bình quân chung của thế giới. Năng suất bình quân của thế giới là 7 tạ nhân/ha, còn ở Việt Nam với diện tích 550 nghìn ha mà sản lượng hơn 1,5 triệu tấn, tính ra năng suất bình quân đạt 2,7 tấn/ha. 
 
Hiện nay, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã chọn tạo những giống cà phê mới có năng suất vượt trội, tiềm năng đạt tới 5-7 tấn/ha, chất lượng hạt cũng rất tốt vì kích cỡ hạt đạt tới 25gr/hạt, trong khi các giống hiện trồng chỉ có kích cỡ hạt bình quân 14 gr/hạt. Với những thành tựu về chọn tạo các giống cà phê cao sản năng suất vượt trội cùng những kỹ thuật canh tác vừa đơn giản mà khác biệt sẽ giúp cho ngành cà phê Việt Nam tiếp tục tăng cao sản lượng hơn nữa. Dù không cần mở rộng thêm diện tích cà phê, nhưng khát vọng soán ngôi Brazil về sản lượng vẫn có thể nằm trong tầm tay.
 
Tuy nhiên, hiện nay, thế yếu nhất đối với cà phê Việt Nam nằm ở giá bán: chiếm gần 30% khối lượng cà phê giao dịch toàn cầu, nhưng giá trị kim ngạch mới chỉ chiếm 10% trong tổng giá trị thương mại 35 tỷ USD của cà phê thế giới. 
 
Dù khối lượng xuất khẩu của Brazil trong những năm qua chững lại, đặc biệt là giá đã giảm rất mạnh, dù khối lượng xuất khẩu của chúng ta đã tăng đột biến và giá xuất khẩu không giảm mà còn nhích lên, nhưng xét về giá trị kim ngạch thì khoảng cách của chúng ta với “người khổng lồ” này hãy còn rất xa. Xuất khẩu của Brazil chỉ với 1,8 triệu tấn, nhưng kim ngạch năm nào cũng đạt 7-8 tỷ USD. Trong khi năm 2012 nước ta xuất 1,76 triệu tấn nhưng kim ngạch chỉ 3,74 tỷ USD. Giá bán thấp một phần vì giá cà phê robusta trên thị trường thế giới luôn thấp bằng một nửa so với giá cà phê Arabica. Nhưng phần khác là bởi chúng ta chỉ xuất khẩu sản phẩm thô chưa qua chế biến, cho đến năm 2011 thì trên 95% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở dưới dạng cà phê nhân. Cà phê Việt Nam thường xuyên bị giao dịch ở mức trừ lùi trong khoảng từ 50-120 USD/tấn so với mức giá robusta giao dịch trên sàn London. 
 
( Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam)
 

Ý kiến bạn đọc