Multimedia Đọc Báo in

Nông dân với Lễ hội Cà phê

11:09, 11/03/2013

Nâng cao chất lượng, giá trị hạt cà phê để tăng thêm thu nhập và phát triển bền vững là niềm mơ ước của hàng nghìn hộ nông dân và những người có trách nhiệm trong tỉnh. Nhân Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV – năm 2013, Báo Dak Lak xin giới thiệu một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

*Ông Bùi Đình Công, thôn Xuân Hà 1, xã Ea Dah, huyện Krông Năng: Phải linh hoạt trong cho vay sản xuất cà phê nông hộ


Trong những năm qua, việc cho hộ nông dân vay vốn đầu tư sản xuất cà phê đã được các ngân hàng (NH) quan tâm, nhưng trong thực tế, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn còn nhiều khó khăn. Trong nhiều trường hợp, số vốn được vay rất thấp, NH thẩm định và duyệt mức cho vay chủ yếu dựa trên giá trị tài sản thế chấp chứ chưa xem xét hết các khía cạnh khác như nhu cầu, mục đích sử dụng và uy tín của người dân. Điều này dẫn đến tình trạng nguồn vốn chỉ đủ phục vụ một số công đoạn chăm sóc cà phê như tưới nước, bón phân, thuê lao động…, chứ chưa đủ để đầu tư thêm máy móc, thiết bị. Thời hạn vay vốn cũng còn quá cứng nhắc, nhiều khi sản xuất gặp khó khăn do giá sản phẩm giảm hoặc thời tiết bất lợi, cán bộ NH vẫn hối thúc trả nợ mà ít chủ động hướng dẫn nông dân gia hạn. Trong nhiều trường hợp, điều này khiến người dân phải bán non hoặc chấp nhận bán sản phẩm với giá thấp để có tiền trả nợ NH, bảo vệ chữ tín để còn được vay tiếp.

Cà phê là cây trồng chủ lực, sản phẩm cà phê cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của đất nước. Chính vì thế, việc cung ứng vốn cho phát triển cây trồng này cần được quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, diện tích cà phê già cỗi cần được trồng lại là rất lớn, các NH cần tính toán, xem xét cho vay trung, dài hạn để người dân có thêm điều kiện phục vụ sản xuất.

*Ông Vương Đức Hợi, thôn 8, xã Cư Ni, huyện Ea Kar:  Sớm có biện pháp nâng cao chất lượng vườn cây

Là một tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất nước nhưng chất lượng vườn cây ở Dak Lak chưa cao do chủ yếu trồng bằng giống thực sinh, trong khi đó diện tích cần tái canh lớn. Hiện Dak Lak có trên 51% diện tích cà phê đã hơn 15 tuổi, cho năng suất thấp dần, trong đó có khoảng ¼ diện tích đang bước vào giai đoạn già cỗi, kinh doanh thấp. Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trong huyện đã tự nhổ bỏ, tái canh những vườn cà phê già cỗi, nhưng phần lớn đều thất bại, bởi việc tái canh cà phê đòi hỏi quy trình kỹ thuật khắt khe và nguồn vốn đầu tư lớn. Ngay ở gia đình tôi, thấy cà phê già cỗi, năng suất thấp nên tôi quyết định chặt bỏ để trồng mới 1 ha, dù gia đình cũng tìm hiểu kỹ thuật và thực hiện biện pháp luân canh trước khi trồng mới, nhưng vẫn phải trồng đi trồng lại nhiều lần. Để nâng cao chất lượng vườn cây ngoài việc khuyến khích người dân sử dụng giống tốt, bảo đảm chất lượng còn chú ý đến vấn đề kỹ thuật cải tạo vườn cây. Qua lễ hội cà phê lần này, tôi cũng mong muốn nông dân sẽ được biết thêm các địa chỉ cung ứng cây giống tin cậy, đồng thời cũng mong các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp xây dựng thêm các trại giống, các mô hình tái canh hiệu quả để nông dân tìm hiểu, nhân rộng.

*Ông Y Bhiu Byă, buôn Tơng Ju, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột: Muốn giảm tổn thất sau thu hoạch,  nông dân cần được hỗ trợ hơn nữa

Do sản xuất nhỏ lẻ, việc ứng dụng công nghệ, cơ giới vào sản xuất còn thấp, nên tình trạng hái cà phê theo kiểu tuốt cành vẫn còn phổ biến, số hộ phơi cà phê trên sân đất chiếm tỷ lệ cao, rất ít hộ sử dụng máy sấy cà phê. Bên cạnh đó, hoạt động phơi, sấy với các phương pháp khác nhau như phơi khô cả quả, xát dập để phơi hoặc xát bóc vỏ quả rồi phơi… đã làm giảm chất lượng hạt cà phê. Ngay trên địa bàn xã, số hộ có sân phơi cà phê không nhiều, máy sấy cà phê càng không có, do vậy cứ vào vụ thu hoạch là cà phê được phơi tràn lan ra đất phó mặc cho mưa nắng. Hiện Chính phủ, tỉnh cũng đã triển khai đề án giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng chỉ mới xây dựng một vài mô hình hỗ trợ máy móc, còn nhiều nông dân chưa được hưởng lợi từ chính sách đầu tư ưu đãi của Nhà nước như vay vốn mua máy móc… Vì vậy, thông qua lễ hội này tôi mong vấn đề giảm tổn thất sau thu hoạch cà phê được quan tâm và có nhiều giải pháp về chính sách đầu tư ưu đãi về công nghệ, máy móc đến với nông dân.

*Bà Trần Thị Ngọc, tổ dân phố 1, phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ: Tăng cường biện pháp chống mất trộm cà phê ngoài rẫy

Những năm gần đây, việc thu hái cà phê quả xanh của người dân trên địa bàn thị xã Buôn Hồ diễn ra khá phổ biến. Mặc dù biết việc làm này sẽ ảnh hưởng xấu đến năng suất, chất lượng cà phê, gây thiệt thòi lớn cho chính người nông dân chúng tôi, song vì bất đắc dĩ bà con mới làm như vậy. Tại hầu khắp các vùng trồng cà phê của thị xã Buôn Hồ, hằng năm cứ đến đầu mùa vụ, thì nạn trộm cắp cà phê lại hoành hành phức tạp, ngoài việc hái trộm cà phê vào ban đêm, có không ít trường hợp kẻ trộm rất manh động chặt cả cây, cành cà phê đưa đi nơi khác, hoặc đi theo băng, nhóm mang hung khí, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, gây tâm lý hoang mang cho người dân. Do đó, chúng tôi mong tỉnh và chính quyền địa phương sớm đưa ra những biện pháp hữu hiệu như tăng cường lực lượng công an, dân quân tự vệ thường xuyên tuần tra, bảo vệ tại các vùng trồng cà phê, đồng thời phối hợp với người dân thành lập các tổ, đội luân phiên nhau tuần tra bảo vệ các rẫy cà phê, trong mùa thu hoạch hằng năm.

*Ông Đoàn Ngọc Thanh, buôn Sút M’rư, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar: Quan tâm hơn nữa việc đầu tư hệ thống thủy lợi

Vài năm trở lại đây, việc tìm kiếm nguồn nước tưới cho cà phê vào mùa khô là công việc hết sức khó khăn và tốn không ít chi phí. Dĩ nhiên, số cà phê mà tôi đề cập đến là những diện tích trong vùng quy hoạch được phép trồng.

Ngoài nguyên nhân người dân ồ ạt trồng cà phê trên cả những vùng đất không bảo đảm nước tưới, thiếu hệ thống thủy lợi nên họ khoan giếng khắp nơi, làm ảnh hưởng đến mực nước ngầm thì tình trạng các công trình thủy lợi xuống cấp, không tích giữ được nước là điều đáng quan tâm. Thực tế cho thấy, chúng ta có rất nhiều hồ đập thủy lợi lớn nhỏ, nhưng phần nhiều trong số đó đã xuống cấp nghiêm trọng. Có công trình bị đất bồi lắng lâu năm nhưng không được nạo vét nên ngày càng cạn dần, khả năng chứa nước không còn. Cũng có công trình bị hư hỏng thân đập, không còn khả năng tích trữ nước nên mới bước vào mùa khô đã cạn trơ đáy. Điều này đặt ra vấn đề Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng. Cũng cần nói thêm rằng, nước rất quan trọng đối với cây cà phê, nếu thiếu nước, năng suất lẫn chất lượng sản phẩm sẽ giảm đi rất nhiều.

Lê Ngọc - Thuận Nguyễn - Lê Thành (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc