Multimedia Đọc Báo in

Sàn giao dịch cà phê, nơi hỗ trợ đắc lực cho người nông dân

11:08, 11/03/2013

Dak Lak là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê cao nhất cả nước. Tuy nhiên, hơn 80% diện tích cà phê của tỉnh là do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý với đa số diện tích nhỏ dưới 2 ha. Do đó, việc hình thành và phát triển Sàn giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột đã góp phần định hướng phát triển tập trung, ổn định ngành nghề trên địa bàn tỉnh.

 Khách hàng đang  đặt lệnh giao dịch tại  Sàn  giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột.
Khách hàng đang đặt lệnh giao dịch tại Sàn giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột.

“Bà đỡ” của nông dân

Với sản lượng niên vụ 2011-2012 đạt 487.748 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 621.57 triệu USD, chiếm 18,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, cà phê là sản phẩm nông nghiệp có khả năng cạnh tranh và là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, thị trường cà phê truyền thống đang tồn tại rất nhiều bất cập. Sau hàng loạt các vụ vỡ nợ, phá sản dây chuyền từ phía các đại lý thu mua cà phê lớn từ năm 2001 đến nay, đại đa số nông dân thực hiện xây kho tại nhà để trữ cà phê và bán nhỏ lẻ để bảo đảm khoản chi tiêu cho một khoảng thời gian ngắn. Việc làm này chỉ giải quyết được vấn đề rủi ro mất trắng khi đại lý ký gửi bị phá sản, nông dân vẫn không được lợi nhuận cao với giải pháp này của mình. Nông dân vẫn đang “đánh bạc” với sản phẩm của mình khi tìm kiếm nơi để ký gửi hàng an toàn và bán được với giá mong muốn. Chính vì vậy, cần có một thị trường giao dịch nông sản có tổ chức, an toàn, công bằng và minh bạch, góp phần ổn định sản xuất, ổn định đời sống của bà con nông dân, ổn định kinh tế xã hội, an ninh, chính trị. Điều này thể hiện rõ nhất khi sàn giao dịch là một phương tiện quản lý rủi ro cho người nông dân.Ví dụ: Một người trồng cà phê sẽ thu hoạch cà phê của mình trong 3 tháng nữa, nhưng lo sợ giá cà phê sẽ đi xuống tại thời điểm thu hoạch. Người đó có thể bảo hiểm rủi ro biến động giá bằng cách sử dụng hợp đồng bán kỳ hạn cà phê 3 tháng trên các Sở giao dịch hàng hóa và yên tâm tập trung vào sản xuất để nâng cao sản lượng thu hoạch.

Với hệ thống tổng kho 8.000m2 có sức chứa 15 nghìn tấn cà phê nhân và 1 xưởng chế biến công suất 45 nghìn tấn/năm, đặt ngay tại Sàn giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột, nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, ký gửi cà phê của người sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Sàn giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột đã cùng với các đơn vị ủy thác là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Tập đoàn Cà phê Thái Hòa và Công ty Giám định Hàng hóa CafeControl thiết lập được thị trường giao dịch cà phê thông qua sàn giao dịch với phương thức giao ngay, nhằm tạo điều kiện cho người sản xuất hàng hóa tận dụng tính công khai, minh bạch, an toàn... cũng như các dịch vụ: gửi kho, kiểm định chất lượng, chế biến, tín dụng... qua đó giúp giảm khâu trung gian, tạo môi trường mua bán trực tiếp. Nhờ đó, niên vụ 2008 - 2009, có 18 lượt thành viên gửi cà phê tại kho Trung tâm với tổng số lượng trên 407 tấn. Niên vụ 2009 - 2010, có 43 lượt thành viên gửi cà phê tại kho Trung tâm, tổng số lượng gửi kho trên 641 tấn. Niên vụ 2010 - 2011, có 10 lượt thành viên đăng ký gửi cà phê tại kho Trung tâm với số lượng 80 tấn. Niên vụ 2011 - 2012, có 24 lượt thành viên đăng ký gửi cà phê tại kho Trung tâm với số lượng 137 tấn. Bên cạnh đó, sau khi được Chính phủ cho phép triển khai thí điểm giao dịch cà phê kỳ hạn, tính đến nay sàn giao dịch kỳ hạn đã tổ chức giao dịch khớp lệnh được 9.753 lô, tương đương khối lượng giao dịch 19.506 tấn, đạt tổng giá trị giao dịch trên 880 tỷ đồng.

Để “hút” nông dân lên sàn nhiều hơn...

Rõ ràng, lợi ích đem lại từ việc nông dân đưa hàng hóa của mình lên sàn là điều khó có thể phủ nhận. Sàn sẽ giúp nông dân định giá được sản phẩm của mình, thông qua đó, tránh được những đợt biến động giá cả thất thường, hay tình trạng ép giá từ các thương lái, tiểu thương trung gian, nhất là vào thời điểm mùa vụ. Đồng thời, cũng là động lực giúp nông dân nâng cao chất lượng hạt cà phê làm ra để tăng sức cạnh tranh khi giao dịch qua sàn. Tham gia đưa cà phê giao dịch trên sàn ngay từ những ngày đầu tiên Sàn giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột đi vào hoạt động, ông Hoàng Trọng Đạt (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, những năm trước, nông dân làm ra hạt cà phê vốn đã vất vả, lại bị động và chịu thiệt thòi do thiếu thông tin về thị trường, giá cả cà phê trong nước và thế giới. Có những lúc, giá cà phê thế giới tăng cao thì nông dân không còn hạt nào để bán, song, cũng có những lúc đang vào mùa vụ thì giá lại rớt thê thảm nhưng vì cần tiền nên cũng phải chấp nhận bán với giá rẻ để trang trải chi phí sản xuất. Từ khi mang cà phê của mình “lên sàn”, ông thừa nhận, cũng có nhiều tiện lợi hơn trước, thứ nhất, có nơi để ký gửi cà phê một cách an toàn, chỉ cần ngồi nhà là đã có thể mua, bán được; thứ hai, bán qua sàn, nếu hạt cà phê đạt chất lượng thì sẽ có giá cao hơn thị trường từ vài trăm đến vài ngàn đồng/kg, hơn nữa, các mức giá của sản phẩm giao dịch cũng đã được niêm yết công khai tại sàn giao dịch, người bán sẽ không còn thụ động về thông tin giá cả nữa. Cứ như thế, hằng năm, thu hoạch từ 6 ha cà phê của mình, ông Đạt đều lựa chọn sàn giao dịch để làm nơi “chọn mặt gửi vàng”. Theo ông, Hòa Thuận là một trong những địa phương tiềm năng để phát triển việc giao dịch qua sàn, chỉ có điều hình thức này chưa được phổ biến đến với nhiều người nông dân. Canh tác trên 3 ha cà phê, sản phẩm đạt tiêu chí để “lên sàn”, anh Cao Văn Hào, nông dân tại thôn 2, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột cũng mạnh dạn đưa sản phẩm của mình lên giao dịch, anh cho biết, sau bao nhiêu năm làm ăn theo kiểu thu về hạt cà phê nào thì bán cho đại lý, thương lái hạt đó, có những khi vào mùa vụ, chuyện bị ép giá là chuyện thường, đó là chưa kể, trong lúc lãi suất cho vay của ngân hàng tăng cao, nhiều người ký gửi cà phê tại các đại lý, thương lái thân quen rồi bị lừa mất tiền triệu xảy ra thì kênh giao dịch cà phê qua sàn vẫn được nhiều người như anh lựa chọn vì khá an toàn. Đặc biệt, trong lúc gặp khó khăn về vốn để đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công… cải tạo vườn cà phê thì sàn giao dịch được coi là “phao cứu sinh” cho bà con vì đây là kênh vay vốn rất hiệu quả, lãi suất lại có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, khó khăn đối với hầu hết nông dân là thiếu kiến thức cũng như những thông tin về giá cả, phương thức giao dịch qua sàn. Nếu khắc phục được điều này sẽ còn thu hút khá nhiều nông dân đến giao dịch nữa. Từ khi mang sản phẩm giao dịch trên sàn, ngày ngày, ông Đạt lại càng chăm chỉ mày mò, học hỏi bên chiếc máy vi tính để biết nhiều hơn về công nghệ thông tin bởi mua bán trên sàn đòi hỏi người giao dịch phải rành về máy tính, thành thạo các thao tác cần thiết để nhấp chuột quyết định có bán hay là không. Nhưng, cũng theo ông Đạt, trên thực tế, chẳng có được mấy nông dân “rành” ở lĩnh vực này. Đây cũng thành “trở ngại” đối với những người muốn lên sàn nhưng chưa biết gì về công nghệ thông tin… Trăn trở của ông Đạt cũng là “cái khó” chung, làm trở ngại nhiều nông dân tại các vùng chuyên canh cà phê trong tỉnh khi muốn đưa sản phẩm của mình lên giao dịch tại sàn.

Giang Nam – Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc