Multimedia Đọc Báo in

Ngoài sân cấm mang chai lọ, trong sân tự do buôn bán

10:04, 06/05/2014
Chiều 26-4, tại Sân vận động Dak Lak diễn ra trận bóng đá giữa đội chủ nhà Dak Lak gặp Tập đoàn Cao su Đồng Tháp với tỷ số hòa đã làm hài lòng cổ động viên của hai bên.
 
Tuy nhiên, trong quá trình diễn ra trận đấu đã xuất hiện cảnh tượng không đẹp, đó là việc người bán hàng rong ngang nhiên mang, bán những chai nước ngọt trên các khán đài, trong khi bên ngoài cổng ra vào ghi rõ không được mang chai lọ vào sân.

Khi mới đến cổng sân vận động tôi rất ấn tượng về các quy định khá nghiêm ngặt của Ban quản lý Sân vận động khi không cho khán giả mang các loại vật dụng cứng, chai lọ vào sân nhằm bảo đảm an ninh trật tự cho mỗi trận đấu. Tôi có mang theo chai nước lọc, khi đi qua cổng nhân viên an ninh đã yêu cầu tôi bỏ lại hoặc cho nước vào túi bóng mới được vào sân, tôi đã chấp hành nội quy này. Tuy nhiên, khi vào sân xem trận đấu, được khoảng 30 phút cảnh tượng kẻ mua, người bán bắt đầu nhộn nhịp, nhất là thời gian nghỉ giữa trận đấu. Một người phụ nữ mặc áo khoác màu xanh trên tay mang một rổ đựng nhiều chai nước giải khát nhãn hiệu C2 ríu rít mời tôi và những người bên cạnh. Khoảng 5 phút sau, một người phụ nữ mặc áo màu ghi mang những chai nước khoảng có dung tích 500 ml tiếp tục mời chào khách hàng… Cảnh tượng mua bán tấp nập diễn ra, từ khu khán đài này sang khu khán đài khác, làm mất hình ảnh đẹp trong mắt người xem.

Một khán giả ngồi sau lưng tôi không giấu nổi bức xúc: “Mấy người bán hàng làm tôi thấy chướng mắt quá. Bên ngoài Ban tổ chức thì nghiêm cấm mang chai lọ vào sân, còn trên khán đài những chai nước uống lại được công khai rao bán. Không biết có phải Ban tổ chức một mặt nghiêm cấm, mặt khác thì cho người bán hàng tự do buôn bán các chai nước trên khán đài hay không?...”.

Thiết nghĩ, những hình ảnh phản cảm này cần được nhanh chóng xử lý dứt điểm để những quy định chung tại Sân vận động được thực hiện nghiêm túc.

Nguyễn Long


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.