Phản hồi từ bài báo: "Những bất cập từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung buôn Cuăh"
LTS: Báo Dak Lak số ra ngày 4-6-2014 đã có bài viết “Những bất cập từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung buôn Cuăh”. Sau khi báo đăng, UBND huyện Krông Ana đã có Báo cáo số 117/BC-UBND giải trình các thông tin về Công trình nước sinh hoạt tập trung buôn Cuăh mà bài báo đã đề cập. Để rộng đường dư luận, Báo Dak Lak đăng tải Báo cáo giải trình của UBND huyện Krông Ana, đồng thời trao đổi thêm về một số chi tiết trong bản giải trình.
NỘI DUNG BÁO CÁO GIẢI TRÌNH CỦA UBND HUYỆN KRÔNG ANA
Về bài báo “Những bất cập từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung buôn Cuăh” của phóng viên Lê Thành đăng trên Báo Dak Lak ngày 4-6-2014: Thông tin “… nay lại quay về với việc gùi từng can nước từ sông, suối…” không đúng với thực tế; thông tin “… thông qua hệ thống xử lý làm sạch…” là không đúng vì công trình không có hệ thống này. Về ý kiến khẳng định của ông Hoàng Ngọc Long (chuyên viên Phòng Dân tộc huyện Krrông Ana – PV) “…Hiện nay, có nhiều đoạn ống nước chưa được chôn lấp cẩn thận còn nằm ngổn ngang trên mặt đất…” là không đúng và phóng viên cũng không hề xác minh lại trên thực tế, nhưng lại viết trên báo. Ông Hoàng Ngọc Long đã giải thích như sau: Trong khi trao đổi với phóng viên (do Trưởng Phòng Dân tộc đi vắng) ông Long nói đến có những đoạn ống dẫn thi công chưa đủ chiều sâu theo thiết kế; vì trước khi công trình được nghiệm thu, thanh tra huyện đã tiến hành thanh tra và chỉ rõ trong Kết luận số 02/KL-TTr, ngày 6-3-2014. Phòng Dân tộc đã yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương khắc phục những hạng mục thi công chưa đúng thiết kế (có báo cáo của Phòng Dân tộc cho UBND huyện gửi kèm). Câu “… chưa kể chất lượng đường ống lại được làm bằng nhựa cứng, độ bền thấp…” là do phóng viên tự suy diễn; trong khi thi công xây dựng công trình, Phòng Dân tộc đã cùng đơn vị giám sát kiểm tra chi tiết các hạng mục cũng như các loại vật tư, thiết bị trước khi lắp đặt đúng với chủng loại, chất lượng trong dự toán được duyệt và vận hành thử nghiệm công trình trước khi nghiệm thu và bàn giao. Trong khi trao đổi với phóng viên, ông Long có nêu thêm thông tin có điểm ống dẫn bị người dân đập vỡ, đây là ý kiến muốn trao đổi thêm về ý thức của người dân trong bảo vệ tài sản của Nhà nước, đồng thời đề nghị phóng viên khi viết bài cần lồng ghép việc tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ các công trình của Nhà nước đầu tư trên địa bàn, nhưng phóng viên lại cho rằng đường ống có thể bị vỡ khi có phương tiện giao thông hay gia súc đi lại. Ở đây đường ống dẫn nước nằm trong vườn của các hộ gia đình, các đoạn qua đường đều có lồng ống thép theo đúng thiết kế.
Thông tin về việc UBND xã Ea Na thống kê, lập danh sách các thiết bị hư hỏng, mất mát gửi UBND huyện xin kinh phí… chưa thấy ngành chức năng của huyện có động tĩnh gì”, thì chủ tịch UBND xã Ea Na khẳng định UBND xã chưa bao giờ có văn bản này gửi UBND huyện.”
UBND TỈNH YÊU CẦU HUYỆN KRÔNG ANA “NGHIÊM TÚC RÚT KINH NGHIỆM”
Liên quan đến một số thông tin trong báo cáo giải trình của UBND huyện Krông Ana về bài báo “Những bất cập từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung buôn Cuăh”, Báo Dak Lak xin được trao đổi thêm để bạn đọc hiểu rõ hơn một số chi tiết trong bài báo như sau:
Báo cáo giải trình khẳng định: Thông tin “… nay lại quay về với việc gùi từng can nước từ sông, suối…” là không đúng thực tế. Tuy nhiên, đây là sự thật mà phóng viên đã ghi nhận được khi đi thực tế tại buôn Cuăh. Thực tế cho thấy, gần địa bàn buôn Cuăh có suối Ea K’lư (cách khoảng 1 km) và sông Krông Ana cách đó không xa (khoảng 3 km). Vào mùa khô (khi công trình cấp nước nói trên chưa vận hành được), nước sinh hoạt tại một số giếng trong buôn Cuăh thiếu hụt thì người dân vẫn thường xuyên gùi can nhựa đi lấy nước tại các sông, suối này về sử dụng.
Báo cáo giải trình nêu: Về ý kiến khẳng định của ông Hoàng Ngọc Long “…Hiện nay, có nhiều đoạn ống nước chưa được chôn lấp cẩn thận còn nằm ngổn ngang trên mặt đất…” là không đúng và phóng viên cũng không hề xác minh lại trên thực tế, nhưng lại viết trên báo…; Câu “… chưa kể chất lượng đường ống lại được làm bằng nhựa cứng, độ bền thấp…” là do phóng viên tự suy diễn… Trước hết chúng tôi khẳng định đây là nguyên văn câu trả lời của ông Hoàng Ngọc Long với phóng viên (có ghi âm). Đồng thời, qua thực tế xác minh của phóng viên Báo Dak Lak tại công trình này cho thấy, việc chôn đường ống nước của đơn vị thi công có nhiều đoạn chỉ sâu chưa đầy 20 cm (trong khi theo thiết kế là đường ống nước phải được chôn sâu 60 cm), trong quá trình mưa rửa trôi đất, một số đoạn ống trong vườn nhà dân đã bị “phơi” trên mặt đất. Do vậy, bài báo nhận định: “Chưa kể chất lượng đường ống lại được làm bằng nhựa cứng, độ bền thấp, việc gia súc hay bất kỳ phương tiện giao thông của người dân khi qua lại đè nén lên cũng dễ làm đường ống bị vỡ” là hoàn toàn thực tế, có cơ sở chứ không hề “tự suy diễn”. Liên quan đến chi tiết này, ông Hoàng Ngọc Long cũng đã khẳng định với phóng viên Báo Dak Lak: “Đây là lỗi của đơn vị thi công đã làm ẩu, dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm, mà nguyên nhân chính là việc chôn lấp hệ thống đường ống dẫn nước quá nông”.
Báo cáo giải trình nêu: Thông tin về việc UBND xã Ea Na thống kê, lập danh sách các thiết bị hư hỏng, mất mát gửi UBND huyện xin kinh phí… chưa thấy ngành chức năng của huyện có động tĩnh gì”, thì Chủ tịch UBND xã Ea Na khẳng định UBND xã chưa bao giờ có văn bản này gửi UBND huyện. Chúng tôi cũng xin được nói rõ, đây là nguyên văn trả lời của Phó Chủ tịch UBND xã Ea Na Nguyễn Đức Chơn khi tiếp xúc với phóng viên Báo Dak Lak (đã được phóng viên ghi âm và trích dẫn lại)
Riêng chi tiết mà Báo cáo giải trình đề cập: Thông tin “… thông qua hệ thống xử lý làm sạch…” là không đúng vì công trình không có hệ thống này là đúng. Đây là sơ suất của phóng viên trong quá trình tiếp nhận, xác minh và xử lý thông tin. Chúng tôi sẽ yêu cầu phóng viên rút kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp.
Ở đây chúng tôi cũng xin nói thêm, sau khi Báo Dak Lak số ra ngày 4-6-2014 đăng tải bài viết “Những bất cập từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung buôn Cuăh”, ngày 28-6-2014, UBND huyện Krông Ana đã chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư là Phòng Dân tộc huyện khắc phục, sửa chữa hệ thống đường ống và lắp đặt rôminê bị mất để đưa công trình cấp nước này vào hoạt động. Tại buổi họp báo định kỳ tháng 6 do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 2-7-2014, đại diện phía UBND huyện Krông Ana cũng đã thông tin về sự việc và khẳng định đã khắc phục sau khi sự việc được báo chí đăng tải thông tin. Tại cuộc họp báo này, đồng chí Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Krông Ana nghiêm túc rút kinh nghiệm, tránh tình trạng làm sai rồi sửa chữa gây tổn thất tiền của Nhà nước. Đặc biệt rút kinh nghiệm đối với việc lựa chọn đơn vị thi công các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện về sau.
Tòa soạn
Ý kiến bạn đọc