Multimedia Đọc Báo in

Khoanh vùng bảo vệ, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Dliê Ya - Cư Jú: Mong mỏi của người trong cuộc

12:30, 14/04/2014

Trước thông tin UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng gấp rút lên kế hoạch khoanh vùng bảo vệ và lập hồ sơ Khu Di tích lịch sử Dliê Ya - Cư Jú trình cấp thẩm quyền phê duyệt đã khiến không ít người chờ đợi, quan tâm… nhất là đối với những cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu tại vùng căn cứ cách mạng này trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ năm xưa.

Nhân chứng một thời

Ở tuổi 60, cựu binh Đinh Quang Lâm (dân tộc Tày, hiện trú tại thôn Giang Đại, xã Ea Puk - huyện Krông Năng) nhớ lại: cuối tháng 10-1971, từ bộ phận cảnh vệ Bộ Tư lệnh Quân khu 5, ông được biệt phái lên khu căn cứ H4 (Dliê Ya - Cư Jú) làm cần vụ cho đồng chí Huỳnh Văn Cần - Bí thư Tỉnh ủy Dak Lak  lúc đó. Khu căn cứ này rộng lắm, bao gồm cả vùng Krông Năng, M’Drak, Buôn Hồ, Krông Buk (Dak Lak) lan sang tận Krông Pa, Phú Túc, Phú Bổn (Gia Lai). Nằm trên một vùng rộng lớn như vậy, nên công tác bảo đảm bí mật cho mọi hoạt động của chính quyền cách mạng trong chiến khu là nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho mỗi cán bộ, chiến sĩ ở đây. Họ vừa chiến đấu, vừa sản xuất để tự túc lương thực, đồng thời từng bước xây dựng nhiều công trình thiết yếu như: bệnh xá, trạm thông tin - liên lạc, kho tàng dự trữ lương thực, vũ khí… nhằm phục vụ kháng chiến. Nhiều anh em phải nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề như vậy nên đã có không ít người đã ngã xuống vì bệnh tật, sự bố ráp và vây bắt của kẻ thù.    

Đầu năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết thì tình hình cách mạng miền Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng, trong đó có Khu căn cứ H4 đã có sự biến chuyển mau lẹ trước những nhiệm vụ đặt ra: Tiếp tục củng cố, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng để uy hiếp các quận lị hành chánh cũng như các cứ điểm quân sự của địch; phát triển mạnh mẽ lực lượng bộ đội địa phương để sẵn sàng phối hợp với quân chủ lực tấn công kẻ thù khi thời cơ đến. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy Dak Lak đã gấp rút kiện toàn hệ thống chính trị, quân sự, vũ trang và địch vận trên toàn vùng căn cứ địa kháng chiến. Ông Lâm kể: Lúc đó, đồng chí Huỳnh Văn Cần (Bí thư Tỉnh ủy) đi lại như “con thoi”,  từ Dak Tuar - Krông Bông đến Dliê Ya - Cư Jú và ngược lại để nắm tình hình và chỉ đạo công việc kịp thời. Công việc trở nên dồn dập và khẩn trương hơn trong bối cảnh chính quyền Sài Gòn như “con thú cùng đường” khi quân đội Viễn chinh Mỹ lần lượt rút khỏi miền Nam - Việt Nam sau Hiệp định Paris, nhưng vẫn còn nhận được sự “hà hơi, tiếp sức” từ Lầu Năm Góc, đã điên cuồng càn quét, oanh tạc các vùng căn cứ của ta nhằm lấy lại thế cân bằng trên chiến trường, khiến địa bàn vùng căn cứ H4 Dak Lak và cả vùng Tây Nguyên trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Ông Lâm bồi hồi: Riêng đại đội bảo vệ Văn phòng Tỉnh ủy Dak Lak lúc bấy giờ đã có gần chục người hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Điều làm người cựu binh này đau đáu khôn nguôi là trong số những cuộc đời gửi lại vào vùng đất này, đến nay vẫn chưa tìm thấy, hoặc đã tìm thấy thì cũng chưa rõ danh tánh, quê quán nơi nào.

Đoàn khảo sát của Cơ quan Quân sự huyện Krông Năng đã tìm thấy những thanh sắt dùng để lắp đặt trạm truyền tin tại khu căn cứ kháng chiến Dliê Ya - Cư Jú.                                                    (Ảnh do Đài TH-PT huyện Krông Năng cung cấp)
Đoàn khảo sát của Cơ quan Quân sự huyện Krông Năng đã tìm thấy những thanh sắt dùng để lắp đặt trạm truyền tin tại khu căn cứ kháng chiến Dliê Ya - Cư Jú. (Ảnh do Đài TH-PT huyện Krông Năng cung cấp)

Bởi thế, khi ông Lâm cũng như nhiều cán bộ cách mạng lão thành khác nghe tin Đảng bộ và chính quyền địa phương có chủ trương khoanh vùng, bảo vệ rồi tiến tới công nhận Di tích lịch sử cho Khu căn cứ kháng chiến Dliê Ya - Cư Jú thì họ rất đỗi vui mừng, vì ai cũng biết đây là một trong những khu căn cứ kháng chiến quan trọng nhất của Tỉnh ủy Dak Lak, có bề dày lịch sử gắn liền với nhiều chiến công, hy sinh gian khổ của phong trào cách mạng Dak Lak cuối thời kỳ kháng chiến chống Pháp và xuyên suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột 10-3-1975, mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam mùa Xuân 1975. Việc khảo sát, khoanh vùng bảo vệ khu căn cứ kháng chiến này là cần thiết, đáp ứng sự mong mỏi của nhiều người - đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay, lấy đó làm niềm tự hào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Bước khởi động ban đầu

Từ năm 2008, UBND tỉnh đã có Quyết định 360/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn khảo sát Khu căn cứ kháng chiến Dliê Ya - Cư Jú để làm cơ sở cho việc xây dựng hồ sơ công nhận di tích lịch sử sau này. Theo Thượng tá Vũ Văn Phượng - Cơ quan Quân sự huyện Krông Năng, trong hai năm 2008-2009 đã tổ chức được ba đoàn khảo sát theo Quyết định trên, trong đó có đoàn tập hợp khá đầy đủ các ban, ngành liên quan trong tỉnh cùng sự tham gia của nhiều nhân chứng lịch sử như ông Ama Thương, Lê Chí Quyết - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Dak Lak, ông Hồ Quảng Trị - nguyên cán bộ trinh sát Tỉnh đội, Nguyễn Thanh Vân - nguyên cán bộ Ban Dân y tỉnh và ông Đinh Quang Lâm - cần vụ cho nguyên Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Cần trong thời kỳ chiến tranh. Qua khảo sát, các đoàn đã có báo cáo kết quả: Xác định được các vị trí làm việc của UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Dak Lak; Trường Đảng; Ban Tổ chức Tỉnh ủy và nơi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II.

Từ những cứ liệu này cho thấy quy mô, tầm cỡ của một di tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng như vậy rất cần được bảo vệ, tôn tạo và công nhận. Theo đó, chính quyền địa phương nên có lộ trình, kế hoạch cụ thể, khẩn trương để xây dựng khu di tích này trở thành điểm đến tham quan, thăm viếng cho mọi người. Điều này càng trở nên cấp thiết khi hiện nay cảnh quan, môi trường nơi đây đang bị xâm hại ngày càng nặng nề trước các vấn nạn chặt phá rừng, xâm chiếm đất rừng để làm nương rẫy khiến khu căn cứ kháng chiến năm xưa đang mất dần nguyên trạng.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc