Multimedia Đọc Báo in

Mùa lễ hội ven sông Hồng

16:12, 09/11/2014
Mềm mại vắt mình qua những triền đồi trung du và đồng bằng để rồi hòa mình vào biển Đông, sông Hồng như chứng nhân của lịch sử dân tộc trong cuộc hành trình trường kỳ khai phá thiên nhiên, mở mang và giữ gìn bờ cõi, tạo dựng một nền văn minh châu thổ rực rỡ.
 
Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với đền, đình, chùa cổ kính, những làng cổ, làng nghề cùng các lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc của cư dân vùng đất đôi bờ sông Hồng và những phụ lưu đã phần nào cho thấy điều đó.

Các lễ hội ven sông Hồng thường bắt đầu từ hội làng, nhưng có những lễ hội đã vượt khỏi ranh giới hội làng để trở thành lễ hội của một vùng. Đến lễ hội để tìm hiểu, nhận biết vẻ đẹp các giá trị văn hóa của dân tộc và tưởng nhớ các bậc anh hùng có công khai phá, xây dựng đất nước, chống giặc ngoại xâm, những ông tổ dạy nghề, truyền nghề hoặc các đấng thần linh giúp con người hướng thiện, tạo dựng cuộc sống ấm no, bình yên - là nét đẹp của người dân đất Việt.

Điều đặc biệt là trong số lễ hội ven sông Hồng có nhiều lễ hội lớn, tôn vinh những vị thánh trong dân gian như: Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng, Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Đức Thánh Chử Đồng Tử.

Từ Hà Nội, ngược lên phía trên dòng sông khoảng gần 30 km, trên một quả đồi thuộc xã Trung Hưng (thị xã Sơn Tây) là đền Và, còn gọi là Đông Cung, một trong bốn nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh, người anh hùng thần thoại trong việc trị thủy chống thiên tai. Đền Và có cảnh quan khá ngoạn mục, nằm trên đồi cao rợp mát bóng cây lim cổ thụ, rất bề thế với kiến trúc độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao. Hội đền Và tổ chức vào ngày rằm tháng giêng âm lịch hằng năm. Cứ ba năm một lần lại mở hội lớn, diễn ra từ sáng sớm 13 tháng giêng, mở đầu là lễ cáo thần, rước bài vị Thánh Tản qua sông Hồng. Cuộc rước này rất lớn, có sự tham gia của tám làng hai bên sông của hai tỉnh thành là Vĩnh Phúc và Hà Nội. Dân các vạn chài ghép nhiều thuyền lại áp kiệu qua sông, sau đó lấy nước sông Hồng làm lễ “tắm ngai” ở đền Dội bên kia sông, rồi quay về tế ở đền Và. Cuộc rước này gắn với truyền thuyết cô thôn nữ cắt cỏ bên sông gánh nước giúp Đức Thánh Tản Viên tắm rửa trước khi về núi sau cuộc hành trình du ngoạn. Trong thời gian lễ hội còn diễn ra nhiều tục lệ và trò vui như đánh cá, đấu vật hầu Thánh… Đền Và hiện là điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch, bởi cảnh quan và nếp sống cộng đồng, tính hướng thiện trong đời sống tâm linh dân tộc.

Cũng thuộc địa phận Hà Nội, nhưng ở mạn dưới, ngay sát bên sông Hồng có ngôi đền cổ Đại Lộ (xã Ninh Sở, Thường Tín) thờ Đại cán Quốc Nam Hải, vị thánh nương, từng được vua Trần Anh Tông sắc phong Mẫu nghi thiên hạ, do có công trợ giúp vua đánh giặc.

Cách đó không xa là vùng di tích lễ hội về sự tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung, với đền Đa Hòa cổ kính, kiến trúc độc đáo thời Nguyễn. Đền Đa Hòa bên tả ngạn sông Hồng, thuộc xã Bình Minh, huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), nằm trên tuyến du lịch Hà Nội - Phố Hiến trên sông Hồng. Ngôi đền tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, bằng phẳng, quay hướng chính Tây trông sang bãi Tự Nhiên. Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (còn gọi là lễ hội tình yêu) diễn ra trong ba ngày, từ mùng 10 - 12 tháng hai âm lịch. Đây là một lễ hội trong 16 lễ hội lớn nhất trong cả nước, gắn với huyền thoại đẹp về tình yêu bất tử giữa công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Lễ hội có nhiều nội dung như: lễ rước kiệu, lễ rước nước cùng các trò múa rồng, đấu võ, múa sư tử, múa sinh tiền, hát chèo, hát trống quân, đua thuyền…

Hội Gióng ở đền Phù Đổng với nhiều hoạt động phong phú.
Hội Gióng ở đền Phù Đổng với nhiều hoạt động phong phú.

Dọc theo sông Hồng, còn khá nhiều lễ hội đặc sắc. Hội đền Chèm ở xã Thụy Phương (Từ Liêm, Hà Nội) vào tháng năm âm lịch - nơi thờ Lý Ông Trọng, người từng đi sứ giúp nhà Tần dẹp giặc Hung Nô. Tại lễ hội có thả chim bồ câu, bơi chải thể hiện nét hào hoa và tinh thần thượng võ của cư dân vùng sông nước Kẻ Chợ.

Cũng vào những ngày xuân, ở làng Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) có hội Gióng Phù Đổng, tưởng nhớ người anh hùng “vươn vai lớn dậy” nhổ tre làng, cưỡi ngựa sắt đánh giặc Ân thuở đầu dựng nước. Lễ hội diễn ra trong một không gian rộng lớn gồm ba làng liên hoàn và kéo dài từ mùng 1 tháng ba đến mùng 10 tháng 4 âm lịch (ngày hội chính là 9 - 4). Các nghi thức khá trang trọng, uy nghi vừa phảng phất huyền thoại mà đậm chất hiện thực với việc tái hiện trận chiến đánh thắng giặc Ân cùng nhiều trò diễn xướng nghệ thuật dân gian. Ở lễ hội này, tính thượng võ, truyền thống yêu nước, tính cộng đồng làng - nước được đề cao, trở thành một di sản văn hóa vô giá.

Nếu như đoạn sông Hồng chảy qua tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ là vùng lễ hội tưởng nhớ các Vua Hùng, Tản Viên Sơn Thánh và Hai Bà Trưng cùng các Lạc tướng thì mạn Hà Nam, Nam Định lại có lễ hội gắn liền với người anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, tiêu biểu là lễ hội đền Bảo Lộc (huyện Bảo Lộc, Nam Định). Du khách còn có thể đến thăm di tích, cung điện nhà Trần ở làng Tức Mạc phía Bắc TP. Nam Định, nơi phát tích nhà Trần, rộng hàng chục héc-ta, kéo dài từ đền Thiên Trường, Cổ Trạch thờ 14 vị vua Trần và Hưng Đạo Vương; đến chùa Tháp Phổ Minh mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Lý - Trần…

Ngược lên thượng nguồn, “nơi con sông Hồng chảy vào nước Việt” ở địa phận TP. Lào Cai, phải kể đến ngôi đền cổ từ thời Hậu Lê, là đền Thượng thờ Trần Hưng Đạo. Hằng năm vào dịp Tết Nguyên tiêu, nhân dân và chính quyền ở đây tổ chức lễ hội lớn vùng biên ải. Phần hội có trưng bày, triển lãm và những hoạt động nghệ thuật, với sự tham dự của khách trẩy hội, trong đó có nhiều khách đến từ các địa phương thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Lễ hội nổi tiếng ven sông Hồng không thể không kể đến hội chùa Keo ở huyện Vũ Thư (Thái Bình) vào tháng giêng và tháng chín âm lịch. Lễ hội gắn với sự tích thiền sư Không Lộ. Ông là nhà tu hành có chí hướng đạo thiền, thuộc thế hệ thứ chín dòng Thiền Quang Bích, giỏi Phật pháp và giỏi về y lý, được vua Lý phong làm Quốc sư. Hội chùa Keo diễn ra đông vui, tấp nập cùng những nghi lễ tôn giáo và một số tục cổ truyền để tưởng nhớ vị thiền sư có công với dân với nước, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, trò chơi thể thao đậm đà sắc thái truyền thống…

Với một không gian văn hóa rộng lớn, kết tinh những giá trị nhân văn cao đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, các lễ hội ven sông Hồng đã phần nào cho thấy sự đa dạng, phong phú trong đời sống tinh thần của người Việt. Đó chính là nguồn tài nguyên du lịch dồi dào đầy sức hấp dẫn. Nhận thức được điều này, một số doanh nghiệp du lịch đã xây dựng các tuyến du lịch lễ hội ven sông Hồng, gồm nhiều chương trình với thời gian một, hai ngày thậm chí nhiều ngày theo nhu cầu của các đoàn du khách. Đây là tuyến du lịch văn hóa sôi động, liên kết nhiều tỉnh, thành phố tham gia.

Lương Sơn


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.