Multimedia Đọc Báo in

Để các Trung tâm văn hóa phát huy hiệu quả

09:01, 30/12/2015
Các Trung tâm văn hóa cấp huyện có vai trò quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt, học tập và vui chơi, giải trí cho đông đảo công chúng trên địa bàn. Tuy nhiên, thiết chế kèm theo để vận hành các hoạt động đó một cách có hiệu quả là vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay. Thiết chế của các Trung tâm văn hóa cấp huyện, bao gồm cơ sở vật chất, phương tiện trang thiết bị và nhân lực.
 
Hiện nay, 15 huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh đều đã có Trung tâm văn hóa và đây được xem là “địa chỉ” thân thuộc, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho các tầng lớp nhân dân ở địa phương. Tuy nhiên không phải tất cả các Trung tâm hoạt động hiệu quả. Theo đánh giá của Phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở VH-TT-DL), thời gian đầu được xây dựng và đưa vào sử dụng, khai thác, các Trung tâm văn hóa cấp huyện đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, nhưng sau đó nhạt nhòa dần, thậm chí có một số nơi không hoạt động nữa. Điều này được những người làm công tác văn hóa nhìn nhận: hầu hết các Trung tâm văn hóa chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ trang thiết bị, phương tiện cần thiết để hoạt động, việc sắp xếp, bố trí cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ còn thiếu và yếu nên không tạo được các “sản phẩm” hay nói cách khác là “sân chơi” hấp dẫn, thu hút mọi người tham gia. Cũng chính vì yếu tố con người chưa được đáp ứng nên phần lớn các Trung tâm văn hóa cấp huyện chưa hoạch định, xây dựng được phương án hoạt động có tính chất lâu dài và bền vững. Ông Y Kô Niê - Phó phòng Nghiệp vụ Văn hóa cho rằng, các Trung tâm văn hóa cấp huyện hiện nay hầu hết chỉ tập trung vào một số hoạt động bề nổi phong trào và “thời vụ” như hội thi, hội diễn văn nghệ được tổ chức hằng năm với mục đích tuyên truyền, cổ động thực hiện nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội ở địa phương. Một số nơi khác có hình thành vài loại hình câu lạc bộ (thể thao, văn hóa-văn nghệ), nhưng nhìn chung đang hoạt động cầm chừng và ì ạch, không đủ sức hấp dẫn, lan tỏa đến cộng đồng. Mặt khác, sự hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ theo hệ thống dọc - từ Trung tâm văn hóa của tỉnh xuống cơ sở cũng chưa được thường xuyên, gắn kết do thiết chế riêng lẻ cũng như toàn cục trong ngành chưa rõ ràng nên đã ít nhiều hạn chế đến hoạt động chung.
Các em học sinh trên địa bàn huyện Cư M’gar tham gia lớp bồi dưỡng viết văn - thơ và chụp ảnh do Trung tâm Văn hóa huyện Cư M’gar phối hợp  với Hội Văn học - Nghệ thuật Dak Lak tổ chức vào dịp hè 2014.
Các em học sinh trên địa bàn huyện Cư M’gar tham gia lớp bồi dưỡng viết văn - thơ và chụp ảnh do Trung tâm Văn hóa huyện Cư M’gar phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật Dak Lak tổ chức vào dịp hè 2014.

Từ thực tế trên, gần đây Sở chủ quản đã tiến hành khảo sát lại các hoạt động trong hệ thống Trung tâm văn hóa trên địa bàn tỉnh, tìm ra những hạn chế, yếu kém từ đó tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch đầu tư trang thiết bị, kinh phí và tăng biên chế cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa tại các Trung tâm này nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động. Theo đó, Sở VH-TT-DL đã đề xuất với các cấp, ngành chức năng tiến hành quy hoạch và xây dựng Đề án hoạt động cho các Trung tâm văn hóa cấp huyện  phù hợp với thực tế đặt ra. Nhiều người có tâm huyết trong lĩnh vực này cũng mong muốn có cơ chế linh hoạt và năng động hơn cho các Trung tâm văn hóa, để địa phương nào có điều kiện thì tập trung nguồn lực (Nhà nước và nhân dân) đầu tư, nâng tầm các công trình phúc lợi công cộng này theo hướng đa chức năng với nhiều dịch vụ tiện ích hơn. Ví như Trung tâm văn hóa huyện Cư M’gar hiện nay không còn bó hẹp trong khuôn khổ sinh hoạt cộng đồng thuần túy nữa, mà đã liên kết và mở rộng nhiều hoạt động có tính chất chuyên sâu về giáo dục thể chất, kỹ năng nghề nghiệp cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ có nhu cầu nâng cao tri thức trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Anh Phan Xuân Dũng - Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm thường chủ động phối hợp với các tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Chẳng hạn như dịp hè vừa qua, có gần 100 học sinh THCS và PTTH trên địa bàn Cư M’gar có nhu cầu được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng viết văn, thơ, chụp ảnh… Trung tâm đã nhanh chóng lên kế hoạch phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật Dak Lak tổ chức dạy cho các em. Theo ông Dũng, chủ động làm được điều đó là lợi cả đôi đường - vừa thực hiện tốt công tác chuyên môn, vừa tạo ra sự tương tác về mặt “cung-cầu” trong nhận thức của cộng đồng xã hội. Hay như việc đứng ra mời nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc, Trung tâm luôn là “địa chỉ” tin cậy cho những ai đam mê và yêu thích cũng nhờ cách làm ấy.

Từ điển hình này cho thấy, Trung tâm văn hóa địa phương nào chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình hoạt động phù hợp với thực tiễn thì nơi đó người dân có điều kiện nâng cao đời sống tinh thần cũng như có cơ hội hiểu biết, khám phá và hưởng thụ vốn văn hóa từ cộng đồng  mang lại.

Phương Bối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.