Hồn quê, sông nước trong dân ca Tây Nam bộ
Tây Nam bộ hay Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất được tiền nhân ta khai mở sau cùng trong quá trình Nam tiến. Đồng bằng sông Cửu Long có địa hình thấp, mênh mang sông nước, vừa có biển lớn nhiều cá tôm, vừa có đồng bằng phì nhiêu rộng lớn, vườn tược xanh tươi, ở phía Tây Nam còn có núi non hùng vĩ; cư dân nơi đây xưa nay được tiếng là hiền lành, chân thật, cần cù, nhân nghĩa rạch ròi, cởi mở, hiếu khách… Dân ca Tây Nam bộ hầu như phản ánh các nội dung trên.
Ảnh minh họa |
Dân ca Tây Nam bộ ngày nay có khá nhiều trong dân gian, thể hiện sinh động, rõ nét qua các làn điệu “lý”. Lý khác với ca dao, hò, vè ở chỗ: Lý mang tính nhạc (hát), trong khi ca dao, hò, vè mang thuộc tính của thi ca (thơ). Các bài lý tiêu biểu, đại diện cho dân ca của các “miệt”, địa phương của miền Tây Nam bộ rất phong phú những làn điệu như: Lý ngựa ô, Lý cái mơn, Lý cây bông, Lý con sáo Gò, Công (Lý con sáo sang sông), Lý con sáo Bạc Liêu, Lý quạ kêu, Lý chiều chiều, Lý bông dừa, Lý Năm Căn, Lý Ba Tri, Lý tòng quân, Lý Mỹ Hưng, Lý kéo chài, Lý qua cầu… Mỗi bài lý gần như giống nhau về cấu trúc, giai điệu (nhịp, vần, điệu). Có nhiều lời ca cho một bài lý. Soạn giả cơ bản chỉ “viết lời mới”. Ở vọng cổ 6 câu cũng vậy, điều này rất khác biệt so với nhạc sĩ soạn tân nhạc – mỗi bản nhạc bắt buộc phải khác nhau về giai điệu, về lời.
Khi nghe kỹ và nghiên cứu về dân ca Tây Nam bộ người ta thấy rằng hầu như đa phần trong các điệu lý đều có hình bóng con sông, bến nước, làng quê và trong những làn điệu trữ tình tha thiết ấy luôn có tình cảm nhớ quê hương, nhớ về ký ức lứa đôi nơi quê nhà. Ví dụ như lời ca trong bài “Lý Cái Mơn”:
Đàn cò bay về nơi thương nhớ
Nhớ bến sông xưa in hình bóng của người yêu
Gió đưa mây ngàn mây tím
sóng xô ngập ngừng
Chiều dần buông vẫn còn chờ ai
nhớ tóc em bay bay
Bay theo lòng chung thủy câu hẹn ngày xưa
Màu thời gian còn chưa phai sắc
Sắc hương hoa đôi bờ sóng vỗ tình quê
Có hay chăng thuyền xa bến
bến trông thuyền về
Thuyền tình ơi hãy chờ đợi ta
bao tháng năm trôi qua
Nhưng người xưa vẫn luôn ngóng
đợi tình chung
Trong bài lý này không gian làng quê hiện ra thơ mộng, lãng mạn với một nỗi niềm hoài niệm man mác. Ta có thể hiểu trong bài lý này là một chuyện tình của một lứa đôi được ví như thuyền với bến: Thuyền là cô gái đã đi xa rồi, còn bến là chàng trai quê vẫn còn ngóng đợi. Không gian, cảnh vật, phương tiện được cách điệu qua lời ca luyến láy nhiều cảm xúc…
Thường có ba thành phần cấu thành một bài ca cổ (vọng cổ, hoặc lý, hoặc bản vắn), đó là “nhất nhịp, nhì ca, thứ ba là lời”. Bài ca cổ có thành công hay không đều cần phải có đồng bộ ba yếu tố trên: Soạn giả đặt lời ca theo khuôn phép có sẵn nhưng phải có ca từ hay. Người ca phải ca đủ nhịp sao cho khi xuống, rớt (dứt) đúng chữ (nhịp) sau cùng (hò, xang, cống, liu). Người đàn cũng phải giữ đúng nhịp, đồng bộ với người ca. Khán thính giả yêu thích nghe ca cổ hoặc lý dễ tính mà cũng khó tính, người biểu diễn hay hoặc yếu họ phát hiện ngay; riêng soạn giả nếu soạn lời ca dở, trúc trắc, dù có phân đủ nhịp thì cũng sẽ không được người ca, thầy tuồng chấp nhận. Lời ca của lý thường mượt mà, luyến láy, âm hưởng trầm bổng, thôi thúc, tạo cho người nghe nhiều cảm xúc đồng điệu.
Lý ở miền Tây là một thể loại ca nhạc (cổ) ngắn có vần điệu với lời ca giàu chất trữ tình, thường có nội dung gợi nhớ quê hương, tình yêu, mang âm hưởng làng quê, sông nước. Do đó các điệu lý thường khá dễ hát, dễ biểu diễn và cũng dễ đi sâu vào lòng quần chúng. Lý cũng như ca dao, tục ngữ, hò vè là di sản văn hóa dân gian phi vật thể vô cùng phong phú và đa dạng đã in sâu vào trong lòng người dân nơi đây, từ thuở tiền nhân ta đi khai mở đất phương Nam. Ngày nay điệu lý là một bộ phận không thể thiếu được trong biểu diễn ca cổ hiện đại. Những làn điệu lý với lời ca hay, đẹp; nghệ sĩ, nghệ nhân biểu diễn tốt, đạt… luôn được người thưởng thức trân trọng và mến mộ.
Đặng Hoàng Thám
Ý kiến bạn đọc