Multimedia Đọc Báo in

Vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở

09:08, 30/12/2015
Từ xa xưa, khi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, mỗi làng, thôn, buôn, bản đều có những quy định do các bô lão và những người có chức sắc trong làng khởi thảo và sau đó đưa vào áp dụng trong cuộc sống. Người dân ta quen gọi nôm na là “lệ làng” nhưng thực chất đó là hương ước, nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử trong các mối quan hệ xã hội của làng, thôn ấy. Hương ước là danh từ thông dụng và có ý nghĩa đầy đủ nhất để gọi bản ghi chép hệ thống lệ làng. Hương ước còn có tên gọi khác như hương biên, hương lệ, hương khoán hay khoán làng…

Kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thì vấn đề xây dựng và thực hiện hương ước được Chính phủ quy định tại Điều 2 của Chỉ thị 24/1998: “Khi dự thảo hương ước, quy ước phải do dân làng thảo luận, được hội nghị cử tri hoặc đại biểu hộ gia đình ở thôn, buôn khu dân cư thông qua và được UBND cấp huyện phê duyệt trước khi thi hành, nhằm tránh những quy định vi phạm pháp luật”.

Luật tục của người Êđê và M'nông về bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước.
Luật tục của người Êđê và M'nông về bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước.

Có thể nói rằng, hương ước là một phần của văn hóa làng, mang tính cộng đồng cao nên phải được xây dựng trên tinh thần dân chủ, theo nguyện vọng của số đông người dân trong thôn, buôn nhằm gìn giữ thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống, nhất là quá trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, do đặc điểm dân cư ở Dak Lak ngoài cư dân bản địa Êđê , M’nông... có các luật tục, thì phần lớn còn lại là người dân từ nhiều tỉnh, thành khác đến nhập cư, mỗi địa phương có những phong tục tập quán riêng, nên khi soạn thảo hương ước, quy ước khó vận dụng được các luật tục. Mặt khác, năng lực của đội ngũ cán bộ trong ban soạn thảo còn hạn chế nên các địa phương thường rập khuôn một cách máy móc, khiến các bản hương ước, quy ước đều “na ná” giống nhau.

Qua tham khảo hương ước, quy ước của một số thôn, buôn cho thấy cấu trúc của một bản hương ước, quy ước ngoài lời nói đầu được nêu khái quát đặc điểm riêng của từng thôn, buôn, thì phần còn lại những quy định thuộc các lĩnh vực như: phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, việc hiếu, hỷ, vệ sinh môi trường, khuyến học, lễ hội, các khoản đóng góp quỹ, giữ gìn an ninh trật tự… chỉ dựa vào hương ước mẫu rồi thay đổi cách hành văn và quy định mức đóng góp hoặc thưởng phạt khác nhau mà thôi, hoặc lại quy định lặp lại những điều mà pháp luật đã điều chỉnh. Đã có nhiều bản  hương ước quy định: “Nghiêm cấm mua bán, sử dụng, vận chuyển các loại văn hóa phẩm đồi trụy, kích động bạo lực…”, điều này là không cần thiết vì vấn đề này pháp luật đã có quy định rất cụ thể. Việc vận dụng luật tục trong xây dựng hương ước, quy ước cần thể hiện được tính cụ thể và bản sắc riêng của từng địa bàn.

Chẳng hạn, luật tục của đồng bào Êđê có 236 điều, hay luật tục của đồng bào M’nông có 215 điều, bao gồm các nội dung về quan hệ cộng đồng, quan hệ chủ buôn với dân làng, giữa cha mẹ với con cái, về sở hữu tài sản, sở hữu đất đai, rẫy nương, nguồn nước, giữ gìn an ninh trật tự cộng đồng… trong đó về bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước được buôn làng đặc biệt quan tâm. Bởi vì ngay trong tín ngưỡng của họ cũng luôn luôn có sự hiện hữu của các vị thần núi (Yang Cữ), thần nước (Yang Êa), thần đất (Yang Lăn), đó chính là nguồn sống của con người cần phải được bảo vệ. Hoặc luật tục của đồng bào Mông rất coi trọng sự chung thủy của vợ chồng nên quy định xử phạt nặng đối với tội ngoại tình: “Vợ chồng phải sống chung thủy với nhau, chăm lo dạy dỗ con cái, không để xảy ra bạo lực gia đình, nếu người đàn ông ngoại tình thì bị xử phạt 30 kg thịt lợn, còn người đàn bà ngoại tình bị phạt 36 kg thịt lợn... ” (hương ước của thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông).

Còn quy ước của một số buôn đồng bào dân tộc Êđê, M’nông vận dụng luật tục trong việc xử phạt đối với những người vi phạm các quy định trong quy ước, thường là một ché rượu hoặc 1 ché rượu và 1 con gà...

Hiện nay, thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, thì hương ước càng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, nó không chỉ đơn thuần là những quy định ứng xử, khen thưởng hay xử phạt, mà còn như một công cụ để định hướng người dân “sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”. Thiết nghĩ, khi xây dựng, điều chỉnh hay bổ sung hương ước phải mang tính giáo dục cao, những quy định phải kích thích được tinh thần tự giác của người dân, phát huy vai trò của trưởng họ tộc và vai trò tự chủ của kinh tế hộ gia đình, từ đó huy động được mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu của địa phương. Đồng thời cần bổ sung những quy định cụ thể về thái độ, hành vi ứng xử văn hóa giữa người với người, giữa cá nhân với cộng đồng. Những quy định trong hương ước phải mang tính khả thi, coi trọng biện pháp tuyên truyền, vận động gắn với khen thưởng, không nên đặt nặng việc xử phạt, đồng thời khắc phục tình trạng xây dựng hương ước mang tính “đối phó” để được công nhận thôn, buôn văn hóa, rồi sau đó “rơi vào quên lãng”.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc