Bếp lửa trong đời sống văn hóa người Tày
Ngay trên chỗ đun nấu bao giờ cũng có cái gác bếp. Gác bếp hình chữ nhật, làm bằng tre, kích thước to nhỏ tùy theo, nhưng thường có chiều dài chừng sải tay, chiều rộng chừng cánh tay, trông từa tựa cái mặt chõng tre của người miền xuôi. Gác bếp được treo ngay phía bên trên bếp lửa, ngang tầm người đứng. Gác bếp là nơi để các thứ lặt vặt: om mỡ, lọ mì chính, gói hạt tiêu, bó tỏi khô, ớt khô, tiện cho việc nấu nướng hằng ngày. Ngoài ra, một số vật dụng khác như rổ rá, giần sàng, bó đóm làm đuốc, bó nan, nắm lạt… cả những gói hạt giống dành để vụ sau, hay bó măng khô cũng được cất giữ trên đó.
Bếp lửa của người Tày. Ảnh: T.L |
Bếp lúc nào cũng đượm hơi lửa, hơi khói. Gác bếp ám khói đen bóng, đồ vật để ở đây không sợ bị hư hỏng, mối mọt, ẩm mốc. Gác bếp còn như nơi cất giữ thức ăn. Những lúc quăng chài, thả lưới đánh bắt được nhiều cá, ăn không hết, người ta lại làm món cá sấy để dành. Cá nhỏ thì làm ruột sơ qua, để nguyên con, cặp thành từng gắp. Cá to cỡ ba bốn ngón tay trở lên, làm sạch, mổ banh ra, ướp muối, xát nước gừng rồi cặp vào vỉ tre tươi, treo trên gác bếp. Cứ để như thế mươi bữa nửa tháng, thịt cá khô dần, săn lại. Khi ăn đem hấp nồi cơm, hoặc nướng lên, thịt cá vẫn giữ được mùi vị, vừa dai vừa chắc, thơm và ngọt.
Món thịt lợn muối xông khói, thịt trâu, thịt bò sấy… cũng được bắt đầu từ cái gác bếp. Nhưng hấp dẫn hơn cả vẫn là món trâu khô. Thịt trâu xẻ từng miếng dài, bản rộng chừng ba ngón tay hoặc cắt thành từng miếng lớn, tẩm ướp với ít muối trắng, gừng, rượu. Sau đó xâu thành từng xâu treo trên gác gếp. Thịt được lửa hun, khói xông, lâu ngày khô quắt lại, rắn đanh từng thỏi. Món thịt trâu khô này thật đặc biệt. Khi ăn, lấy thỏi thịt treo trên gác bếp xuống, ngâm trong nước nóng một lúc cho nở mềm ra. Rửa sạch muội khói, dùng dao sắc thái thịt thành từng lát mỏng. Đĩa thịt trâu đỏ au màu gỗ nghiến đem xào mỡ, cho thêm gừng thái chỉ, rưới thêm chút rượu trắng, dấm thanh, cứ thơm phưng phức. Cả nhà quây quần ngồi ăn bên bếp lửa, ấm áp vô cùng.
Thịt trâu khô còn được đem nướng rồi xé thành sợi chấm muối ớt. Món này dùng để đưa cay thì thật khoái khẩu. Đấy là nói về cái gác bếp treo. Còn một loại gác nữa không thể thiếu trong gian bếp của người Tày. Gác này làm bằng những cây vầu lát trên xà ngang của gian bếp, rất chắc chắn. Đây là nơi chứa ngô, khoai, bí đỏ, lúa nếp… và các vật dụng cồng kềnh khác.
Ngô bẻ về để nguyên cả vỏ, từng lớp xếp cao đều chằn chặn. Lúa nếp từng gồi chất cao. Khoai lang đổ từng đống. Bí đỏ nằm lăn lóc… Nhìn vào cái gác bếp ấy, người ta có thể đánh giá được sự cần mẫn, siêng năng cũng như sự no đủ, sung túc của chủ nhà.
Đêm mùa đông, lũ trẻ ngồi chuyện gẫu bên bếp lửa, chán chê rồi lại rủ nhau luộc khoai ăn. Khoai lang để trên gác bếp lâu ngày, củ nào củ nấy cứ khô rắn lại nên phải đun khá lâu. Cứ để nồi khoai sôi cho đến khi sờ thấy khoai mềm nhũn ra là được. Khoai lên mật dẻo quánh, ngọt lịm, ăn đến no mà vẫn còn thèm.
Người miền núi ở các bản làng, sau một ngày làm lụng vất vả, buổi tối người ta thường đến nhà nhau chơi. Bếp lửa trở thành phòng khách của gia đình. Mọi người ngồi quây quần, sưởi lửa, nói chuyện nhà chuyện bản, chuyện mùa màng thời vụ. Bát rượu sóng sánh chuyền tay, câu chuyện càng trở nên thân tình, rôm rả.
Bếp lửa cũng là nơi những chàng trai cô gái ngồi tâm tình những đêm mùa đông. Người già đi nằm sớm, nhường chỗ ngồi bên bếp lửa cho đôi trẻ. Căn nhà sàn rộng thênh thang, bếp lửa giữa nhà chờn vờn sáng. Chỉ có tiếng chuyện trò rủ rỉ, tiếng tàn lửa nổ lép bép. Bên ngoài, gió lạnh lùa vi vút, sương trên cành rụng lộp bộp. Đêm đông vùng cao yên ắng, tĩnh lặng và bếp lửa càng thêm phần ấm áp.
Cuộc sống hiện đại đã làm thay đổi nhiều thứ. Bây giờ, người Tày ở các phố thị hầu như đều dùng bếp gas, bếp điện để đun nấu. Chỉ ở những bản làng vùng cao, vùng xa mới còn dùng bếp củi, còn gác bếp. Nhưng với nhiều người Tày, bếp lửa sàn với cái gác bếp dù đã trở thành hoài niệm xa xôi song mãi là hình ảnh thân thương không thể nào quên được.
Hoàng Minh Sơn
Ý kiến bạn đọc